Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần này đã ghi nhận chuỗi hồi phục ấn tượng với chỉ số VN-Index tăng 14,16 điểm (1,3%) lên mốc 1.129,4 điểm, đánh dấu mốc cao nhất trong vòng 9 tháng đã qua.
Nhờ đà tăng ấn tượng này, khối tài sản của 10 người giàu nhất sàn chứng khoán (tính trên lượng cổ phiếu nắm giữ trực tiếp tại các doanh nghiệp) cũng gia tăng đáng kể.
Đáng chú ý, cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát đã ghi nhận chuỗi tăng ấn tượng với 4 phiên tăng liên tiếp trong tuần. Theo đó, cổ phiếu này đã tăng 8,3% trong tuần gần nhất, đóng cửa ở 25.400 đồng/cổ phiếu. Đà tăng này cũng giúp HPG thiết lập đỉnh mới trong vòng 1 năm qua và đã tăng hơn gấp đôi so với đáy hồi tháng 11 năm ngoái.
Chuỗi thăng hoa của cổ phiếu HPG đã giúp tài sản của ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát - tăng thêm 2.957 tỷ đồng trong tuần. Hiện ông Long sở hữu trực tiếp tới hơn 1,5 tỷ cổ phiếu HPG. Tại giá đóng cửa cuối ngày 23/6, khối tài sản từ cổ phiếu của ông Long có giá trị trên 38.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, tuần này lại ghi nhận diễn biến kém tích cực của cổ phiếu VIC (Tập đoàn Vingroup) với xu hướng giảm gần 2,9%. Diễn biến này khiến giá trị tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm hơn 1.000 tỷ đồng, xuống mức 35.946 tỷ đồng.
Như vậy, nếu tính riêng giá trị tài sản căn cứ theo lượng cổ phiếu nắm giữ trực tiếp tại các doanh nghiệp (không tính phần cổ phiếu nắm qua công ty liên quan và người thân), ông chủ Tập đoàn Hòa Phát đã vượt qua Chủ tịch Vingroup để trở thành người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu tính cả phần cổ phiếu các doanh nhân nắm giữ gián tiếp thông qua người thân và công ty liên quan, tổng giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng vẫn đạt trên 108.000 tỷ đồng.
Trước đó, ông Phạm Nhật Vượng thường xuyên giữ vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng người giàu trên sàn chứng khoán với giá trị tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng nếu tính riêng lượng cổ phiếu nắm giữ trực tiếp.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, ông Vượng đã phải sử dụng lượng lớn cổ phần để góp vốn thành lập công ty mới, do đó giá trị tài sản đã giảm đáng kể. Gần đây nhất, ông Vượng đã chuyển nhượng quyền sở hữu gần 50,8 triệu cổ phiếu VIC thuộc sở hữu cá nhân để góp vốn vào CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM.
Sau khi chuyển đổi, lượng nắm giữ của ông Vượng giảm xuống còn hơn 690 triệu cổ phiếu VIC, chiếm 17,87% vốn Vingroup, đồng thời Công ty GSM sở hữu 1,31% vốn điều lệ Vingroup.
Cũng trong bảng xếp hạng người giàu sàn chứng khoán Việt, ông Đỗ Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Sunshine Homes, vẫn xếp vị trí thứ 3 dù 3/4 mã chứng khoán ông nắm giữ vừa trải qua tuần giao dịch đỏ lửa.
Cụ thể, duy nhất mã SCG (Tập đoàn Xây dựng SCG) tăng 2,19% trong tuần này, còn lại các mã KSF (KSF Group); KLB (Kienlongbank) và SSH (Sunshine Homes) đều lần lượt giảm 1,77%; 1,4% và 1,22%.
Trong khi đó, 7 vị trí còn lại thuộc về các doanh nhân nổi tiếng như Phó chủ tịch HĐQT HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo; bà Vũ Thị Hiền - vợ ông Trần Đình Long; bà Phạm Thu Hương, Phó chủ tịch Vingroup; Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng cùng vợ là bà Hoàng Anh Minh và mẹ Vũ Thị Quyên; xếp thứ 10 là Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.