Giá vàng hôm nay 2/10, Giá vàng vẫn bị vùi dập, tìm ‘tia lửa’ kích hoạt giá kim loại quý ở đâu? Vàng SJC thuận đà lao dốc. (Nguồn: Shutterstock) |
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 2/10
Tuần này, giá vàng trong nước ghi nhận số phiên giảm nhiều hơn phiên tăng.
Mở cửa giao dịch đầu tuần 26/9, các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh giảm giá vàng về dưới 66,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 65,65 - 66,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 150 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần trước.
Phiên 27/9, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 65,55 - 66,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trong khi giá vàng thế giới hồi phục thì giá vàng trong nước sáng 28/9 lại giảm mạnh. Giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 64,2 - 65,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 400 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên 27/9.
Sáng 29/9, trong bối cảnh đồng USD yếu giúp giá vàng thế giới tăng, các doanh nghiệp trong nước cũng đồng loạt điều chỉnh tăng. Giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 64,7 - 65,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 500 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Phiên sáng 30/9, giá vàng trong nước tiếp tục tăng. Vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 64,75 - 65,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 200 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm trước.
Thời điểm sáng 1/10, chốt phiên giao dịch tuần, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 65,4 – 66,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Như vậy, so với phiên đầu tuần 26/9 ở mức 65,65 - 66,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giá vàng SJC trong nước chốt phiên cuối tuần 1/10 giảm 250 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 70.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Trên thị trường thế giới, dù tăng giá trong tuần qua, giá vàng vẫn kéo dài chuỗi giảm sang tháng thứ sáu liên tiếp và đối mặt với quý không mấy tươi sáng, khi thị trường lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất để kiềm chế giá cả.
Giá vàng giao tháng 12/2022 đã tăng 3,40 USD (tương đương 0,2%) lên 1.672 USD/ounce - mức khép phiên cao nhất kể từ ngày 22/9.
Tính chung cả tuần qua, giá vàng đã tăng 1%. Tuy nhiên, kim loại quý này vẫn mất 3,1% trong tháng 9/2022 - đánh dấu chuỗi giảm 6 tháng liên tiếp.
Theo công ty theo dõi dữ liệu thị trường Dow Jones Market Data, đây là chuỗi giảm theo tháng dài nhất đối với vàng trong vòng 4 năm qua.
Ghi nhận của TG&VN, giá vàng thế giới chốt tuần giao dịch (30/9) trên sàn Kitco tại 1.662,1 USD/ounce.
Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên sáng 1/10:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 65,4 – 66,4 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 65,4 – 66,4 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 65,4 – 66,4 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 65,1 – 66,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 65,42 – 66,40 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 51,86 – 52,66 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 51,25 – 52,45 triệu đồng/lượng.
Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank ngày 1/10, 1 USD = 24.010 VND, giá vàng thế giới tương đương 48,08 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán ra 18,32 triệu đồng/lượng.
Liệu giá vàng có thể chấm dứt chuỗi 6 tháng lao dốc?
Theo các nhà phân tích, những gì vàng thực hiện trong hai tuần tới sẽ rất quan trọng đối với giá vào cuối năm. Mọi con mắt đang đổ dồn vào các dữ liệu việc làm và lạm phát mới nhất khi kim loại quý cho thấy những dấu hiệu đầy hứa hẹn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang và biến động thị trường gia tăng.
Vàng đã có một bước phát triển quan trọng vào giữa tuần khi giá tăng từ mức thấp nhất trong 2,5 năm và hướng tới mức 1.700 USD/ounce.
Chiến lược gia thị trường cấp cao Frank Cholly của RJO Futures nói: "Vào thứ Tư, vàng đã có một sự đảo chiều ngoạn mục, đánh dấu sự tăng giá mạnh. Nhìn vào biểu đồ giá vàng, điều này rất tích cực”.
Nếu vàng có thể quay trở lại trên 1.700 USD/ounce, xu hướng tăng giá sẽ đạt được và có kim loại quý có thể đạt mốc 1.740 USD/ounce, chiến lược gia Cholly nói thêm.
Trước tuần này, các chỉ số kỹ thuật của vàng rất tiêu cực, đặc biệt là sau khi giảm xuống dưới 1.680 USD/ounce. Chiến lược gia Michael Boutros của DailyFX cho biết, việc sụt giảm mạnh hơn dưới 1.600 USD có thể mở ra cơ hội cho một đợt bán tháo mạnh, kéo giá kim loại quý xuống 1.290 USD/ounce.
Chuyên gia Boutros nói: “Các chỉ số kỹ thuật rất ảm đạm. Nếu giá vàng có thể vượt lên trên 1.706 USD, thị trường có thể xóa tan đà giảm giá này”.
Nhưng việc tăng giá này cần phải diễn ra trong vòng hai tuần tới, nếu không, thị trường tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm. "Những gì xảy ra trong hai tuần tới về giá là điều tối quan trọng. Tốc độ bất thường và cường độ tăng lãi suất của Fed gây áp lực nặng nề lên vàng", Boutros lưu ý.
Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị có thể là một trong những động lực ngắn hạn khiến giá vàng tăng lên trên 1.700 USD/ounce.
Tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hiệp ước sáp nhập 4 khu vực của Ukraine, gồm Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson.
Tuy nhiên, Giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu của TD Securities Bart Melek cho biết: “Cần nhớ rằng, bất kỳ lợi ích địa chính trị nào đối với vàng có thể chỉ là tạm thời. Bất cứ lúc nào có sự gia tăng rủi ro địa chính trị, thì ít nhất cũng có một sự tăng giá tạm thời. Nhưng xem xét tình hình chính sách tiền tệ, sẽ khó có thể thay đổi xu hướng giảm giá chung của vàng”.
"Cuối cùng, đồng USD tiếp tục mạnh. Triển vọng không thay đổi. Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, và Ngân hàng Trung ương Anh đẩy mạnh chính sách thắt chặt tiền tệ", Melek chỉ ra.
Đó là những yếu tố không có lợi cho giá vàng.
Theo các nhà phân tích, xu hướng ngắn hạn của vàng sẽ phụ thuộc phần lớn vào dữ liệu việc làm và lạm phát được công bố trong hai tuần đầu tiên của tháng 10 này.
Melek nói: "Tôi không thấy vàng có đột phá cho đến khi dữ liệu việc làm và lạm phát tại Mỹ được công bố. Nếu Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hoặc việc làm mạnh hơn dự kiến, đó là điều tiêu cực đối với vàng.
Điều đó cho thấy Fed sẽ có nhiều khả năng tiếp tục tăng lãi suất lên tới 4,6%.”
Các dự đoán đồng thuận ước tính, nền kinh tế có khả năng tạo ra thêm 250.000 vị trí việc làm trong tháng 9 và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp gần 50 năm với 3,7%.
Con số lạm phát hàng năm dự kiến sẽ ở mức 8,1% vào tháng 9 sau khi đạt 8,3% vào tháng 8.
Vàng vẫn là tài sản trú ẩn an toàn?
Nhà phân tích Neils Christensen viết trên Kitco News: “Không có gì phải bàn cãi rằng 2022 là một năm đầy thách thức đối với vàng. Khác với nhiều dự đoán, kim loại quý này đã không phản ứng với tình trạng bất ổn địa chính trị dai dẳng, lạm phát và bất ổn kinh tế toàn cầu đang gia tăng.
Bất chấp những bất ổn về kinh tế, thị trường vàng đã giảm liên tiếp trong 6 tháng qua. Động thái đáng thất vọng này của vàng đã khiến các nhà đầu tư có tâm lý tiêu cực.
Tuần này, các nhà phân tích hàng hóa tại ING lưu ý rằng, vàng đang ở trong một thị trường giảm kỹ thuật từ mức đỉnh vào tháng Ba. Đồng thời, các nhà phân tích thị trường tại BMO Capital đã hạ giá vàng và bạc trong năm 2023 lần lượt là 6% và 11%.
Tuy nhiên, trước khi từ bỏ vàng bạc, điều quan trọng cần lưu ý là tâm lý tiêu cực này chưa bao giờ được chứng minh là bền vững. Lần cuối cùng thị trường vàng chứng kiến 6 tháng giảm là từ tháng 4 đến tháng 9/2018. Sau thời điểm này, giá kim loại quý tiếp tục tăng mạnh mà đỉnh điểm là lên mức cao kỷ lục mới trên 2.000 USD/ounce.
Và hiện nay, mô hình tương tự cũng đang hình thành trong định vị đầu cơ giảm giá của vàng, đang ở mức cao nhất kể từ tháng 12/2018.
Neils Christensen nhấn mạnh: “Chúng tôi không nói rằng giá vàng sẽ sớm quay trở lại mức 2.000 USD/ounce vào thời điểm cụ thể nào, nhưng đến một lúc nào đó, các nhà đầu tư sẽ bắt đầu nhận ra giá trị xây dựng cơ hội trong không gian kim loại quý.
Nếu bạn đang tìm kiếm tia lửa sẽ kích hoạt đợt tăng giá tiếp theo của vàng, bạn không cần phải tìm đâu xa hơn Fed. Chính sách tiền tệ thắt chặt của Ngân hàng trung ương Mỹ đã thúc đẩy lợi suất trái phiếu thực, vốn khoảng -1% vào đầu năm, lên khoảng 1%. Điều này đã đẩy đồng USD lên mức cao nhất trong hai thập niên. Đây là hai cơn gió lớn đối với vàng.
Tuy nhiên, chính sách tiền tệ của Fed đang bắt đầu gây căng thẳng cho nền kinh tế toàn cầu. Các nhà phân tích thị trường đã lưu ý rằng, sức mạnh cực đoan của đồng USD đang tạo ra sự mất cân bằng đáng kể trên thị trường tiền tệ toàn cầu. Trong 7 ngày qua, cả Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Anh đã phải can thiệp vào thị trường tiền tệ của họ”.
Theo nhà phân tích trên, sự biến động của thị trường sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn khi Fed đứng tương đối đơn độc với tư cách là ngân hàng trung ương lớn duy nhất đang thắt chặt chính sách tiền tệ của mình. Có, Fed có nghĩa vụ hỗ trợ nền kinh tế Mỹỳ, nhưng liệu cơ quan này có thể tiếp tục tăng lãi suất không?
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Kitco News, Robert Minter, Giám đốc Chiến lược đầu tư ETF tại abrdn, cảnh báo các nhà đầu tư rằng, Fed đã mắc sai lầm trong chính sách và nền kinh tế toàn cầu chỉ đang chờ đợi sự sụp đổ.
Ông nói: “Nhiều người đứng ngoài lề chờ đợi một thứ gì đó vỡ ra, và khi họ thấy điều đó, họ sẽ chuyển sang vàng”.
Minter không đơn độc. Ronald-Peter Stoeferle, Giám đốc điều hành tại Incrementum AG, nói rằng sức mạnh của đồng USD sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái sâu và nghiêm trọng.
Vàng vẫn phải đối mặt với một số khó khăn, nhưng trong môi trường này, ngày càng có nhiều quan điểm trái ngược rằng, việc nắm giữ kim loại quý này như một tài sản trú ẩn an toàn có ý nghĩa nhất định.