KINH TẾ Đầu tư

Giá vàng hôm nay 26/4/2023: Giá vàng đang dần hồi phục, cơ hội mua tại 'đáy', Nga có 'động thái lạ'

Admin

Giá vàng hôm nay 26/4/2023 giằng co, lên giá nhẹ, khi lực mua đầu cơ giá lên tăng mạnh tranh thủ lúc mặt bằng giá thấp hơn. Vàng đã thử nghiệm mức 2.000 USD hai lần trong thời gian qua, nhiều yếu tố "ủng hộ giá lên vẫn còn", nhưng giới đầu tư hiện không muốn đặt cược lớn trước khi các thông tin về kinh tế Mỹ rõ ràng hơn.

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 26/4/2023

Giá vàng thế giới tăng nhẹ trở lại khi nhận được sự hỗ trợ từ đồng USD yếu hơn, trong khi giới đầu tư tỏ rõ sự thận trọng, chờ đợi thêm số liệu kinh tế của Mỹ được công bố trong tuần này, nhằm đánh giá chính xác quan điểm chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian còn lại của năm 2023.

Ghi nhận của TG&VN vào 21h00 ngày 25/4 (giờ Việt Nam), giá vàng giao dịch trên sàn Kitco tăng giảm liên tục, giao dịch tại 1.986,50 - 1.987,50 USD/ounce, giảm 2,4 USD so với phiên liền trước. Lần cuối cùng, giá vàng giao tháng 6 tăng 2,80 USD giao dịch ở mức 2.002,60 USD/ounce.

Khẩu vị rủi ro không còn mạnh mẽ trong thời gian gần đây, trong bối cảnh lo ngại về chu kỳ lãi suất "cao hơn trong thời gian dài hơn" của Fed. Trong khi vẫn còn những lo ngại trên thị trường về suy thoái kinh tế Mỹ đang cận kề.

Cùng với báo cáo không được như kỳ vọng về niềm tin của người tiêu dùng Mỹ công bố vào cuối ngày 25/4, một số kết quả về hoạt động sản xuất thu hẹp trong tháng Tư, đang làm nổi bật thêm những tổn thất kinh tế trong chu kỳ thắt chặt lãi suất của Fed.

Giá vàng hôm nay 26/4/2023: Giá vàng đang dần hồi phục, thế giới đua mua vàng, Ngân hàng Nga có động thái lạ. (Nguồn: Kitco)

Các thị trường đang đặt cược Fed có 87,2% khả năng sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 2-3/5. Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Vàng là một khoản đầu tư an toàn trong bối cảnh kinh tế không chắc chắn trong khi lãi suất cao hơn, khiến USD mạnh lên, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng không sinh lãi, làm giảm sức hấp dẫn của nó.

Trong diễn biến này của thị trường, các nhà giao dịch kim loại quý cho rằng, tâm lý dao động thường xảy ra trước khi bắt đầu đợt tăng giá tiếp theo. Các dấu hiệu tạo đáy có thể xuất hiện nhanh chóng, mang đến cơ hội mua mà bất kỳ nhà đầu cơ giá lên nào đang chờ đợi.

Giá vàng trong nước chốt phiên giao dịch ngày 25/4, đồng loạt chững lại tại tất cả hệ thống kinh doanh. Giá vàng SJC bán ra ổn định trên 67 triệu đồng/lượng, cao hơn giá mua vào khoảng 600.000 - 700.000 đồng/lượng. Giá vàng trang sức điều chỉnh giảm nhẹ so với các phiên đầu tuần.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên 25/4:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,35 – 67,07 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,40 – 67,00 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,45 – 67,05 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,50 – 67,05 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,47 – 67,03 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 55,73– 56,68 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 55,40– 56,50 triệu đồng/lượng.

Dự báo giá vàng

Ajay Kedia, Giám đốc Công ty môi giới đầu tư Kedia Commodities ở Mumbai, Ấn Độ dự báo trong ngắn hạn, giá vàng có thể củng cố trong khoảng 1.970 - 2.020 USD/ounce.

Peter Fertig, nhà phân tích của Quantitative Commodity Research, cho biết nếu niềm tin của người tiêu dùng tích cực thì thị trường sẽ ít có khả năng chứng kiến nền kinh tế Mỹ bước vào suy thoái, điều này có tác động tiêu cực đến vàng. "Chính sách tiền tệ thắt chặt từ Fed có thể hạn chế tiềm năng tăng giá của vàng trong thời gian tới".

Trong khi đó, chuyên gia Carsten Menke của Julius Baer tin rằng, mức giá từ 2.000 USD/ounce trở lên chỉ hợp lý trong trường hợp kinh tế Mỹ suy thoái trên diện rộng và kéo dài hơn, kèm theo sự quay trở lại của nhu cầu tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn”.

Cả thế giới mua vàng, Nga bắt đầu bán

Vàng trở nên hấp dẫn hơn trong thời kỳ bất ổn và thực tế, nhu cầu đã tăng vọt trong một năm qua. Các ngân hàng trung ương thế giới quản lý hàng nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối đang tăng cường mua vàng khi căng thẳng địa chính trị leo thang, buộc họ phải suy nghĩ về chiến lược đầu tư của mình. Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), lượng vàng mà các ngân hàng trung ương mua đã tăng 150% trong năm ngoái, lên hơn 1.130 tấn.

Một cuộc thăm dò thường niên với 83 ngân hàng trung ương, quản lý tổng tài sản ngoại hối trị giá 7.000 tỷ USD cho thấy 2/3 người được hỏi nghĩ rằng các ngân hàng sẽ tăng lượng vàng nắm giữ trong năm nay. Hầu hết nhà quản lý dự trữ được khảo sát đánh giá rủi ro địa chính trị là một trong những quan tâm lớn nhất của họ, chỉ đứng sau lạm phát, theo khảo sát về Xu hướng Quản lý dự trữ của ngân hàng HSBC.

Ngân hàng Quốc gia Czech đã mua 1,5 tấn vào tháng Ba. Tổng dự trữ vàng của nước này hiện ở mức 13,5 tấn - mức cao nhất kể từ giữa năm 2006. Ấn Độ cũng đã mua 3,5 tấn vàng thỏi vào tháng trước, nâng tổng lượng vàng quý 1 lên 7,3 tấn. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc báo cáo mua thêm 18 tấn vàng vào tháng 3, đánh dấu tháng mua vàng thứ 5 liên tiếp.

Trong khi đó, giới quan sát bình luận, hiện đã rõ ràng hơn về những gì ngân hàng trung ương Nga đã làm với lượng vàng dự trữ trong năm ngoái. Tháng 3 vừa qua, Ngân hàng trung ương Nga đã bán ra tổng cộng 3,1 tấn vàng, khi kim loại quý bắt đầu một đợt tăng giá lớn, theo thông tin từ WGC, trích dẫn dữ liệu mới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Cùng bán vàng với Nga còn có Thổ Nhĩ Kỹ, Kazakhstan.

Krishan Gopaul, nhà phân tích cấp cao của WGC cho biết: “Ngân hàng Trung ương Nga đã giảm 3,1 tấn dự trữ vàng chính thức trong tháng 3/2023. Thú vị hơn, ngân hàng này hiện đã công bố lượng vàng nắm giữ hàng tháng kể từ tháng 2/2022”. Theo dữ liệu mới nhất, dự trữ vàng của Nga đã tăng thêm 28 tấn.

Tuy nhiên, giới phân tích vẫn còn một số câu hỏi liên quan đến sản lượng vàng của Nga và lượng kim loại quý này đã đi về đâu - với khoảng 300 tấn/năm, con số này cao hơn nhiều so với nhu cầu trong nước hoặc lượng vàng giao dịch được Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) báo cáo".