TIÊU ĐIỂM

Giải quyết vướng mắc cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam

Tuyết Trang

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương liên quan tập trung xử lý khó khăn, vướng mắc cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.

Giải quyết vướng mắc cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam - Ảnh minh họa

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 283/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với các Bộ, địa phương, cơ quan có liên quan về xử lý khó khăn, vướng mắc cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.

Thông báo nêu: Thời gian qua, Lãnh đạo Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông, trong đó có các dự án tại khu vực phía Nam, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần đi kiểm tra thực địa và làm việc với các bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là vướng mắc về cung ứng vật liệu đắp nền đường, bước đầu đạt kết quả tốt.

Phó Thủ tướng ghi nhận và biểu dương Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng đã chủ động điều phối và cung ứng nguồn cát đắp nền đường cho các dự án giao thông trọng điểm trong khu vực; đặc biệt, tỉnh Bến Tre đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng tương trợ nguồn vật liệu cho phần thiếu hụt của các dự án, nhờ đó đã bảo đảm được phần lớn nhu cầu cát đắp nền đường theo tiến độ triển khai các dự án.

Tuy nhiên, một số địa phương có nguồn vật liệu (đặc biệt là tỉnh Tiền Giang) còn chưa chủ động, chưa có sự quyết liệt, các cơ quan tham mưu nghiên cứu chưa sâu, tham mưu chưa đúng việc thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các địa phương chưa áp dụng kịp thời cơ chế chính sách đặc thù mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành, dẫn đến chưa có phương án cung ứng vật liệu đắp nền đường cho các dự án còn thiếu nguồn; một số nơi còn lúng túng trong chỉ đạo, điều hành, chưa thể hiện được tinh thần trách nhiệm chính trị của địa phương đối với việc cung ứng vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng, chưa chủ động thông tin đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương huy động nguồn vật liệu đắp nền đường (cát sông, cát biển)…

Giải quyết dứt điểm khó khăn cung ứng vật liệu xây dựng

Để hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng các tuyến giao thông kết nối liên vùng, Phó Thủ tướng yêu cầu các Thành ủy, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng cần tiếp tục xác định đầy đủ trách nhiệm chính trị, chủ động trong việc bảo đảm cung ứng vật liệu đắp nền đường cho các dự án; các bộ, địa phương phải đưa ra cách làm rõ ràng, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc để cung ứng vật liệu xây dựng phục vụ đắp nền đường (cát) cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam. Đây là những dự án huyết mạch, là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương. Vì vậy, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải chỉ ra nguyên nhân của các khó khăn, vướng mắc, làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền ở trung ương (Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành) và địa phương theo tinh thần "Bàn để quyết chứ không bàn để đấy"; khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 271/TB-VPCP ngày 22 tháng 6 năm 2024 về kết luận Phiên họp lần thứ 12 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Đối với dự án còn thiếu nguồn vật liệu đắp nền đường , Phó Thủ tướng yêu cầu trong tháng 7 năm 2024, các địa phương có mỏ phải hoàn thành thủ tục để khai thác cát cung ứng cho các dự án, bảo đảm khối lượng, công suất đáp ứng tiến độ thi công theo ý kiến của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong đó, tỉnh Tiền Giang cung ứng khoảng 15,95 triệu m 3 cho các Dự án: (i) Dự án Cần Thơ - Cà Mau khoảng 2 triệu m 3 ; (ii) Dự án thành phần 2 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khoảng 4,55 triệu m 3 ; (iii) Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 6,6 triệu m 3 ; (iv) Dự án thành phần 2 thuộc Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu khoảng 0,95 triệu m 3 ; (v) Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận khoảng 1,85 triệu m 3 ); đồng thời, tiếp tục cân đối để cung ứng đủ nhu cầu vật liệu đắp nền đường cho các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 271/TB-VPCP ngày 22 tháng 6 năm 2024.

Tỉnh Bến Tre cung ứng khoảng 7,37 triệu m 3 cho các Dự án: (i) Dự án Cần Thơ - Cà Mau khoảng 2 triệu m 3 ; (ii) Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khoảng 3,37 triệu m 3 ; (iii) Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 2 triệu m 3 ; đồng thời tiếp tục hỗ trợ đối với các dự án đang có khó khăn về nguồn hoặc công suất khai thác theo tiến độ do các nguyên nhân khách quan và tiếp tục cân đối để cung ứng đủ nhu cầu vật liệu đắp nền đường cho các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 271/TB-VPCP ngày 22 tháng 6 năm 2024.

Tỉnh An Giang cung ứng đủ 3,395 triệu m 3 cát đắp nền đường cho phần còn thiếu của Dự án thành phần 1 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang là cơ quan chủ quản.

Các tỉnh: Vĩnh Long, Sóc Trăng tiếp tục rà soát ưu tiên cung ứng vật liệu đắp nền cho các dự án trọng điểm theo tiến độ; tỉnh Vĩnh Long cung ứng cho Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh 1,4 triệu m 3 , trong đó năm 2024 là 0,7 triệu m 3 .

Phó Thủ tướng giao Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải làm Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành, phối hợp cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan có liên quan trực tiếp làm việc ngay với các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang… để: (i) chủ động nắm bắt và giải quyết dứt điểm, triệt để các khó khăn vướng mắc về vật liệu đắp nền đường; (ii) kịp thời hướng dẫn rõ ràng, cụ thể các thủ tục về: nâng công suất mỏ hiện đang khai thác trước ngày 15 tháng 7 năm 2024; thủ tục rút gọn nhất có thể để cấp phép mỏ mới, hoàn thành trước 15 tháng 7 năm 2024, bao gồm cả việc không phải thực hiện đấu giá theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 22 Nghị định 158/2016/NĐ-CP; (iii) hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang (để điều chuyển linh hoạt khoảng 2,43 triệu m 3 từ các mỏ đã cấp đối với Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) về trình tự, thủ tục điều tiết linh hoạt vật liệu san lấp cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đảm bảo 01 mỏ có thể cấp cho nhiều nhà thầu, nhiều dự án và việc điều tiết không làm tăng thêm chỉ tiêu chung về nguồn cung ứng vật liệu đắp nền đường đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh An Giang và các địa phương có liên quan) và thủ tục hoàn trả lại từ các mỏ đã cấp cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sau khi dự án này hoàn thành công tác đắp nền đường cũng như chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan hoàn trả vật liệu san lấp đã điều tiết, bảo đảm đúng tiến độ Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; hoàn thành và báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trước ngày 05 tháng 7 năm 2024.

Phó Thủ tướng cũng giao Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang và địa phương có vướng mắc khẩn trương hoàn thiện thủ tục, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 15 tháng 7 năm 2024 về điều chỉnh Quy hoạch tỉnh đối với nội dung liên quan đến khai thác khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng trên địa bàn để cung ứng cho các dự án giao thông trọng điểm.

Về thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường , Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành thủ tục giao khu vực biển trước ngày 28 tháng 6 năm 2024 để Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng và các nhà thầu triển khai hoạt động khai thác theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 271/TB-VPCP ngày 22 tháng 6 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ.

Phó Thủ tướng yêu cầu căn cứ kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho dự án giao thông đã được Bộ Giao thông vận tải thực hiện, Bộ Giao thông vận tải sớm hướng dẫn cụ thể, rõ ràng (phạm vi, điều kiện, các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng để sử dụng cát biển, yêu cầu kỹ thuật, tổ chức thi công…) cho các địa phương, chủ đầu tư các dự án, nhà thầu thi công việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường, hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2024. Các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư chủ động nghiên cứu để quyết định việc thực hiện triển khai thí điểm mở rộng theo thẩm quyền.

Bộ Giao thông vận tải khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3888/VPCP-CN ngày 05 tháng 6 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang có thông tin chính thức, đầy đủ cho các cơ quan truyền thông và các cá nhân có liên quan biết về chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường, cũng như kết quả mà Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện thí điểm trong thời gian qua, nhất là việc ảnh hưởng (nhiễm mặn) đến cây trồng, vật nuôi tại khu vực thí điểm (lưu ý ý kiến của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang tại cuộc họp về việc một số diện tích lúa của tỉnh Hậu Giang bị nhiễm mặn trong thời gian qua không liên quan đến hoạt động thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền đường).

Cơ quan chủ quản các dự án (Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hậu Giang) cử 01 đồng chí lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo các chủ đầu tư, các cán bộ làm công tác chuyên môn làm việc với các tỉnh có nguồn vật liệu (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng…), bảo đảm cung ứng đủ khối lượng, công suất vật liệu đắp nền đường, đáp ứng tiến độ thi công các dự án thuộc phạm vi quản lý...