Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của chương trình, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các Bộ ngành, địa phương.
Trong gói 350.000 tỷ đồng của chương trình, một cấu phần quan trọng, chiếm gần 1/3, tương đương khoảng 113.000 tỷ đồng sẽ dành cho đầu tư phát triển hạ tầng. Trong đó, nổi bật là 6 dự án giao thông quan trọng quốc gia, các dự án mang tính liên kết vùng, các trục xương sống của khu vực miền trung hay ĐBSCL. Theo Bộ GTVT, đây sẽ là những công trình tạo sức bật cho nền kinh tế.
Gần 1/3 trong gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sẽ dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng
Dự án giai đoạn 2 cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án trọng điểm quốc gia, có tổng vốn đầu tư gần 147.000 tỷ đồng, triển khai từ năm 2021 - 2025. Hiện đang ở giai đoạn bàn giao cọc giải phóng mặt bằng và hoàn thiện báo cáo khả thi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư. Mục tiêu sẽ khởi công ngay trong năm 2022 này.
3 dự án quan trọng quốc gia khác gồm: Cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, tổng vốn hơn 17.800 tỷ đồng. Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tổng vốn hơn 45.000 tỷ đồng và cao tốc Khánh Hoà - Buôn Mê Thuột, tổng vốn gần 22.000 tỷ đồng. Các dự án này đều đang trong quá trình thẩm định. Dự kiến sẽ được khởi công trong năm 2023.
2 dự án nhóm A gồm cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, nối 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, có tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng và dự án cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh với Sóc Trăng có tổng vốn hơn 8.000 tỷ đồng. Dự kiến cũng sẽ được khởi công vào đầu năm 2023.
Đây đều là các dự án lớn đang được Bộ GTVT tập trung hoàn thiện thủ tục để phê duyệt, làm cơ sở sớm triển khai.
Nhiều địa phương đợi nguồn vốn hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông
Bên cạnh các trục giao thông xương sống và liên kết vùng thuộc nhiệm vụ của Bộ GTVT, thì gói ngân sách cho đầu tư hạ tầng thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế cũng là mong mỏi của không ít các địa phương. Bởi một số dự án dang dở nhiều năm đến nay vẫn chưa có nguồn vốn thực hiện.
Như tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu là dự án giao thông trọng điểm kết nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc. Dư án được phê duyệt đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa huy động được vốn. Các địa phương có dự án đi qua là Sơn La và Hòa Bình đang tiếp tục đề xuất chuyển đổi sang đầu tư công.
"Đoạn từ km19 - km53 có tổng số vốn là 9.770 tỷ đồng, dự kiến thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 4.650 tỷ, như vậy số vốn còn thiếu khoảng hơn 5.000 tỷ, sẽ tiếp tục báo cáo bộ ngành trung ương để có vốn bố trí cho chương trình",Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hoà Bình Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Còn dự án đường cao tốc đi qua 4 tỉnh Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Với phương án đầu tư PPP, dự án có tổng vốn hơn 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đề xuất chuyển sang đầu tư công, tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên khoảng 21.000 tỷ. Theo đại diện tỉnh Nam Định, hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới chỉ bố trí cho dự án 1.100 tỷ đồng trong giai đoạn 2022 - 2023. Nhu cầu vốn vẫn còn rất lớn.
Nhiều địa phương đang đợi nguồn vốn hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông
Theo các chuyên gia, việc các địa phương tập trung giải ngân tốt tại các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công hàng năm cũng sẽ là cơ hội để được xem xét bổ sung thêm vốn từ chương trình phục hồi.
"Cũng có thể là sẽ có một số địa phương với những dự án phân bổ vốn đầu tư công trong năm 2022 và 2023 chưa đủ mà họ có khả năng giải ngân vượt quá số đó thì Chính phủ cũng có thể điều ngay từ gói 350.000 tỷ, qua đó đảm bảo đẩy nhanh tiến độ, đưa công trình dự án vào để phát huy tác dụng", ông Nguyễn Đức Kiên -Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết.
Coi gói hỗ trợ là "vốn mồi" để thúc đẩy phát triển hạ tầng
Các chuyên gia cho rằng, tâm lý chờ đợi được phân bổ vốn từ gói phục hồi kinh tế của các địa phương cũng là điều dễ hiểu. Bởi nhu cầu vốn đầu tư để đưa các dự án đi vào vận hành nhằm phát triển kinh tế vẫn là nút thắt lớn trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, sẽ rất khó để có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu. Thay vào đó, các địa phương nên xem đây là nguồn vốn mồi để gỡ những điểm nghẽn cốt yếu nhất, tạo động lực huy động thêm được các nguồn lực khác cùng tham gia vào lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông.
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư, gói phục hồi lần này mang tính chất hỗ trợ thêm cho nền kinh tế để nhanh chóng quay lại quỹ đạo tăng trưởng sau dịch bệnh. Nguồn vốn phát triển hạ tầng cũng được xác định sẽ dành cho tất cả các địa phương và sẽ phải được thực hiện song song với các nhiệm vụ đầu tư công khác.
"Chương trình phục hồi không phải là một chương trình thay thế, cho nên những trọng tâm trọng điểm nào cần phải hỗ trợ để phục hồi nhanh, cần phải kích vào để có được động lực tăng trưởng mới thì chúng ta sẽ dành ưu tiên nguồn lực để chúng ta thực hiện điều đó. Đặt trên bối cảnh Ngân sách nhà nước, đặc biệt là Ngân sách Trung ương không phải là vô hạn để mỗi lần chúng ta khó khăn là chúng ta lại yêu cầu Ngân sách Trung ương hỗ trợ",Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết.
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư, gói phục hồi lần này mang tính chất hỗ trợ thêm cho nền kinh tế
Cũng theo các chuyên gia, các địa phương không nên chỉ trông chờ vào gói hỗ trợ mà cần xem đây là nguồn vốn mồi để giải quyết các nút thắt như giải phóng mặt bằng, tái định cư… từ đó có thể thu hút thêm các nguồn lực khác tham gia trong quá trình đầu tư phát triển hạ tầng.
"Các địa phương hoàn toàn có thể sử dụng vốn mồi này để đầu tư vào những khâu tôi cho là vướng nhất, nó đang là cái khóa, cái nút thắt mà chúng ta không khai thông được nguồn vốn khác thì phải bỏ nguồn vốn này vào đây. Nếu như giải phóng mặt bằng sạch rồi, có nguồn đất sạch rồi thì có thể kêu gọi các nhà đầu tư vào. Thậm chí kể các đấu thầu đất đó để mà tạo nguồn lực và thậm chí chúng ta đẩy cái đầu tư hợp tác công tư PPP", GS.TS Hoàng Văn Cường cho biết.
Còn theo TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cũng không nên quá dựa dẫm vào chương trình này trong khi chúng ta có rất nhiều chương trình kế hoạch khác đã và đang tiến hành.
Gói hỗ trợ phát triển hạ tầng được đánh giá là không lớn so với nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025, trung bình khoảng hơn 500.000 tỷ đồng mỗi năm. Do đó, việc các địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã được phân bổ cũng sẽ góp phần thúc đẩy hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.