ĐỜI SỐNG CÔNG NGHỆ

Google, Facebook đồng loạt nhận án phạt từ Pháp

Kỳ Văn

Cơ quan giám sát quyền riêng tư dữ liệu của Pháp CNIL hôm 6/1 thông báo đã phạt Google số tiền kỷ lục 150 triệu Euro (169 triệu USD) vì khiến người dùng Internet khó từ chối các tệp theo dõi trực tuyến được gọi là cookie.

Trong khi đó, Facebook của Meta Platforms cũng bị phạt 60 triệu Euro vì lý do tương tự.

Đảm bảo việc người dùng Internet có quyền đồng ý đối với việc sử dụng cookie - những đoạn dữ liệu nhỏ giúp xây dựng các chiến dịch quảng cáo kỹ thuật số theo mục tiêu cụ thể - là trụ cột chính trong quy định bảo mật dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU), cũng là ưu tiên hàng đầu của CNIL.

Pháp quyết định phạt Google, Facebook số tiền lên đến 210 triệu Euro. (Nguồn: Getty)

Trong thông báo mới nhất, cơ quan giám sát của Pháp cho biết họ phát hiện các trang web facebook.com, google.fr và youtube.com không cho phép người dùng dễ dàng từ chối cookie.

CNIL nói, mặc dù Google và Facebook cung cấp một nút ảo để cho phép người dùng chấp nhận cookie ngay lập tức, nhưng không có cách thức dễ tiếp cận tương đương nào cho việc từ chối chúng.

Cơ quan này cho biết, hai công ty trên có ba tháng để tuân thủ các lệnh từ giới hữu trách, hoặc đối mặt với khoản tiền phạt bổ sung là 100.000 Euro cho mỗi ngày chậm trễ.

Theo yêu cầu, Google và Facebook phải cung cấp cho người dùng Internet ở Pháp các công cụ đơn giản hơn để từ chối cookie, nhằm đảm bảo sự đồng thuận của họ.

Khoản tiền phạt kỷ lục trước đó của CNIL vào năm 2020 cũng nhắm vào Google và lên tới 100 triệu Euro.

Vào thời điểm đó, CNIL cho hay, các trang web tiếng Pháp của Google đã không tìm kiếm sự đồng thuận từ khách hàng truy cập trước khi đặt cookie quảng cáo trên máy tính của người dùng, cũng như không cung cấp thông tin rõ ràng về cách công ty dự định sử dụng những thông tin thu thập được thế nào.

Tuy nhiên, các vấn đề trên đã được giải quyết.

Cơ quan giám sát quyền riêng tư dữ liệu của Pháp đã tăng cường đảm bảo sự đồng thuận đối với các tệp theo dõi quảng cáo từ năm 2020, đề xuất rằng các trang web hoạt động ở nước này nên lưu giữ đăng ký về việc người dùng Internet từ chối chấp nhận cookie trong ít nhất 6 tháng.

CNIL cũng cho biết, người dùng Internet tại Pháp nên có quyền dễ dàng xem xét lại bất kỳ thỏa thuận ban đầu nào liên quan đến cookie, thông qua một liên kết web hoặc một biểu tượng hiển thị trên tất cả các trang web.