KINH TẾ Thị trường

Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam

Tuyết Trang

Hàn Quốc là thị trường lớn nhất nhập khẩu mực và bạch tuộc của Việt Nam với kim ngạch đạt 159 triệu USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu mực và bạch tuộc đã thu về 406 triệu USD trong 8 tháng đầu năm, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 8, riêng mực đạt 221 triệu USD và bạch tuộc thu về hơn 185 triệu USD.

Về thị trường, Hàn Quốc là thị trường lớn nhất nhập khẩu mực và bạch tuộc của Việt Nam với kim ngạch đạt 159 triệu USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ 2 là Nhật Bản với hơn 93 triệu USD, giảm gần 10% so với cùng kỳ. Trung Quốc & Hồng Kông (Trung Quốc) là thị trường lớn thứ 3 với 47 triệu USD, tăng 12% so với 8 tháng năm 2023.

Theo một số chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu thủy sản nói chung và nhóm mực bạch tuộc nói riêng có phần sụt giảm là do tác động của lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu làm giảm nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường, cùng với thẻ vàng IUU chưa được tháo gỡ.

Tuy nhiên, nhu cầu mực, bạch tuộc của Hàn Quốc vẫn ổn định trong 8 tháng năm 2024. Bên cạnh đó, Hàn Quốc giảm nhập khẩu từ các nguồn cung khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Peru nên tăng nhập khẩu từ Việt Nam.

Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam. Ảnh minh hoạ

Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam các loại như mực khô lột da, mực chế biến làm sạch đông lạnh, mực sushi đông lạnh, mực nang phile làm sạch đông lạnh, mực cắt trái thông đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh, bạch tuộc cắt khúc ướp đá, bạch tuộc chế biến đông lạnh…

Hiện nay, Việt Nam đang hưởng mức thuế xuất khẩu sang Hàn Quốc là 0% đối với các sản phẩm bạch tuộc tươi, bạch tuộc sống và đông lạnh. Các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế lớn khi thâm nhập thị trường này.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, các tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp tục phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu khởi sắc nhưng tốc độ tăng trưởng chậm. Giá cả lương thực, năng lượng và chi phí vận chuyển vẫn ở mức cao khiến lạm phát toàn cầu dù có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng áp lực giá cả vẫn tiếp tục gia tăng, chưa về mức mục tiêu mà các quốc gia mong muốn và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại.

Trước những thông tin trên, bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Hiệp hội VASEP – Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam nhận định, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, thương mại của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng đã có thêm nhiều cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng phải đối mặt với hàng loạt các thách thức mới mà ngành đang và sẽ đối mặt cả về thị trường xuất khẩu và các vấn đề nội tại của ngành.

Do đó, việc kết nối các doanh nghiệp trong toàn chuỗi cung ứng hướng đến phát triển ngành thủy sản theo hướng toàn diện là vấn đề được đặt ra. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, để nhà mua hàng có cái nhìn tổng quát hơn về ngành thủy sản Việt Nam, sản phẩm thủy sản Việt Nam ngày càng đa dạng hơn, luôn đảm bảo về chất lượng, đáp ứng về truy xuất nguồn gốc và bắt kịp xu hướng tiêu dùng thế giới, từ đó, đưa hình ảnh thủy sản Việt Nam đến gần hơn người tiêu dùng thế giới.

Tú Chi (T/h)