Theo UBND TP. Thủ Đức, hiện nay trên địa bàn TP. Thủ Đức hiện có 164 chung cư, trong đó 51 chung cư chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) cho các chủ sở hữu căn hộ chung cư; 82 chung cư đã cấp sổ hồng, 20 chung cư đang thực hiện thủ tục cấp giấy hồng.
Ngoài ra, TP. Thủ Đức có 5 chung cư đủ điều kiện nhưng chưa có ban quản trị, 23 chung cư chưa đủ điều kiện bầu ban quản trị do chưa đủ điều kiện tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu và có 37 chung cư chưa được bàn giao kinh phí bảo trì. 8 chung cư có hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) xuống cấp, 9 chung cư không có hệ thống PCCC.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thực tế thời gian gần đây đã có rất nhiều vụ cháy với thiệt hại lớn xảy ra tại một số khu chung cư trên cả nước. Bên cạnh nguyên nhân từ sự lơ là, chủ quan của người dân, sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan PCCC, những lỗ hổng sai sót trong thiết kế chung cư cũng được đánh giá là một trong những điểm yếu “chết người”, là nguyên nhân sâu xa dẫn đến nhiều vụ cháy thương tâm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Trung, Chuyên gia Quản lý Tư vấn Vận hành kĩ thuật tòa nhà CBRE Hà Nội cho hay, hiện có tình trạng nhiều chung cư ở Hà Nội chưa được nghiệm thu PCCC nhưng chủ đầu tư đã cho người dân vào ở mặc dù thủ tục này không hề phức tạp nếu chủ đầu tư thực hiện đúng, đủ các tiêu chí như bản vẽ được thẩm duyệt.
Tuy nhiên, theo ông Trung, trên thực tế có một số công trình bị chậm về khâu này đa phần do khi thực hiện, thi công lắp đặt các hệ thống trong tòa nhà không đúng như thiết kế được thẩm duyệt ban đầu. Mặt khác, chủ đầu tư thiếu sự tư vấn của đơn vị quản lý vận hành về sau, cho nên nhiều vấn đề, nhiều rủi ro chưa được đề ra khi xây dựng công trình. Trong khi đó, bản vẽ thiết kế được thẩm duyệt không mô tả được chi tiết, đến khi cơ quan nghiệm thu PCCC sẽ chỉ ra những vấn đề không an toàn và yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện.
“Lúc này, khó khăn là các gói thầu đã được duyệt, nếu bổ sung thêm phải phát sinh nhiều thủ tục gây chậm tiến độ, cho nên nhiều chủ đầu tư chưa thực hiện được. Vừa qua có công bố danh sách các công trình chưa nghiệm thu PCCC đã đưa dân vào ở.
Thực trạng này có thể xuất phát từ việc người dân tự thỏa thuận với chủ đầu tư. Bởi nếu người dân không đồng ý về ở thì chủ đầu tư cũng phải tự có phương án để giải quyết, đảm bảo an toàn PCCC cho người dân trước khi đi vào vận hành tòa nhà”, ông Trung cho hay.
Cũng theo vị này, trong các tòa nhà hiện nay, việc đầu tư cơ sở vật chất PCCC khá tốt, hệ thống báo cháy thông minh (hệ thống này lường được hết các tình huống như khói, bụi bẩn, nồng độ khói bao nhiêu..) nhưng người sử dụng lại không khai thác được hết tính năng của nó. Điều này vô tình dẫn đến hệ thống báo cháy hay xảy ra tình huống báo cháy giả, cứ lặp đi lặp lại nhiều lần người dân sẽ tin đó là báo cháy giả và chủ quan.
Hiện trường vụ cháy nhà ở phường Cát Lái, TP. Thủ Đức khiến 6 người tử vong hồi tháng 3/2021. Ảnh: Zing
Liên quan tới vấn đề trên, vào ngày 31/12/2019, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 21/2019/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư (QCVN 04:2019/BXD). Quy chuẩn QCVN 04:2019/BXD có nhiều nội dung đề cập tới việc đảm bảo an toàn PCCC tại các chung cư.
Cụ thể, theo QCVN 04:2019/BXD, nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp phải tuân thủ các quy định về an toàn cháy theo QCVN 06:2019/BXD, còn phải đảm bảo các yêu cầu bổ sung sau: Tường và vách ngăn giữa các đơn nguyên; tường và vách ngăn giữa hành lang chung (bên ngoài căn hộ) với các phòng khác, phải có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn El 60; Tường và vách ngăn không chịu lực giữa các căn hộ, phải có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn El 40 và cấp nguy hiểm cháy K0; Lan can các lô gia và ban công từ tầng 3 trở lên phải làm từ vật liệu không cháy;
Các phòng có chức năng công cộng phải được ngăn cách với các phòng ở bằng các vách ngăn cháy loại 1, các sàn ngăn cháy loại 3, còn trong các nhà có bậc chịu lửa I thì phải ngăn cách bằng sàn ngăn cháy loại 2; Đối với nhà có từ 2 đến 3 tầng hầm, bậc chịu lửa của nhà là bậc I;
Đối với nhà có chiều cao từ 75 m đến 100 m, ngoài việc tuân thủ các quy định tại Điều 2.9.1 của quy chuẩn, cần đảm bảo các yêu cầu bổ sung sau: Bậc chịu lửa của nhà là bậc I, yêu cầu chịu lửa của kết cấu và bộ phận nhà lấy theo QCVN 06:2019/BXD; Tòa nhà phải được phân chia thành các khoang cháy theo chiều cao, với chiều cao mỗi khoang không lớn hơn 50 m. Các khoang cháy phải được ngăn cách với nhau bằng một sàn ngăn cháy có giới hạn chịu lửa tối thiểu REI 150 hoặc bằng một tầng kỹ thuật với kết cấu chịu lực theo phương ngang (sàn và trần) có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 90;
Diện tích cho phép lớn nhất của một tầng nhà trong phạm vi một khoang cháy phải tuân thủ theo QCVN 06:2019/BXD; Tại các vị trí giao nhau giữa sàn ngăn cháy và các bộ phận ngăn cháy với kết cấu bao che của nhà phải có giải pháp đảm bảo không để cháy lan truyền qua các bộ phận ngăn cháy; Mỗi khoang cháy theo chiều cao phải có hệ thống bảo vệ chống cháy (cấp nước chữa cháy, thoát khói, chiếu sáng thoát nạn, báo cháy, chữa cháy tự động) hoạt động độc lập. Cho phép các khoang cháy sử dụng chung trạm bơm cấp nước, trạm bơm chữa cháy, quạt hút khói, tủ trung tâm báo cháy;
Phía trên lối ra từ các gara ở tầng một phải bố trí các mái đua bằng vật liệu không cháy có chiều rộng không nhỏ hơn 1,0 m và đảm bảo khoảng cách từ mải đua này tới cạnh dưới của các lỗ cửa sổ bên trên không nhỏ hơn 4,0 m; Khoảng cách giới hạn cho phép từ cửa ra vào của căn hộ đến lối ra thoát nạn gần nhất (buồng thang bộ hoặc lối ra bên ngoài) phải tuân thủ QCVN 06:2019/BXD;
Chiều rộng thông thủy bản thang và chiếu thang của các buồng thang bộ loại N1 tại phần ở của nhà phải không nhỏ hơn 1,20 m; buồng thang bộ loại N2 không nhỏ hơn 1,05 m với khoảng cách hở thông thủy giữa các bản thang không nhỏ hơn 100 mm; Từ tất cả các buồng thang bộ không nhiễm khói phải có các bản thang dẫn lên mái qua các cửa ngăn cháy loại 2. Cửa căn hộ dẫn ra hành lang phải là cửa ngăn cháy loại 1; Phần có chức năng khác của nhà (kể cả các phòng kỹ thuật, phòng phụ trợ phục vụ cho phần căn hộ) phải được ngăn cách với phần căn hộ của nhà bằng tường ngăn cháy đặc có giới hạn chịu lửa REI 150 và sàn ngăn cháy loại 1 đồng thời có các lối ra thoát nạn riêng;
Các giếng thang máy của phần căn hộ không được thông với phần còn lại của nhà. Các giếng của hệ thống kỹ thuật (kể cả đường ống rác) của phần căn hộ và phần còn lại của nhà phải riêng biệt; Lớp cách nhiệt (nếu có) của tường ngoài nhà phải được làm bằng vật liệu không cháy. Cho phép sử dụng lớp cách nhiệt từ vật liệu có nhóm cháy Ch1 và Ch2 (QCVN 06:2019/BXD) nếu nó được bảo vệ từ tất cả các phía bằng bê tông hoặc vữa trát có chiều dày không nhỏ hơn 50 mm. Tại các vị trí lắp khuôn cửa sổ và cửa đi trên tường ngoài chiều dày của lớp bê tông (vữa trát) này phải không nhỏ hơn 30 mm...