Đề xuất tăng lợi nhuận định mức lên 15%
Tại hội thảo chuyên đề “Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới” ngày 19/9 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, sau gần 13 năm triển khai thực hiện chính sách nhà ở xã hội, đặc biệt là các chính sách nhà ở xã hội đã được ban hành tại Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều bất cập, vướng mắc ngay trong quy định và trong triển khai thực hiện.
Đến ngày 3/4, “Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030” đã được Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân lao động, sinh viên, học sinh, người thu nhập thấp đô thị và người nhập cư. Tính đến hết tháng 3/2023, cả nước đã hoàn thành 307 dự án với 157.100 căn nhà ở xã hội.
Ở góc độ địa phương, ông Mạc Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo chương trình phát triển nhà ở của TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, mục tiêu của TP là dự kiến phát triển 6,8 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội. Đây là chỉ tiêu và mục tiêu rất lớn của TP trong thời gian sắp tới.
Để hoàn thành mục tiêu theo chương trình phát triển nhà ở xã hội của thành phố, việc đề xuất và tham mưu các chính sách và đặc biệt là các chính sách thu hút nhà đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia dự án nhà ở xã hội là rất cần thiết.
Do đó, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất một số giải pháp thu hút được các nhà đầu tư hiệu quả nhất, góp phần vào thực hiện mục tiêu của TP cũng như toàn quốc.
Thứ nhất, phải cải cách về trình tự, thủ tục và đặc biệt là khâu lựa chọn các nhà đầu tư tham gia các dự án nhà ở xã hội.
Nếu lựa chọn theo Luật Đấu thầu thì TP Hà Nội đề xuất phải có mục riêng về lựa chọn các nhà đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội.
Ở một số quốc gia, sau khi đánh giá sơ bộ về năng lực pháp lý, pháp nhân, năng lực tài chính và năng lực kinh nghiệm, giải pháp đưa ra là bốc thăm lựa chọn để chọn ra nhà đầu tư. Thời gian dự kiến chỉ diễn ra trong vòng 1-2 tháng. Nếu thực hiện theo Luật Đấu thầu, chúng ta phải mất hơn 1 năm.
Thứ hai, liên quan đến tiền sử dụng đất thu được từ 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong khu nhà ở thương mại, Hà Nội đề xuất sửa đổi khoản 3 Điều 81 Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi theo hướng TP được sử dụng số tiền này thông qua Quỹ đầu tư phát triển của địa phương, để phát triển đầu tư hoặc cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.
Kiến nghị thứ ba rất quan trọng liên quan đến ưu đãi các nhà đầu tư tham gia các dự án nhà ở xã hội. Trước đây, chúng ta đã có quyết định dành quỹ đất 20% phát triển nhà ở thương mại trong khu nhà ở xã hội. Nhưng vừa qua, Nghị định 35 của Chính phủ cũng đã bỏ nội dung này.
Tuy nhiên, Sở Xây dựng Hà Nội tiếp tục đề xuất tiếp tục được phép sử dụng quỹ đất 20% để phát triển nhà ở thương mại trong khu nhà ở xã hội. Mục đích phát triển nhà ở thương mại này là thứ nhất giảm chi phí, thứ 2 giảm giá thành mua, thuê nhà của người dân.
Thứ tư, cầntăng lợi nhuận định mức của các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội lên 15% thay vì 10% như trước đây.
Nhiều điểm mới trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Chia sẻ về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang chờ Quốc hội thông qua, ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, dự thảo đã có nhiều điểm mới so với Luật Nhà ở năm 2014.
Cụ thể, dự thảo đã bổ sung thêm 2 nhóm chính sách, đó là nhóm chính sách nhà ở cho công nhân ở các KCN và lực lượng vũ trang bên cạnh chính sách cho người thu nhập thấp ở đô thị.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh.
Điểm mới thứ hai liên quan đến việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Khắc phục những tồn tại trước đây, dự thảo được xây dựng theo hướng giao cho UBND cấp tỉnh chủ động dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội theo đúng chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt.
“UBND cấp tỉnh có thể quyết định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại cũng như dành các quỹ đất ở các dự án độc lập đủ để phát triển các dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới. Đây là điểm rất quan trọng tạo điều kiện đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội”, Thứ trưởng Sinh nói.
Điểm mới thứ ba trong dự thảo là làm rõ và bổ sung nhóm chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Chủ đầu tư tham gia dự án nhà ở xã hội sẽ được miễn tiền sử dụng đất, sẽ được hưởng lợi nhuận 10%, sẽ được dành 20% diện tích đất thương mại, dịch vụ để đầu tư các tiện ích phục vụ cư dân trong các dự án của mình.
Chủ đầu tư cũng được vay nguồn vốn với lãi suất ưu đãi thông qua các hệ thống ngân hàng thương mại cũng như ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư, phát triển các dự án nhà ở xã hội.
Điểm mới thứ tư liên quan đến đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội. Dự thảo lần này sửa đổi theo hướng giảm bớt các thủ tục trong việc xác định đối tượng mua. Trước đây, xác định đối tượng được mua theo 3 tiêu chí: tiêu chí về cư trú, về thu nhập và nhà ở. Dự thảo lần này bỏ tiêu chí về cư trú. Đã là công dân Việt Nam thì có quyền mua nếu đủ điều kiện về thu nhập và nhà ở.
Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi theo hướng cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, giao đất, lựa chọn chủ đầu tư cũng như xác định giá bán, giá thuê mua cho các đối tượng.
“Với những sửa đổi này, chúng tôi tin sẽ tạo ra một số cơ chế thông thoáng để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, cán bộ công chức cũng như công nhân lao động ở các khu công nghiệp”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh bày tỏ.