Lãi suất vay mua vẫn neo cao
Thời gian qua, lãi suất vay mua nhà dù đã hạ nhiệt nhưng mức giảm chưa nhiều. Lãi suất cho vay mua nhà vẫn ở mức cao khiến nhà đầu tư "mắc cạn" với các khoản vay hiện hữu.
Anh Nguyễn Trung (Hà Nội) cho hay, giữa năm 2022, anh vay 1,2 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại để mua một căn hộ chung cư. Cuối năm 2022, ngân hàng thông báo điều chỉnh lãi vay từ 10%/năm lên 11,5%/năm. Đầu năm nay, ngân hàng này lại điều chỉnh lãi vay lên 13%/năm.
Mỗi tháng, anh Trung phải lo trả ngân hàng 15 triệu đồng tiền gốc và lãi. Điều anh Trung bức xúc là nhiều tháng qua, lãi suất huy động giảm mạnh nhưng lãi suất khoản vay của anh vẫn không thấy giảm.
Tương tự, Mai Trang (ngụ TP.HCM) chia sẻ, chị đang có khoản vay 2 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại với mức lãi suất 13%/năm. Chị Trang sốt ruột vì thấy các ngân hàng liên tục thông báo giảm lãi suất huy động nhưng lãi suất khoản vay mua nhà của chị chưa thấy giảm.
Không chỉ khách hàng hiện hữu như chị Trang, anh Trung đang lo sốt vó, việc lãi suất vẫn neo cao khiến khách hàng vay mới cũng tỏ ra e dè khi vay tiền ngân hàng mua nhà.
Anh Phạm Bắc (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, đầu năm nay, vợ chồng anh dự định mua một căn hộ chung cư sau nhiều năm ở trọ. Anh nghĩ lãi suất huy động giảm nhanh thì lãi vay mua nhà cũng sẽ giảm theo. Nhưng chờ cả nửa năm mà lãi vay chưa giảm. Do đó, vợ chồng anh quyết định dừng ý định mua nhà, chờ một thời gian nữa cho lãi suất giảm thêm mới mua nhà.
Nhiều người cũng lo lắng về việc áp dụng lãi suất thả nổi theo thị trường của các ngân hàng.
Lãi suất cho vay ưu đãi của các ngân hàng hiện khá "mềm". Nhưng mức lãi suất ưu đãi này thường chỉ giữ trong 3-6 tháng đầu, sau đó sẽ thả nổi theo lãi suất thị trường.
Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) hiện có lãi suất cho vay ưu đãi chỉ 4,99%/năm. Nhưng MSB chỉ cố định mức lãi suất này trong 3 tháng đầu. Sau đó, ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất thả nổi theo lãi suất thị trường, rơi vào khoảng 13,75%/năm.
Lãi suất vay mua nhà của nhiều ngân hàng đang khá cao, dao động quanh mức 11-14%/năm. Mức lãi suất này đang gây áp lực lớn với những người đã và đang có ý định vay vốn ngân hàng để mua nhà.
Trong khi đó, dù được vay ưu đãi mua nhà ở xã hội với lãi suất 8,2%/năm nhưng nhiều gia đình có thu nhập thấp không dám liều vay.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), mức lãi suất của gói tín dụng này tuy ưu đãi nhưng vẫn quá cao so với khả năng tài chính của nhiều gia đình.
Ông Châu cho rằng thời gian ưu đãi 5 năm là quá ngắn. Nhiều khả năng sau khi hết thời gian ưu đãi thì người mua nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại bình thường và đây sẽ là "gánh nặng" cho người vay là người thu nhập thấp, công nhân lao động.
Có thể thấy, với mức lãi suất cho vay còn cao như hiện nay, câu chuyện đi vay mua nhà thật sự đang vượt quá khả năng tài chính của những người có nhu cầu mua nhà ở thực.
Lãi suất cho vay cần giảm xuống dưới 10%/năm
Theo Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm, tình hình thị trường bất động sản tiếp tục trạng thái trầm lắng. Dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng hoạt động tại thị trường bất động sản vẫn chưa sôi động trở lại.
Dù thanh khoản gần đây có cải thiện hơn so với những tháng đầu năm nhưng theo các chuyên gia, để dòng tiền thực sự quay trở lại thị trường bất động sản, vẫn phụ thuộc phần lớn vào lãi suất cho vay của ngân hàng.
Nhu cầu về nhà ở hiện vẫn rất lớn. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang chững lại như hiện nay, đây được coi là cơ hội để người mua nhà ở thực có thể mua với mức giá tốt. Tuy nhiên, lãi suất cho vay mua nhà đang vượt quá khả năng tài chính của nhiều người.
Chủ tịch một tập đoàn bất động sản lớn chia sẻ, hiện lãi suất dành cho các ngành sản xuất, kinh doanh khác có thể giảm nhưng lãi suất cho vay đối với bất động sản vẫn neo rất cao. Dù ngân hàng có mở hầu bao cho vay thì doanh nghiệp cũng không vay được vì dự án vướng pháp lý.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, để vực dậy thị trường bất động sản, chỉ giảm lãi suất vay là chưa đủ, cần phải có biện pháp tháo gỡ triệt để các vấn đề về pháp lý, nhằm giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.
Ngoài thủ tục pháp lý, lãi suất quá cao cũng là vấn đề nan giải. Lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao khiến cho tâm lý người mua nhà vẫn e dè dẫn đến thanh khoản bất động sản rất khó khăn dù các chủ đầu tư liên tục đưa ra các chương trình hỗ trợ như chiết khấu, giảm giá, thanh toán chậm nhưng cũng khó bán hàng.
TS. Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Đầu tư kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, cho biết, lãi suất cho vay mua nhà phải giảm xuống dưới 10%/năm thì mới thực sự kích thích được nhu cầu vay vốn mua nhà.
Các chuyên gia của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận xét, chỉ khi nào mặt bằng lãi suất trung bình giảm xuống dưới 10% thì khi đó thị trường bất động sản mới “phản ứng” mạnh. Lãi suất 10% là con số mà các nhà đầu tư có khả năng chịu đựng được khi đi vay.
Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, các khoản vay mua nhà thường là vay dài hạn, nên các ngân hàng sẽ phải cân nhắc mức độ rủi ro của nền kinh tế mới tính tới việc giảm sâu lãi vay.
Theo ông Hiếu, lãi suất cho vay cần giảm xuống dưới 10%/năm thì mới có thể kích tăng sức cầu tiêu dùng bất động sản. Nhưng vấn đề là kéo lãi suất xuống được mức đó ở thời điểm này là không thể, bởi lãi suất thế giới đang trong xu hướng tăng, nếu Việt Nam giảm mạnh lãi suất sẽ tạo sự bất ổn về tỷ giá, ngoại hối.
Trong khi đó, đại diện nhiều ngân hàng cho biết lãi suất cho vay chưa thể giảm nhanh vì một lượng vốn huy động giá cao chưa "tiêu hóa" hết. Lượng tiền cho vay hiện nay đến từ giai đoạn các ngân hàng huy động lãi suất cao trong cuối năm 2022 và đầu quý I/2023. Các ngân hàng đang phải trả lãi cao cho số tiền huy động này nên chưa thể giảm lãi suất cho vay ngay được.