KINH TẾ Tài chính

Lật tẩy 5 chiêu bài tinh vi “mị dân” người tham gia của hệ thống "không làm vẫn có ăn" MyAladdinz

Admin

Bằng những cách thức đánh tráo khái niệm, xoáy sâu vào lòng tham, ham muốn giàu nhanh thông qua hoạt động “vuốt đèn” và xây dựng hệ thống, MyAladdinz đang thu hút rất nhiều người tham gia vào mạng lưới của mình.

Gần đây, MyAladdinz bỗng trở thành ứng dụng được nhiều người yêu thích vì viễn cảnh "không làm vẫn có ăn" do hệ thống này vẽ ra. Đi kèm với đó là câu chuyện các thành viên không tài năng xuất sắc, không nghề nghiệp ổn định, chỉ sau vài tháng tham gia MyAladdinz đã mua được ô tô.

Tuy nhiên, ngoài chiêu bài truyền thông theo dạng "bánh vẽ" kể trên, MyAladdinz thực tế còn tung ra rất nhiều chiêu khác để lôi kéo mọi người vào hệ thống.

1. Nhân danh ứng dụng mua hàng, thanh toán hóa đơn

Đội ngũ MyAladdinz truyền thông tới người dùng rằng đây là ứng dụng giúp họ mua sắm hoàn tiền. Ngoài ra, MyAladdinz còn có thể thanh toán các hóa đơn điện, nước, học phí, bảo hiểm, chi phí sinh hoạt, tiêu dùng, trả góp ngân hàng, thuê nhà, thuê mặt bằng, mua xe, mua nhà, cho đến mua các nhu yếu phẩm như thực phẩm, đồ uống…

Thực tế, My Aladdinz chưa hề được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ thanh toán nên không có cơ sở pháp lí để người dùng có thể thanh toán hóa đơn điện, nước qua ứng dụng này (giống như cách Momo hay Moca đang làm hiện nay).

Ngoài ra, dù quảng cáo bán mọi thứ nhưng một người từng tham gia hệ thống Alladinz cho biết hàng hóa trên đây chủ yếu có giá trị thấp (thực phẩm, nông sản, hàng tiêu dùng nhanh), thông tin gian hàng không đầy đủ, rõ ràng, nhiều khi chỉ là ảnh lấy trên mạng về lắp vào.

Lê Hoàn, người đứng đằng sau app MyAladdinz.

2. Tự ví mình giống Momo, Moca, Tiki, Lazada, Shopee, Sendo

Trong nhiều sản phẩm quảng cáo, các thành viên MyAladdinz giải thích ứng dụng này giống như Momo, Moca hay AirPay, nghĩa là người dùng có thể quét mã QR để mua hàng.

Tuy nhiên, đây chỉ là chiêu thức đánh lận con đen vì những hệ thống như Momo, Moca không bắt người tham gia phải dùng tiền thật để mua tiền ảo. Trong khi đó, muốn trả qua MyAlladdinz, khách hàng bắt buộc phải nạp tiền thật vào hệ thống để mua "gem", rồi từ "gem" mới mua được tiếp hàng hóa.

Tương tự như vậy, MyAladdinz cũng nhận mình giống các sàn thương mại điện tử chính thống như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo, kết nối người bán và người mua. Nhưng trong khi những sàn này không hề thu phí đăng ký của các nhà bán hàng, chỉ thu phí % trên giá trị đơn hàng thực tế thì với MyAlladinz, người bán cần có 100 "gem" trong tài khoản mới được xét duyệt lên gian hàng. Muốn có "gem" họ phải nạp tiền thật vào với tỷ lệ 1 gem = 1 USD.

Từ hai hoạt động trên, có thể thấy rõ MyAladdinz không giống những ứng dụng 4.0 đang hoạt động hiện nay. Bản chất MyAladdinz chỉ đang mạo danh mô hình 4.0 để xây dựng hệ thống, càng đông người tham gia, MyAladdinz càng thu nhiều tiền thật từ việc bán "gem" ảo.

3. Đánh lận con đen giữa tiền và điểm thưởng

MyAladdinz quảng cáo rằng không nhất thiết phải mua hàng, bạn vẫn có thể đầu tư trực tiếp vào đây và tiền sẽ tự động nhân 5, 10 lần, "tự sinh sôi nảy nở". Tuy nhiên thực tế, phần nhân 5, nhân 10 trong hoạt động đầu tư này chỉ là "point"-điểm thưởng. Hàng ngày, người dùng phải đổi từ điểm thưởng thành "gem" qua hoạt động vuốt đèn sau đó phải bán "gem" đi để thu về tiền thật.

Tương tự với hoạt động mua sắm, MyAladdinz hấp dẫn người dùng bằng chiêu bài hoàn tiền 80%. Nhưng giống như trên, phần khách hàng nhận hoàn về là điểm thưởng và họ vẫn phải đi qua vài giai đoạn lòng vòng mới lấy được tiền thật về tay.

Với chính sách tuyển hệ thống, khoản hoa hồng người tham gia nhận về từ tầng lớp F1, F2,...cũng chỉ là "point" và "gem", hoàn toàn không có tiền thật.

Lợi ích nhận về toàn "gem" và "point" trong bảng hệ thống phân tầng của MyAladdinz.

4. Rút từ "gem" sang tiền mặt rất dễ?

Trên một số hội nhóm Facebook hiện nay, đã xuất hiện hình thức mua bán online chấp nhận thanh toán bằng "gem". Phía MyAladdinz cũng khẳng định người nắm giữ "gem" hoàn toàn rút được tiền thật về ngân hàng của mình thông qua 2 hình thức sau:

Bán "gem" cho cộng đồng: Người bán chuyển "gem", người mua chuyển tiền VNĐ trả lại.

Bán "gem" trực tiếp trên App MyAladdinz: App MyAladdinz cho phép người dùng mua, bán "gem" qua USDT thông qua ví Remitano từ 23/04/2020; khi bán "gem" trên app MyAladdinz, tiền sẽ được chuyển thẳng về ví Remitano, từ ví Remitano rút thẳng về ngân hàng.

Hai hình thức này nghe qua đều rất dễ dàng nhưng thực tế, muốn bán "gem" thì phải có người mua "gem", kể cả dùng ví Remitano (ví chỉ mang tính chất trung gian, khi người mua khớp lệnh thì tiền mới vào ví). Vậy bao nhiêu người sẵn lòng mua một đơn vị tiền ảo do My Aladdinz tự tạo ra, vốn không hề có giá trị thực tế, không được pháp luật bảo vệ, không thể dùng trong hoạt động mua sắm hàng ngày?

Đến ngay cả hệ thống MyAladdinz cũng không nhận thu mua lại đồng "gem", nghĩa là người cầm "gem" đang cầm "dao đằng lưỡi". Một ngày hệ thống sụp đổ, đồng "gem" hoàn toàn vô giá trị, toàn bộ số tiền thật đầu tư vào hệ thống sẽ mất theo.

5. Tổ chức sự kiện, dùng chim mồi, đánh vào tâm lý sợ bỏ lỡ của người tham gia

Ngoài các biện pháp tinh vi nói trên, MyAladdinz sử dụng rất thành thạo chiêu bài tổ chức sự kiện để lôi kéo người tham gia.

Những buổi hội thảo tập trung hàng trăm người của MyAladdinz.

Trong các sự kiện này, phía MyAladdinz sẽ có nhiều hoạt động nhảy nhót, hô hào khẩu hiệu, kích thích tinh thần hưng phấn của khán giả phía dưới. Để thêm gia vị, các "chim mồi" cũng được mời lên sân khấu, trình bày hoàn cảnh đáng thương và gieo những viễn cảnh về sự giàu có sau khi họ tham gia vào hệ thống MyAladdinz.

Chưa hết, các sứ giả của "đèn thần" không ngừng cảnh báo, gieo rắc nỗi sợ vì chỉ cần chậm chân là người tham gia sẽ quay ngay vào "ô mất lượt".

"Lượng ‘gem’ này quá khan rồi, sẽ còn lên giá các bạn ạ… Vì vậy đừng nghĩ đây là nguy cơ mà chính là cơ hội", người dẫn dắt thành viên tham gia app MyAladdinz nói.

Chính những hiệu ứng từ sự kiện này, cùng với việc đánh trúng ước mơ giàu nhanh mà không phải làm gì của một bộ phận người Việt, MyAladdinz ngày càng tuyển được nhiều thành viên vào hệ thống.


Trong một video do VTV tổ chức gần đây, khi nói về MyAladdinz, đại diện Cục Canh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), ông Phạm Văn Cao cho biết: "Quy mô của mạng lưới này rất lớn rồi, thuộc quy mô phải xử lý hình sự, nên chúng tôi phải phối hợp với bên cơ quan công an để có biện pháp xử lý phù hợp. Hoàn tiền 80% nghe có vẻ rất phi thực tế, tôi không hiểu vì sao người ta vẫn tin tưởng?

Bản thân mỗi người đều phải mời người khác tham gia, và được hưởng lợi từ cái đó, có thể bị quy vào tội đồng phạm khi các đối tượng bị truy tố về mặt hình sự".

Trong khi đó, một giám đốc công ty cũng thừa nhận đã phải đuổi việc nhân viên vì người này tham gia MyAladdinz và có hành vị lôi kéo thêm những người khác tham gia: "Không thể nào có chuyện bạn không làm gì vẫn ra tiền. Mình khẳng định đó là lừa đảo, khẳng định app sẽ sập, sẽ có hệ lụy nhiều người bị mất tiền. Và đương nhiên cũng có một số người kiếm được từ hệ thống nhưng kiếm tiền trong khi người khác phải ngã xuống thì đó là cách kiếm tiền bất nhân".