Theo bản tin thị trường tiền tệ của chứng khoán SSI, hiện tại, một số ngân hàng cho biết đã được NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng quý 1/2021 từ 3-4% so với cuối năm 2020.
Theo quan sát của SSI, tăng trưởng tín dụng các năm trước thường rất thấp trong tháng 1, thậm chí có thể tăng trưởng âm với những năm tín dụng tăng quá mạnh trong tháng 12 năm liền trước. Bởi vậy, thanh khoản các NHTM vẫn dư thừa, lãi suất tiền gửi, lãi suất liên ngân hàng sẽ giữ ổn định ở vùng hiện tại và lãi suất cho vay được kỳ vọng có thể giảm nhẹ đối với các lĩnh vực ưu tiên trong quý 1/2021.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2020 đạt khoảng 12,13%, bứt tốc mạnh trong những tháng cuối năm.
Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cũng cho thấy dư nợ cho vay khách hàng tăng vọt trong quý 4/2020. Chẳng hạn tại Vietcombank, dư nợ cho vay cuối năm 2020 đạt 839.788 tỷ đồng, tăng 7,1% trong quý 4/2020 trong khi 9 tháng trước đó chỉ tăng 6,7%.
Hay tại OCB, dư nợ cho vay khách hàng tăng tới 12,7% chỉ trong quý 4/2020, bằng với mức tăng của 3 quý trước đó. Đến cuối năm 2020, dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng đạt 89.238 tỷ đồng.
Tương tự, dư nợ cho vay của Sacombank tại ngày 31/12/2020 đạt 340.268 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cuối tháng 9/2020 và tăng 14,9% so với đầu năm.
Tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 cũng có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngân hàng, trong khi một số ngân hàng tăng trưởng cao trên 20% thì cũng có những nhà băng tăng chưa đến 10%. Chẳng hạn, VietBank có tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng chỉ đạt 9,5% trong năm 2020, PGBank tăng 8,3%, Saigonbank tăng 6,1%, ….