KINH TẾ Tài chính

Mùa làm ăn của những con thoi tiền rẻ

Kỳ Văn

Trong mùa này, khối lượng thì tăng gấp đôi, chất lượng thì tăng cả chục lần.

Suốt năm 2020, kỷ lục tiền rẻ kéo dài trên thị trường liên ngân hàng . Lãi suất VND qua đêm ở đây trong nửa cuối năm chỉ xoay quanh 0,1%/năm, gần cuối năm lên quanh 0,15%/năm.

Trong một lần trò chuyện với báo chí, lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chia sẻ rằng, hàng chục năm trong nghề ông chưa bao giờ thấy mức lãi suất thấp đến như vậy.

Thị trường thay đổi, ngân hàng cũng thay đổi. Như tại Vietcombank, hoạt động kinh doanh nguồn đã có điều chỉnh. Khi lãi suất liên ngân hàng về gần 0 như vậy, họ điều chuyển nguồn sang kênh khác.

Cụ thể, trong năm 2019, rồi mạnh mẽ hơn năm 2020, nguồn vốn được họ dịch chuyển và tập trung nhiều hơn cho đầu tư vào giấy tờ có giá. Khẩu vị chủ yếu ở đây là trái phiếu của các tổ chức tín dụng. Lãi suất ở đây cao hơn rất nhiều so với trên liên ngân hàng, lãi biên và hiệu quả sử dụng vốn tốt hơn.

Kết năm 2020, số dư đầu tư trái phiếu các tổ chức tín dụng của Vietcombank đã lên tới 78.000 tỷ đồng, tăng tới 47% so với năm 2019.

Tất nhiên, với những ngân hàng thương mại có vốn đầu vào thuận lợi như Vietcombank, kinh doanh trên thị trường 2 (liên ngân hàng) vẫn song hành. Cơ hội mang tính thời điểm và mùa vụ như hiện nay dĩ nhiên không thể bỏ lỡ.

Tuần đầu tiên cận Tết Nguyên đán 2021, thị trường liên ngân hàng biến động rất mạnh. Nếu xét về thời điểm và mức độ, biến động này chưa từng có từ trước đến nay. Đó là lãi suất tăng tới cả chục lần, một phần do nền cơ sở trước đó quá thấp hay vẫn được gọi là "tiền rẻ".

Từ 0,15 - 0,17%/năm, lãi suất VND qua đêm trên thị trường liên ngân hàng vừa liên tục đột biến vượt mốc 1%, 1,5% 2%, rồi 2,5%/năm… Quy mô khối lượng riêng tại kỳ hạn này cũng khoảng gấp đôi so với quãng trước đó, từ 40.000 - 50.000 tỷ đồng vượt trên 80.000 tỷ đồng/ngày.

Về lý thuyết, hướng đột biến trên là có giới hạn. Lãnh đạo khối nghiên cứu một ngân hàng thương mại trao đổi với BizLIVE rằng, họ luôn nhìn về Ngân hàng Nhà nước với một "mức trần" lãi suất can thiệp. Cụ thể, trên kênh cầm cố thị trường mở (OMO), nhà điều hành đã mở van, bơm ròng hơn 23.000 tỷ đồng trong ba phiên gần đây. Điểm quan trọng là lãi suất ở kênh này chốt ở 2,5%/năm.

Như vậy, mức 2,5%/năm này như một "mức trần". Các ngân hàng cần vốn ngắn hạn có thể tiếp cận nguồn của Ngân hàng Nhà nước với mức lãi suất đó, thay vì phải vay trên liên ngân hàng cao hơn.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ tiếp nguồn qua cầm cố giấy tờ có giá; trường hợp ngân hàng nào đó không đáp ứng được điều kiện này, phải chấp nhận vay liên ngân hàng với chi phí cao hơn.

Thực tế cũng cho thấy, lãi suất bình quân liên ngân hàng qua đêm, kỳ hạn 2 tuần cũng đã vượt mức lãi suất hỗ trợ nguồn nói trên của Ngân hàng Nhà nước; như trong ngày 3/2 các ngân hàng vay mượn nhau bình quân tương ứng 2,52% và 2,65%/năm. Bình quân tức là còn có những giao dịch có lãi suất cao hơn.

Trước cơ hội trên, cả khối lượng và chất lượng đã tăng và mở rộng như vậy, chắc chắn những con thoi có điều kiện nguồn thuận lợi như Vietcombank đang tăng cường kinh doanh ở thị trường này, nắm cơ hội kinh doanh tiền rẻ.

Tiền rẻ là đặc thù của năm 2020 vắt sang năm 2021, gắn với một tác động quan trọng là đại dịch Covid-19 và chính sách tiền tệ nới lỏng. Tiền rẻ cũng là một thực tế đang ngày một dày lên tại nhiều ngân hàng thương mại: tiền gửi không kỳ hạn (CASA) với lãi suất chỉ 0,1%/năm.

Nguồn thuận lợi có ở những thành viên sở hữu CASA lớn trong hệ thống. Và hiện đang là mùa cao điểm thể hiện lợi thế của họ trong kinh doanh, ngay trên thị trường liên ngân hàng với biến động rất mạnh nói trên.

CASA cũng chính là một chỉ tiêu hiện tượng năm qua và hiện nay, khi ngày càng chiếm tỷ trọng lớn tại một số ngân hàng thương mại.

Vô địch về chỉ tiêu này và cũng là kỷ lục từ trước tới nay thuộc về Techcombank , CASA lên tới 46,1% (được tính theo tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi ký quỹ và tiền gửi chuyên dùng). Các thành viên khác cũng đã gia tăng và sở hữu một tỷ lệ cao như MB lên tới 37%, Vietcombank 32%, MSB 29%...

Như vậy, có thể thấy, nếu nhiều năm trước đây khối "Big 4" sở hữu đặc thù và "đặc quyền" nhận tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước quy mô lớn, CASA lớn và thuận lợi trong kinh doanh nguồn, thì nay chính những ngân hàng TMCP tư nhân nói trên mới chiếm ưu thế và dẫn đầu về CASA khi cuộc chơi thu hút tiền rẻ trở nên thị trường hơn.

CASA càng lớn càng pha loãng chi phí vốn huy động, tạo lãi biên tốt hơn, hay cụ thể như nắm cơ hội làm con thoi cho vay trên liên ngân hàng với biến động lớn hiện nay.

Tất nhiên, do mùa cao điểm thanh toán và chi trả cận Tết, tiền mặt rút ra cũng thường lớn nhất trong năm. Ảnh hưởng này mở rộng với tất cả các ngân hàng thương mại, ảnh hưởng đến CASA. Theo đó, CASA vẫn thường được tính ở khả năng duy trì bình quân trong năm thay vì tại một thời điểm chốt sổ nào đó.

Nhưng trong dữ liệu hệ thống, lượng tiền mặt rút ra đó cũng không quá lớn. Hàng năm, tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán thường ở mức cao nhất vào dịp cận Tết Nguyên đán, với quanh 14%, nhưng ngay sau đó lập tức quay lại tỷ lệ chỉ quanh 11% - phản ánh dòng tiền nhanh chóng quay lại hệ thống ngân hàng.

Năm nay, do mặt bằng tiền rẻ kéo dài trước đó, biến động của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng mở ra cơ hội lớn cho các con thoi thuận lợi nguồn đi kinh doanh. Còn so về mặt bằng, lãi suất liên ngân hàng hiện nay vẫn còn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2020; dịp cận Tết năm ngoái lãi suất qua đêm phổ biến trên 3%/năm.