“Elon Musk liên tục nhắc về Bitcoin. Những câu nói bóng gió của Musk luôn khiến thị trường tiền mã hóa chao đảo”, Thành Long, 30 tuổi, chủ một cửa hàng sửa chữa điện thoại tại TP.HCM, than thở. Anh Long là một trong những nhà đầu tư đời đầu với 7 năm kinh nghiệm trên thị trường tiền mã hóa.
Theo ghi nhận của Zing, không chỉ anh Long, nhiều nhà đầu tư tiền mã hóa tại Việt Nam đang tỏ ra bức xúc xen lẫn lo lắng trước đợt biến động thị trường vừa qua. Thậm chí, một số nhà đầu tư cho rằng ông chủ Tesla đang “lấy tiền từ túi” của mình.
Việc Tesla tuyên bố ngừng chấp nhận thanh toán bằng đồng Bitcoin và các dòng tweet sau đó của CEO Elon Musk khiến thị trường chao đảo. Bên cạnh đó, thị trường hứng thêm cú sốc mới ngày 18/5 khi chính quyền Trung Quốc cảnh báo các tổ chức tài chính nước này không được giao dịch tiền mã hóa.
Tối ngày 19/5, giá Bitcoin sụt giảm gần 20%, ghi nhận đáy thấp nhất ở mức 30.681 USD/đồng. Đây là mức thấp nhất trong 14 tuần và thấp hơn 34.000 USD so với mức đỉnh 64.870 USD/đồng hồi tháng 4. Dù vậy, sau đó giá Bitcoin và các đồng tiền khác tăng trở lại.
Giá Bitcoin liên tục giảm mạnh xuống gần mốc 30.000 USD/đồng ngày 19/5. Ảnh: CoinDesk. |
Nhà đầu tư hoảng loạn
“Elon Musk có khả năng thao túng thị trường trong khi các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ phải ‘gồng lỗ, thở oxy’. Ban đầu tôi đầu tư ít, lời lãi không được bao nhiêu nên cố gắng giữ thêm vài % nữa. Ai ngờ giá quay đầu giảm, không thể gồng được nữa, tôi cắt lỗ và chịu thiệt hại hàng nghìn USD”, Chí Hùng - 28 tuổi, nhà đầu tư hiện sinh sống và làm việc tại nước ngoài - cho biết.
Tuy mới tham gia thị trường chưa đầy 2 tuần, anh Hùng cho biết đã đầu tư khoảng 2 tỷ đồng. Có thời điểm, anh lỗ hơn 130 triệu đồng. Anh kể bản thân được gia đình rủ tham gia, trước đó anh từng có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán.
Đây không phải lần đầu tiên thị trường tiền mã hóa thế giới dao động mạnh trước những câu nói “bóng gió” của Musk. Trên các hội nhóm thảo luận về tiền mã hóa tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư rất bức xúc với hành động bị cho là thao túng giá của vị tỷ phú.
Bên cạnh các blog và website hướng dẫn đầu tư, trên mạng xã hội hiện có hàng trăm hội nhóm thảo luận về tiền điện tử tại Việt Nam. Phần lớn hội nhóm này sở hữu trên 100.000 thành viên tham gia, số lượng bài viết trao đổi dao động từ 20-40 bài/ngày.
Tối ngày 19/5, hàng loạt bài viết được đăng tải, phần lớn bày tỏ sự thất vọng khi số vốn rót vào thị trường tiền mã hóa nay bị chia 2, chia 3.
“Tôi dành khoảng 640 USD để ôm BTC và DOGE. Sau 4 tháng tham gia, tôi thu về 1.150 USD nhưng giá hai đồng này lập tức giảm mạnh. Sẵn tâm lý muốn gỡ lại, tôi liều lĩnh đầu tư với đòn bẩy cao và lỗ nặng”, Trần Trung - 19 tuổi, ở Quảng Bình - kể.
Chia sẻ với Zing, Trung cho biết anh tham gia thị trường tiền mã hóa cách đây 4 tháng. Với khoản vốn nhỏ, mong muốn thu về mức tăng trưởng 2 con số, Trung tự tìm hiểu, mày mò kinh nghiệm trên Internet. Trước đó, anh chưa từng có bất cứ kỹ năng nào trong lĩnh vực đầu tư tài chính.
“Tôi mất 2/3 vốn đầu tư ban đầu, nay chỉ còn 260 USD. Tổng cộng, tôi đã lỗ hơn 500 USD vì một câu tweet của Elon Musk. Không phải nhà đầu tư nào tham gia thị trường cũng được trang bị đầy đủ kiến thức và vững tâm lý, Musk khiến tôi lỗ một khoản nhưng bù vào đó là cả bài học”, Trung nhấn mạnh.
Tìm kiếm cơ hội trong rủi ro
Giữa lúc thị trường ngập trong sắc đỏ, Trung Hiếu - một nhà đầu tư mới tham gia thị trường 2 tháng - cho biết anh may mắn khi thu về khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc đu đỉnh bắt đáy.
"Nhân lúc thị trường biến động, tôi đặt lệnh giao dịch liên tục. Từ số vốn vỏn vẹn 100 USD, khoản đầu tư của tôi nhân lên thành 13.000 USD. Đến lúc này tôi vẫn thấy run. Rất nhiều người tìm đến tôi để xin kinh nghiệm. Nhưng tôi vốn chẳng có phương pháp giao dịch nào, cách đặt lệnh đơn giản là 'mua khi đỏ và bán khi xanh'", anh Hiếu chia sẻ.
Tuy nhiên, trước khối lượng giao dịch lớn, một số sàn giao dịch tiền mã hóa bị quá tải và phải thông báo bảo trì. Anh Hiếu cho biết sẽ thức canh thời điểm sàn hoạt động trở lại để rút tiền về.
Bên cạnh đó, vài tháng trở lại đây, coin động vật đang trở thành xu hướng mới tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh Dogecoin, Aquagoat, Shiba Inu coin, Dogelon Mars cũng là danh mục đầu tư yêu thích của nhiều người dùng. Cơn sốt coin động vật vốn nhen nhóm từ sự phát triển bất ngờ của Dogecoin, đồng tiền mã hóa tăng trưởng ở mức 7.800% từ đầu năm.
Tương tự Elon Musk, động thái của các tỷ phú như Mark Zuckerberg cũng khiến giá coin động vật biến động mạnh. Sau khi ông chủ Facebook đăng tải bức ảnh 2 chú dê nuôi trong trang trại riêng, giá Aquagoat - đồng tiền mã hóa có biểu tượng loài dê - đã tăng hơn 500%.
Nhưng, trước những biến động gần đây và ảnh hưởng của Elon Musk tới thị trường tiền mã hóa, giới đầu tư Việt đang cảnh giác nhiều hơn tới danh mục này.
“Hiện thị trường đang chìm trong FOMO (tâm lý sợ bị bỏ lỡ) và FUD (tâm lý bối rối khi thị trường biến động xấu), coin rác liên tục được đẻ ra để bẫy nhà đầu tư. Bạn nên hạn chế tìm hiểu tìm hiểu thông tin về nó. Tôi nghĩ việc những tin tức tích cực liên tục hướng đến loại coin này không đáng tin”, Thành Long nói.
Bài viết của Mark Zuckerberg khiến nhiều người liên tưởng đến đồng tiền mã hóa Aquagoat. Ảnh: Facebook. |
Theo anh Long, mua đáy bán đỉnh là châm ngôn chung của giới đầu tư. Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và ngược lại. Tuy nhiên, bạn phải biết dừng đúng lúc, việc quá tham lam khi đã thấy có lợi nhuận đủ sẽ khiến số tiền bỏ ra mất lúc nào không hay.
Kể từ thời điểm Dogecoin tăng trưởng mạnh, anh Long đã chọn lệnh bán toàn bộ đồng tiền này trước khi chúng sụt giá. Qua đó, tổng lợi nhuận thu về của anh ước tính xấp xỉ 50 triệu đồng. Hiện tại, anh Long tập trung đầu tư vào Ethereum do đây là loại coin ổn định trước tin tức thị trường nhất.
Trái ngược với tâm lý dè chừng, một số nhà đầu tư tin rằng đây là cơ hội tốt để đầu cơ tích trữ tiền mã hóa. “Tôi sẽ tiếp tục đầu tư ngay cả khi từng thấy nhiều người trắng tay vì loại coin này", anh Trung khẳng định.
Biến động càng lớn, càng dễ kiếm lời
“Coin động vật có ưu điểm vốn thấp, mức độ rủi ro và cơ hội tương đương nhau. Nhiều người đã có cơ hội đổi đời nhờ những loại coin này. Dù có thua lỗ cũng không đáng kể vì số vốn bỏ ra ít”, anh Hùng chia sẻ.
Đối với cộng đồng chơi tiền mã hóa lâu năm, cách chọn danh mục đầu tư phụ thuộc vào việc người tham gia là trader (nhà đầu tư lướt sóng) hay holder (nhà đầu tư dài hạn).
Theo Phan Thanh Tùng, người làm lâu năm trong lĩnh vực MMO (kiếm tiền trên mạng), đồng tiền mã hóa có biến động càng lớn càng giúp nhà đầu tư kiếm lời. Khối lượng thị trường là một trong những tiêu chí được các nhà đầu tư quan tâm.
"Nhà đầu tư lướt sóng thường dựa trên tin tức, tín hiệu thị trường để đặt lệnh hay chọn coin đầu tư. Ngược lại, nhà đầu tư dài hạn quan tâm chủ yếu đến đặc tính của tiền mã hóa như sở hữu nền tảng blockchain riêng, thường là những đồng xếp trong top 50 trên thị trường", anh Tùng cho biết.
"Mỗi người sẽ có 1 cách phân bổ vốn và hướng đầu tư khác nhau. Đối với những holder thì việc đánh giá một đồng coin tiềm năng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nền tảng công nghệ, đội ngũ phát triển làm việc có đang đi đúng lộ trình không, đồng coin có được các quỹ đầu tư lớn quan tâm không", Ninh Đỗ, nhà sáng lập cộng đồng tiền điện tử Trade Up, giải thích.
"Còn đối với những trader thì họ tập trung nhiều hơn vào phân tích kỹ thuật để đặt lệnh", Ninh Đỗ chia sẻ.
Không nên đầu tư quá 5% tài sản ròng
Lê Anh, nhà sáng lập cộng đồng kiến thức tiền điện tử IVN Crypto, cho biết anh phải dành phần lớn thời gian tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm sau mỗi lần giao dịch. Do đó, người chơi mới nên suy nghĩ kỹ về mô hình mình định đầu tư, đồng thời trả lời câu hỏi liệu họ có phù hợp hay sẵn sàng chấp nhận rủi ro thua lỗ hay không.
"Sai lầm thường thấy ở một người chơi mới chính là tin rằng thị trường quá đơn giản để kiếm tiền", Lê Anh giải thích. Anh cho rằng người chơi không nên đầu tư quá 5% tài sản ròng vào mô hình này, đồng thời cần cân nhắc phân bổ thành các danh mục đầu tư khác nhau.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần khẳng định Bitcoin và các loại tiền mã hóa tương tự không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp. Theo đó, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền mã hóa làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Không chỉ thế, việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền mã hóa như một loại tài sản tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật thừa nhận hay bảo vệ.