DOANH NGHIỆP Đầu tư

Niềm tin của nhà đầu tư

Admin

Không chỉ khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm kể từ đầu năm 2022, gần đây, nhiều doanh nghiệp còn mua lại trước hạn trái phiếu đã phát hành. Con số thống kê trái phiếu mua lại trước hạn khoảng 152.000 tỷ đồng. Sau các vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh..., việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã gặp khó khăn, niềm tin củ...

Rõ ràng, đã có một số doanh nghiệp, doanh nhân vi phạm pháp luật phải xử lý; có những nhà đầu tư “tay ngang” tham gia vào thị trường trái phiếu theo đám đông mà thiếu sự tìm hiểu, thậm chí không đúng quy định. Thị trường trái phiếu cũng có những vấn đề cần giải quyết về hành lang pháp lý… Tuy nhiên, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là một kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp, bên cạnh thị trường chứng khoán, tín dụng ngân hàng.

Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đang sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn vốn này để phục vụ sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho nền kinh tế. Song, cũng có không ít doanh nghiệp chịu tổn thất vì tin đồn vô căn cứ, gây hoang mang xã hội, bất an cho nhà đầu tư. Không ít lần, cơ quan quản lý đã phải lên tiếng giải thích về những tin đồn thất thiệt và xử lý nghiêm khắc những người tung tin, lan truyền tin thất thiệt.

Hậu quả của việc dòng vốn rút ra khỏi thị trường trái phiếu là doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đang cần vốn để phát triển có thể đột ngột bị cạn kiệt nguồn vốn; nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng khi rút vốn sớm trước hạn... khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực. Do đó, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu là vấn đề quan trọng. Để làm được điều đó, trước hết việc xử lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật, lập lại trật tự, kiểm soát rủi ro cho thị trường trái phiếu, nhà đầu tư và doanh nghiệp là cần thiết. Cùng với đó, cơ quan quản lý nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp vận hành, phát triển. Việc này vừa giúp các chủ thể hoạt động, vừa bao quát và giải quyết những vấn đề phát sinh, bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư, doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, nhanh chóng có phản ứng phù hợp nhằm giữ ổn định thị trường, trấn an nhà đầu tư. Một thị trường minh bạch giúp cho các chủ thể tuân thủ đúng quy định pháp luật, mang lại niềm tin cho nhà đầu tư; doanh nghiệp có kênh huy động vốn dài hạn, ổn định... Hơn thế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, ổn định còn giúp nền kinh tế phát triển lành mạnh và ổn định.

Đối với nhà đầu tư, bình tĩnh đánh giá thị trường một cách khách quan là việc cần làm. Ngoài ra, cần tỉnh táo phân biệt và cảnh giác trước tin đồn thất thiệt; phân tích thông tin hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để quyết định đầu tư. Một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, không có lý do gì để nhà đầu tư rút vốn trước hạn, vừa gây khó cho doanh nghiệp, vừa gây thiệt hại cho bản thân.

Trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp phát hành trên nguyên tắc tự vay, tự trả. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu, tự cân đối dòng tiền để thực hiện các cam kết, từ đó tạo niềm tin với nhà đầu tư. Vì thế, nhà đầu tư phải đánh giá mức độ rủi ro trước khi giao dịch, không cào bằng trái phiếu tốt, xấu với nhau dẫn đến những quyết định sai lầm.