DOANH NGHIỆP Đầu tư

Nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh, LienVietPostBank lên kế hoạch phát hành thêm 4.000 tỷ trái phiếu

Admin

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, HOSE: LBP) vừa thông qua phương án triển khai chào bán thêm 4.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng năm 2022.

Ngân hàng Lienvietpostbank (Ảnh minh họa)

Theo kế hoạch, đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm, không kèm theo chứng quyền, là nợ thứ cấp và thoả mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 của tổ chức phát hành. Kỳ hạn của 4.000 tỷ đồng trái phiếu này là 7 năm và 10 năm.

Dự kiến LienVietPostBank phát hành trái phiếu thành ba đợt. Cụ thể, đợt 1, ngân hàng phát hành 1.700 tỷ đồng trái phiếu 7 năm và 250 tỷ đồng trái phiếu 10 năm; Đợt 2, ngân hàng phát hành 1.300 tỷ đồng trái phiếu 7 năm và 200 tỷ đồng trái phiếu 10 năm; Và đợt 3, ngân hàng phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu 7 năm và 50 tỷ đồng trái phiếu 10 năm.

Số trái phiếu này được bán trực tiếp cho nhà đầu tư tại các chi nhánh/phòng giao dịch của LienVietPostBank và thông qua đại lý phát hành là Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS).

Mục đích phát hành đợt trái phiếu này nhằm bổ sung nguồn vốn huy động trung dài hạn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng đối với các dự án trung dài hạn trong năm 2022 đến quý 1/2023.

Theo đó, ngân hàng này sẽ phân bổ lĩnh vực sử dụng vốn từ thương mại; Xăng dầu; Hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ cũng như cho vay Nông nghiệp Nông thôn và tiêu dùng. Cụ thể, đợt 1 sẽ sử dụng 1.950 tỷ đồng; Đợt 2 là 1.115 tỷ đồng và dùng 550 tỷ đồng cho đợt 3.

Kế hoạch phát hành mới 4.000 tỷ trái phiếu của Lienvietpostbank

Trước đó, trong các tháng 5, 6, 7/2022, theo thống kê dữ liệu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), LienVietPostBank đã phát hành tới 7 lô trái phiếu với tổng giá trị 6.000 tỷ đồng.

Cụ thể, tháng 05/2022, LienVietPostBank phát hành lô trái phiếu LPBH2225001 có giá trị 500 tỷ đồng, đáo hạn vào ngày 25/5/2025.

Tháng 06/2022, LienVietPostBank tiếp tục phát hành lần lượt 3 lô trái phiếu LPBH2224002, LPBH2225003, LPBH2225004 với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng.

Đến tháng 07/2022, LienVietPostBank lại phát hành 3 lô trái phiếu LPBH2225005, LPBH2225006, LPBH2225007 có tổng giá trị 2.500 tỷ đồng.

Như vậy, tổng cộng hiện LienVietPostBank đang có lưu hành tới gần 30 lô trái phiếu khác nhau (liên tục mua lại trước hạn và phát hành mới) với tổng giá trị khoảng 25.490 tỷ đồng.

Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh 35,6%, lên 1.808 tỷ đồng và chiếm gần 56,7% tổng nợ xấu của ngân hàng này.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất Quý III/2022 của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank; HoSE: LPB), luỹ kế 9 tháng năm 2022, thu nhập lãi thuần tăng 44,6%, đem về cho LienVietPostBank 9.128 tỷ đồng.

Các hoạt động ngoài lãi khác cũng tăng mạnh, trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 42,7%, đạt 779,4 tỷ đồng. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư thu về 342,7 tỷ đồng, tăng gấp 48 lần cùng kỳ năm trước. Kết quả, LienVietPostBank thu về khoản lãi trước thuế hơn 4.822 tỷ đồng, tăng mạnh 72% so với cùng kỳ năm trước.

Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 313.480 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm. Trong đó, mảng chứng khoán đầu tư tăng 13%, ghi nhận hơn 43.896 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng tăng 9%, đạt gần 227.944 tỷ đồng.

​​​Về chất lượng tín dụng, tính đến cuối Quý III/2022, tổng nợ xấu cho vay khách hàng của LienVietPostBank tăng 11,4% so với đầu năm, lên mức 3.190 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh 35,6%, lên 1.808 tỷ đồng và chiếm gần 56,7% tổng nợ xấu của ngân hàng này.

LienVietPostBank công bố mua lại hơn 1.800 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

Trong một diễn biến liên quan, LienVietPostBank cũng vừa thông báo Nghị quyết HĐQT về việc mua lại trước hạn trái phiếu đã phát hành trong năm 2020. Tổng giá trị trái phiếu mua lại theo mệnh giá là 1.814 tỷ đồng. Trái phiếu được phát hành ngày 24/11/2020 và có kỳ hạn 7 năm.

LienVietPostBank cho biết sẽ dùng nguồn tiền từ thu nợ gốc/lãi của các khoản vay được tài trợ vốn từ nguồn vốn phát hành trái phiếu, và nguồn vốn huy động khác, vốn tự có tích lũy, lợi nhuận hoạt động kinh doanh và tiềm lực tài chính của mình để mua lại.