|
Duyên (21 tuổi, quê Đông Triều, Quảng Ninh) nằm trong số hơn 2.000 công nhân phải cách ly tập trung tại Chí Linh, Hải Dương. Cô làm việc tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH điện tử POYUN Việt Nam, địa chỉ tại khu công nghiệp Cộng Hòa, TP Chí Linh.
Đây là ổ dịch Covid-19 lây lan phức tạp nhất từ trước đến nay. Riêng TP Chí Linh đã ghi nhận 166 người dương tính với SARS-CoV-2.
Phút hoang mang khi công ty thành tâm dịch
Sáng 27/1, Duyên và đồng nghiệp đến công ty làm việc bình thường. Khi bắt đầu thực hiện các thao đầu tiên, họ được phía công ty đề nghị đeo khẩu trang vì thời tiết đang giao mùa, dễ bị cảm cúm. Ai bị sốt phải báo ngay cho tổ trưởng để cho nghỉ.
Thông báo bất ngờ khiến Duyên dự cảm về một điều gì đó không hay sắp xảy ra. Nhiều người thấy lo lắng trong ca làm việc hôm đó. Không lâu sau, thông tin có người mắc Covid-19 xôn xao khắp phân xưởng.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân Công ty TNHH điện tử POYUN. Ảnh: Thạch Thảo. |
14h, thông tin chính thức về nữ công nhân ở xưởng cắt dương tính với SARS-CoV-2 được phát đi. Công ty thành điểm phong tỏa, lực lượng y tế sẽ đến lấy mẫu xét nghiệm cho từng người.
“Xưởng cắt ở ngay bên trên, tâm lý mọi người bắt đầu lo sợ, hoang mang. Em không biết chị này là ai. Xưởng cắt có cả trăm người”, Duyên nhớ lại.
Công việc của họ gián đoạn. Phía ngoài, công an đến dựng barie phong tỏa. Ít phút sau, đoàn xe cứu thương chở các bác sĩ mặc đồ bảo hộ kín mít tiến vào phía trong.
Cuộc xét nghiệm thần tốc diễn ra để phân loại. Duyên hồi hộp xếp hàng chờ đến lượt. Cô nghĩ nếu mình bị nhiễm dịch thì gia đình rồi số người tiếp xúc với cô cũng có thể bị lây. Cuộc sống của họ sẽ xáo trộn, phải cách ly, điều trị trong khi Tết đã cận kề.
Công nhân Công ty TNHH điện tử POYUN xếp hàng làm xét nghiệm. Ảnh: Thạch Thảo. |
Tối hôm đó, bố của Duyên vượt quãng đường hơn 10 km đến mang cho con gái mấy bộ quần áo và một số đồ dùng thiết yếu. Họ không được tiếp xúc với nhau.
Ông để đồ ở cổng rồi nhờ bảo vệ chuyển vào trong. Duyên đứng từ xa nhìn bố. "Tết này con không được ở bên bố, mẹ và anh trai rồi", cô thầm nghĩ. Nữ công nhân chỉ biết dùng tay ra ký hiệu rằng “bố cứ yên tâm”.
"Năm nay, chúng ta ăn Tết với nhau"
Sau một đêm, cuộc xét nghiệm, phân loại hoàn tất. Khi đó, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bước sang ngày làm việc thứ ba. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tổ chức cuộc họp khẩn ngay tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia để chỉ đạo các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thông tin được cập nhật lúc đó là Hải Dương và Quảng Ninh có thêm 82 ca nhiễm.
Duyên thở phào khi mình không nằm trong số đó. Các ca bệnh được đưa lên xe cứu thương. Tuy nhiên, cô là F1 nên phải cách ly ở công ty.
Công nhân Công ty TNHH điện tử POYUN tại nơi cách ly tập trung. Ảnh: Thạch Thảo. |
Hơn nửa ngày, mọi người bắt đầu cảm thấy không thoải mái khi điều kiện nghỉ ngơi, ăn uống, sinh hoạt tại chỗ của công ty không đảm bảo bởi số lượng người ở quá lớn.
Cô thấy yên tâm hơn khi ngành chức năng chuẩn bị xong 7 điểm cách ly tập trung. Theo danh sách, Duyên được đưa về điểm cách ly ở Trung tâm Giáo dục dạy nghề - Giáo dục thường xuyên TP Chí Linh. Nữ công nhân chỉ mong dịch sớm kết thúc để những công nhân được về ăn Tết với gia đình.
Ở chung phòng cách ly với Duyên, Minh (quê Hải Dương) kể rằng cô đã đi lao động nước ngoài nhiều năm. Quen với ăn Tết xa nhà nhưng nữ công nhân này chưa từng đón giao thừa trong điều kiện cách ly như thế này. “Dịch khó lường quá, quan trọng là phải khống chế được sớm. Thôi năm nay, chúng ta ăn Tết với nhau”, cô gái 22 tuổi động viên mọi người.
Ngày thứ năm ở khu cách ly, Duyên và nhóm nữ công nhân đã dần quen với nếp sống mới ở đây. Cô được các lực lượng tại đây phục vụ ăn uống đúng giờ và theo dõi sức khỏe hàng ngày.
Hôm nào, cô gái cũng điện thoại về cho mẹ. Cô luôn nhắc bố mẹ và anh trai giữ gìn sức khỏe, hạn chế tiếp xúc với mọi người.
"Con ở trong này mọi thứ đều ổn, cả nhà đừng lo. Tết mọi năm con luôn đi mua sắm đồ, lau dọn nhà cửa với mẹ. Năm nay, mẹ nhờ họ hàng ra chợ mua đồ nhé", cô gái nói với mẹ qua điện thoại.