DOANH NGHIỆP Đầu tư

Ông lớn ngành sữa Vinamilk chạm đáy lợi nhuận sau 7 năm

Admin

Năm 2022, Vinamilk thu về 59.956 tỷ đồng, lãi sau thuế 8.578 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả trên vẫn không giúp ông lớn ngành sữa hoàn thành kế hoạch đề ra cả năm.

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk; HoSE: VNM) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với sự sụt giảm ở cả doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, doanh thu thuần trong quý IV ghi nhận 15.068 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ.

Xét về cơ cấu doanh thu, khối nội địa đem về doanh thu đạt 12.800 tỷ đồng với công ty mẹ đạt 11.381 tỷ đồng và Sữa Mộc Châu đạt 787 tỷ đồng. Đồng thời, thị trường nước ngoài đem về 2.269 tỷ đồng bao gồm xuất khẩu đạt 1.088 tỷ đồng và các chi nhánh nước ngoài đạt 1.181 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, do mức tăng đến từ giá vốn hàng bán dẫn đến lợi nhuận gộp trong kỳ giảm 15% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, chi phí tài chính của doanh Vinamilk tăng mạnh 130% lên 207 tỷ đồng trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận sự tiết giảm nhẹ.

Sau khi trừ các chi phí, Vinamilk báo lãi 1.869 tỷ đồng, giảm 15% so với quý IV/2021.

Luỹ kế năm 2022, Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần đạt 59.956 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Sau thuế, Vinamilk thu về khoản lãi 8.578 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2021. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2015 của Vinamilk.

Năm 2022, Vinamilk đặt ra mục tiêu doanh thu đạt 64.070 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 12.000 tỷ đồng, tương ứng đạt 105% và 93% so với năm 2021. Với kết quả trên, công ty đã không thể hoàn thành kế hoạch đã đề ra năm 2022.

Về tình hình tài chính, tại ngày 31/12/2022 tổng tài sản của Vinamilk đạt 48.483 tỷ đồng, trong đó chiếm tỉ trọng lớn nhất là tiền, tiền gửi ngân hàng với giá trị 19.714 tỷ đồng, giảm 15,6 so với đầu năm.

Ngoài ra, các khoản xây dựng cơ bản dở dang tính đến cuối năm ghi nhận tăng từ 834 tỷ đồng từ đầu kỳ lên 1.470 tại cuối kỳ, tương ứng tăng 76%.

Xét về cơ cấu nợ, Vinamilk đang sở hữu khối nợ phải trả trị giá 15.666 tỷ đồng, giảm 10% so với số đầu kỳ. Trong đó, nợ vay đến cuối kỳ của công ty là 4.933 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn với chi phí lãi vay cả năm khoảng 166 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2022 của ông lớn ngành sữa đạt 32.816 tỷ đồng bao gồm 5.267 tỷ quỹ đầu tư phát triển, 3.353 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Diễn biến thị giá cổ phiếu VNM (Nguồn: Trading View)

Cuối năm 2022, Vinamilk đã tiến hành trả cổ tức với tỉ lệ thực hiện tạm ứng là 14%/cổ phiếu, dự chi khoảng 2.926 tỷ đồng cho các cổ đông công ty. Như vậy, riêng trong năm 2022, Vinamilk đã tiến hành trả cổ tức 4 lần cho các cổ đông đều bằng hình thức tiền mặt.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNM của ông lớn ngành sữa vẫn luôn nhận được sự quan tâm, một phần cũng vì các khoản “thưởng" đều đặn hàng năm của công ty này. Cụ thể, 2 cổ đông ngoại lớn là F&N Dairy Investments pte. Ltd. (F&N) và Platinum Victory Pte. Ltd. (Platinum Victory) đã liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu VNM trong năm 2022.

Trái lại với thái độ tích cực đăng ký mua cổ phiếu, tính đến thời điểm hiện tại, 2 cổ đông ngoại trên vẫn giữ nguyên tỉ lệ sở hữu tại Vinamilk.

Tại phiên giao dịch ngày 31/1/2023, cổ phiếu VNM đang giao dịch quanh vùng giá 77.200 đồng/cổ phiếu.