Ngày 28/9, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk, Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt đã tổ chức hội nghị đối thoại với nông dân miền Trung - Tây Nguyên.
Tại hội nghị, trước đề nghị ngân hàng hỗ trợ nông dân giảm lãi suất, coi hợp đồng bảo hiểm là điều kiện vay vốn và cho vay toàn bộ phí mua bảo hiểm để nông dân an tâm vay ngân hàng đầu tư sản xuất, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Đây không phải vấn đề riêng mà chung của cả nông dân Tây Nguyên và nông dân cả nước.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cùng Bộ NNPTNT triển khai chương trình tái canh cà phê, quy mô dự án dành nguồn vốn lên tới 12.000 tỷ đồng, dành riêng tái canh cà phê cho 5 tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn, mất tới 5-7 năm do những vướng mắc cả về chính sách, tâm lý ngại thay đổi của nông dân.
Chính sách hỗ trợ sản xuất cây công nghiệp chủ lực và các cây trồng có tiềm năng ở Tây Nguyên như cà phê, tiêu, điều, bơ, cây ăn quả khác hiện vẫn đang được thực hiện theo Nghị định 55, có sửa lại năm 2018, đã mở ra rất nhiều điều kiện thuận lợi về vay vốn, theo đó bà con không cần tài sản thế chấp vẫn có thể được vay lên đến 3 tỷ đồng. Đi kèm với đó là các chính sách bảo hộ, hỗ trợ rủi ro thiên tai khách quan.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cho biết, chuyện cây tiêu chết hàng loạt năm 2018 vừa qua, đặc biệt là ở địa bàn Gia Lai, Đắk Lắk khiến ngân hàng đang có tới 2.400 tỷ đồng dư nợ thuộc diện khó đòi. "Chúng tôi biết rằng khó khăn này của bà con là do mưa dài ngày làm tiêu chết, không tiêu thụ được. NHNN cũng đã ngay lập tức có văn bản chỉ đạo giãn nợ, cho vay mới để bà con tiếp tục có vốn đầu tư sản xuất, chuyển đổi cây khác".
"Chúng tôi cũng xuống tận địa phương để khảo sát, xem xét nếu cần thiết thì trình Chính phủ có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ. Tuy nhiên qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy tiêu chết không phải là dạng thiệt hại do thiên tai để thực hiện chính sách hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục tìm cách giúp bà con có giải pháp tháo gỡ, có thu nhập để giải quyết khoản nợ này", ông Tú nói.
Về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại nông thôn, ông Đào Minh Tú chia sẻ, đầu năm 2014 đã có Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt và được Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt hướng về vùng nông thôn.
Đầu năm 2020, cũng đã ban hành chính sách phát triển tài chính toàn diện, trong đó có thanh toán không dùng tiền mặt. Cách đây 1 tháng, đã triển khai Mobile Banking.
"Đây là những phương thức rất thuận lợi cho người dân. Bởi không cần ATM hay phòng giao dịch ngân hàng… người dân vẫn có thể thanh toán nếu có sử dụng điện thoại thông minh", Phó Thống đốc chia sẻ.
Về bảo hiểm nông nghiệp, NHNN khuyến khích người dân mua bảo hiểm theo Nghị định 55 vì nông nghiệp rất lĩnh vực rất nhiều rủi ro. "Trong đó quy định rõ, tiền mua bảo hiểm cũng được cho vay. Còn nếu lấy đó làm đảm bảo tiền vay thì không được. Tham gia bảo hiểm nông nghiệp là điều kiện khuyến khích các ngân hàng quan tâm tạo điều kiện thuận lợi hơn khi cho vay", ông Tú nhấn mạnh.
Đối với cho vay không cần thế chấp, Nghị định 55/2015 và Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55/2015 có quy định cho vay không thế chấp lên tới 3 tỷ đồng tùy từng đối tượng. Tuy nhiên, theo cơ chế hiện nay thì thẩm quyền cho vay tín chấp hay không thì lại hoàn toàn giao cho giám đốc ngân hàng chịu trách nhiệm. Vì vậy, có những doanh nghiệp vay hàng chục, trăm tỷ đồng mà quản lý được dòng tiền, phương án kinh doanh hiệu quả thì vẫn có thể vay mà không cần thế chấp. Ngược lại, với doanh nghiệp không rõ mục đích sử dụng vốn, dòng tiền không quản lý được thì sẽ khó được cho vay tín chấp.