ĐỜI SỐNG CÔNG NGHỆ

Pin điện thoại phồng to có đáng lo?

Kỳ Văn

Dù không gây nguy hiểm ngay lập tức, phồng pin có thể ảnh hưởng đến các linh kiện bên trong thiết bị công nghệ.

Sau nhiều năm hoạt động, pin trong thiết bị điện tử như điện thoại, laptop, máy nghe nhạc hoặc máy chơi game có nguy cơ bị phồng. Đó là dấu hiệu cho thấy tuổi thọ pin đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, người dùng chưa cần lo lắng khi thấy pin điện thoại hoặc laptop bị phồng nếu biết cách xử lý.

Dưới đây là nguyên nhân gây phồng pin, mức độ nguy hiểm và một số giải pháp phòng tránh hiện tượng này.

Nhiều mẫu điện thoại, laptop bị phồng pin sau thời gian dài hoạt động. Ảnh: iStock.

Pin phồng có nguy hiểm không?

Theo Washington Post, các loại khí từ chất hóa học là nguyên nhân gây phồng pin. Ví dụ với pin lithium-ion, các ion Lithium chuyển từ cực dương sang cực âm trong lúc sạc và ngược lại khi xả năng lượng.

Ion di chuyển trong chất điện phân nên khi sạc và xả theo thời gian, chất điện phân sẽ phân hủy, tạo ra sản phẩm phụ là hỗn hợp khí. Sau khi tích tụ lượng khí nhất định, pin sẽ phồng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, không phải pin trên thiết bị nào cũng phồng sau khoảng thời gian hoặc chu kỳ sạc xả như nhau. Một số nhà sản xuất có tinh chỉnh để giảm tình trạng phồng pin.

"Tất cả pin lithium-ion sẽ thay đổi hình dạng. Đó là quy luật tự nhiên", Venkat Viswanathan, Giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Đại học Carnegie Mellon cho biết. Theo ông Viswanathan, một số pin sạc sử dụng vỏ kim loại cứng để ngăn chặn hỗn hợp khí tích tụ nên không phồng quá nhiều.

David Mitlin, Giáo sư Đại học Texas cho rằng pin phồng có thể gây nguy hiểm, nhưng không quá lo ngại nếu người dùng xử lý đúng cách.

Phồng pin không gây cháy nổ ngay lập tức, nhưng có thể làm hỏng nhiều linh kiện trong điện thoại. Ảnh: Washington Post.

"Phồng pin đương nhiên không tốt, đó là dấu hiệu cho thấy hiệu suất pin đã suy giảm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa pin sẽ bốc cháy ngay lập tức", Mitlin cho biết.

Pin phồng có thể làm hỏng các linh kiện trong máy. Màn hình điện thoại sẽ bị nứt nếu pin phồng quá to. Với laptop, pin phồng có thể làm bung hoặc vỡ touchpad. Trong một số trường hợp, hiện tượng này khiến lớp keo, khớp nối giữa màn hình và thân máy bị tách rời khiến người dùng không thể sử dụng thiết bị như bình thường.

Nếu nhận thấy điện thoại hay laptop bị phồng pin, hãy ngừng sử dụng và không sạc pin. Tiếp theo, tháo pin khỏi máy (nếu có thể), cất vào hộp an toàn hoặc xô cát rồi liên hệ với nhà sản xuất, cơ sở tái chế để xử lý đúng cách.

Cách giảm nguy cơ phồng pin

Có nhiều giải pháp giúp giảm nguy cơ phồng pin. Thứ nhất, không nên để thiết bị quá nóng bởi nhiệt độ cao có thể tăng tốc độ phân hủy chất điện phân. Hiện nay, các dòng điện thoại đều trang bị tính năng cảnh báo khi quá nhiệt, tự động giảm độ sáng hoặc tắt nguồn để làm mát thiết bị.

Các dòng laptop thường trang bị hệ thống tản nhiệt nên làm mát tốt hơn. Tuy nhiên, người dùng cần tránh sử dụng máy trong xe hơi, hoặc để dưới ánh nắng Mặt Trời quá lâu.

Laptop bị bung touchpad do phồng pin. Ảnh: Mission Repair.

Theo Viswanathan, những lý do hóa học khác nhau khiến chất điện phân cũng phân hủy khi cạn pin hoặc cắm sạc liên tục. Nói cách khác, luôn cắm sạc khi đầy pin hoặc dùng cạn rồi sạc có thể góp phần khiến pin phồng nhanh hơn. Theo Viswanathan, người dùng có thể sạc thiết bị đến 100% rồi rút ra và dùng như bình thường, sau đó cắm sạc khi pin xuống 10-20%.

Làm rơi thiết bị cũng có thể khiến pin phồng nhanh hơn. Theo Viswanathan, người dùng có thể tháo pin của laptop khi di chuyển (nếu thiết bị hỗ trợ tháo pin), sử dụng ốp lưng cho điện thoại hoặc tablet để pin không bị va chạm mạnh nếu làm rơi máy.