KINH TẾ Tài chính

Rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu - sức chống chịu của Việt Nam và kiến nghị

Admin

Sự mâu thuẫn giữa các mục tiêu, ưu tiên chính sách và phối hợp kém hiệu quả có thể khiến nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu rơi vào vòng xoáy rủi ro mới trong thời gian tới...

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo "Rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu - sức chống chịu của Việt Nam và kiến nghị".

Báo cáo này tập trung vào 3 nội dung chính: (i) một số dấu hiệu rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu, (ii) đánh giá khả năng chống chịu, ứng phó của Việt Nam, và (iii) một số kiến nghị đối với Việt Nam.

Chúng tôi xin đăng tải báo cáo thành 2 kỳ để quý độc giả cùng theo dõi.

Kỳ 1: RỦI RO BẤT ỔN TÀI CHÍNH TOÀN CẦU

Sáu dấu hiệu rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu

Khủng hoảng tài chính theo nghĩa tổng quát nhất là "trạng thái sụt giảm mạnh trong ngắn hạn về giá trị các tài sản tài chính, sự mất khả năng thanh toán, luân chuyển vốn của các tổ chức tài chính và sự đổ vỡ dây chuyền trong hệ thống tài chính". Nghiên cứu 395 cuộc khủng hoảng tài chính trong giai đoạn 1970-2007 của hai tác giả Laeven và Valencia (2008) đã chỉ ra 6 dấu hiệu rủi ro bất ổn tài chính đặc trưng. Đó là: (i) Nợ quốc gia (gồm cả nợ công và nợ tư) và thâm hụt ngân sách tăng nhanh; (ii) Nguy cơ đảo chiều hoặc giảm sút của dòng vốn bên ngoài (đặc biệt dòng vốn đầu cơ tài chính ngắn hạn); (iii) Thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường bất động sản (BĐS) giảm mạnh; (iv) Sức ép mất giá mạnh và đột ngột của đồng nội tệ so với USD buộc một quốc gia phải phá giá đồng nội tệ (trường hợp tỷ giá cố định); (v) Nợ xấu tăng nhanh, vốn của ngân hàng thương mại (NHTM) bị xói mòn, hệ thống ngân hàng yếu kém/khả năng chống đỡ yếu; và (vi) Thể chế, chính sách không theo kịp sự phát triển của thị trường tài chính (TTTC).

Nếu như khủng hoảng y tế và kinh tế năm 2020 được đánh giá "cú sốc bất lợi nhất trong hơn 1 thế kỷ" (dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu ở mức âm 4-5% theo WB, IMF 10/2020) thì nguy cơ bất ổn tài chính toàn cầu cũng được đánh giá là "khác biệt nhất so với các cuộc khủng hoảng tài chính lịch sử, mức độ không chắc chắn cao nhất, phạm vi rộng và khả năng kéo dài". So với thời điểm tháng 3/2020 (làn sóng đầu tiên của dịch Covid-19), mặc dù chỉ số bất ổn toàn cầu (WUI) và chỉ số rủi ro (VIX), có giảm hơn song vẫn còn ở mức cao, khiến mối quan ngại về rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu hầu chưa có dấu hiệu giảm mà thậm chí còn được các tổ chức quốc tế như WB, IMF khuyến cáo gia tăng gần đây.

Vì vậy, với các thông tin, dữ liệu được cập nhật đến hết ngày 15/10/2020, Nhóm chuyên gia đánh giá các dấu hiệu rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu theo 6 tiêu chí nêu trên.

Thứ nhất, nguy cơ cao của "bom nợ", đặc biệt là nợ của khu vực doanh nghiệp

Theo WB (2020), thế giới đang trong "làn sóng nợ thứ 4" bắt đầu từ năm 2010 với "mức tăng nhiều nhất và nhanh nhất" trong vòng 50 năm. Làn sóng nợ toàn cầu lại được kích hoạt bởi các gói hỗ trợ khổng lồ để khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ước tính lên tới 5-20% GDP toàn cầu (bình quân khoảng 12%GDP), cao hơn 2-5 lần các gói kích thích giai đoạn 2008-2009, theo đó, tổng nợ toàn cầu có thể xác lập kỷ lục mới tương đương 350% GDP năm 2020, cao hơn 150 điểm % so với năm 2009 (Hình 2).

Trong bối cảnh thu ngân sách sụt giảm do khó khăn của nền kinh tế, nhu cầu trang trải các khoản vay cũ, gia tăng hỗ trợ hồi phục kinh tế vẫn tiếp tục gia tăng, nợ công và thâm hụt ngân sách dự báo sẽ còn ở mức cao ít nhất đến năm 2025 (dự kiến thâm hụt ngân sách và nợ công toàn cầu ở mức 12,7% GDP và gần 100% GDP, theo IMF tháng 10/2020). So với thời điểm bùng phát làn sóng dịch thứ nhất, mức thâm hụt ngân sách/GDP và nợ công/GDP tăng 3 điểm %, trong đó các nước phát triển có mức nợ công và thâm hụt ngân sách tăng cao hơn, song rủi ro của các nước mới nổi và thu nhập thấp lại ở mức cao hơn vì những nước này có tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào vay nợ và tài trợ trong khi khả năng tiếp cận tài chính ngày càng hạn chế và nguồn tài chính quốc tế không quá dồi dào.

Song đáng lo ngại hơn là sự "phình to" của bong bóng nợ doanh nghiệp (DN) và hộ gia đình toàn cầu (năm 2019 đã gấp 2,5 lần nợ công và ước tăng 12% năm 2020 – mức tăng cao nhất trong 5 năm). Đáng chú ý nhất là nợ DN của Mỹ và Trung Quốc; trong đó, nợ DN của Mỹ cao nhất thế giới, khoảng 10.500 tỷ USD – tăng gấp 30 lần so với năm 1970 và chiếm tới 50% nợ DN toàn cầu (theo BofA Global Research, tháng 9/2020) trong khi nợ DN của Trung Quốc đã lên đến 256%GDP (gấp 4 lần nợ công). Với vai trò chủ nợ của thế giới, Trung Quốc đang là tâm điểm rủi ro nợ khu vực DN, hộ gia đình và cả khu vực ngân hàng; nếu rủi ro vỡ nợ xảy ra với Trung Quốc hoặc các nước vay nợ thu nhập thấp, hậu quả sẽ khôn lường.

Thứ hai, nguy cơ cao về sự đảo chiều và giảm sút dòng vốn ngoại

Rủi ro đảo chiều và giảm sút các dòng vốn đầu tư nước ngoài (đặc biệt là dòng vốn gián tiếp – FPI ngắn hạn) đã từng dẫn đến khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997-1998 đang có nguy cơ xảy ra nhanh hơn và mạnh hơn. Theo Viện Tài chính quốc tế (IIF) và Bloomberg, trong 7 tháng đầu năm 2020, lượng vốn FPI rút ra khỏi các thị trường chứng khoán toàn cầu lên tới gần 90 tỷ USD. Mặc dù dòng vốn FPI đã tăng trở lại ở một số thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ, EU, Mỹ trong 3 tháng 8,9,10, song tính chung trong 10 tháng đầu năm 2020, các thị trường mới nổi vẫn chứng kiến lượng vốn rút ra lớn, đặc biệt là Indonesia (-31 tỷ USD), Hàn Quốc (-23,4 tỷ USD), Đài Loan (-21,3 tỷ USD), Brazil (-18,5 tỷ USD), Thái Lan (-9,1 tỷ USD), Nam Phi (-6,9 tỷ USD), Thổ Nhĩ Kỳ (-5,5 tỷ USD), Malaysia (-5,3 tỷ USD),...v.v. Theo dự báo của IIF, kể cả trường hợp dòng vốn FPI này quay trở lại thì tổng vốn FPI ròng rút ra khỏi các nước mới nổi năm 2020 vẫn ở mức cao (-40 tỷ USD). Cùng với đó, theo WB và Citibank (tháng 6/2020), vốn FDI và kiều hối toàn cầu dự báo giảm sâu lần lượt 25%20%, giảm mạnh nhất trong vòng 6 năm (Hình 3). Nhóm có nguy cơ cao về vấn đề này là Trung Đông và Bắc Phi, Châu Âu và Trung Á, đặc biệt các quốc gia có thâm hụt vãng lai lớn, nợ công cao và dự trữ ngoại hối sụt giảm.

Thứ ba, nguy cơ sụt giảm của thị trường chứng khoán (TTCK) và bất động sản (BĐS) vẫn tiềm ẩn do ảnh hưởng của suy thoái nền kinh tế thực

Ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế khiến nhiều TTCK giảm mạnh trên 20% và rơi vào "thị trường gấu" trong 10 tháng đầu năm 2020. Cùng với đó, thị trường BĐS cũng giảm từ 6-15% so với cùng kỳ năm trước - mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2014, ở nhiều nước như Mỹ, Đức, Canada, Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ....; đầu tư BĐS toàn cầu đã giảm 20-30% trong 9 tháng đầu năm 2020. Ngược lại, một số ít TTCK đang "đi ngược" làn sóng suy giảm và tăng điểm khá mạnh như S&P 500, Nasdaq (Mỹ), Kospi (Hàn Quốc), CSI 300 (Trung Quốc), Taiex (Đài Loan) và HNX-Index (Việt Nam)...v.v. Tuy nhiên, nguyên nhân của sự tăng điểm trên TTCK này lại cho thấy dấu hiệu rủi ro đang tích tụ bởi 5 lý do: (i) dòng tiền đầu tư trên TTCK có thể là từ các gói kích thích kinh tế vốn được kỳ vọng sẽ đi vào lĩnh vực sản xuất, đầu tư tài sản cố định và tiêu dùng hơn là chứng khoán; (ii) sự mất dần tính kết nối, tương quan giữa TTCK và nền kinh tế thực (TTCK tăng mạnh trong khi kinh tế suy thoái, DN khó khăn, phá sản); (iii) đà tăng của TTCK chủ yếu do các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực như công nghệ, y dược, thương mại điện tử, chứ không phải nhiều ngành nghề; (iv) tâm lý bầy đàn và đòn bẩy tài chính (đặc biệt đòn bẩy đầu tư cá nhân) tăng vọt sẽ khuyếch đại mức độ và phạm vi rủi ro; (v) lãi suất thấp kỷ lục khiến nhà đầu tư bỏ tiền vào cổ phiếu hơn là gửi tiết kiệm hoặc đầu tư trái phiếu. Do đó, đà tăng của một số TTCK có lẽ chỉ mang tính chất ngắn hạn, nguy cơ sụt giảm với TTCK và BĐS toàn cầu vẫn tiềm ẩn trước khi hồi phục bền vững (Hình 4).

Thứ tư, nguy cơ giảm giá của các đồng tiền so với đồng tiền mạnh (USD) vẫn thường trực dù cơ chế điều hành tỷ giá của các nước ngày càng linh hoạt

Theo Bloomberg, tính đến hết 15/10/2020 đồng USD đã giảm giá 3,07% so với đầu năm và ở mức thấp nhất trong 2 năm qua, song đồng tiền của nhiều nước mới nổi vẫn ghi nhận mức mất giá khá mạnh so với USD (các đồng tiền Châu Mỹ La tinh giảm mạnh 20-25%, các đồng tiền Châu Á cũng giảm trung bình 3-5% (Hình 5). Với quyết định nới lỏng định lượng và duy trì lãi suất thấp của Fed, khả năng đồng USD sẽ còn suy yếu, ít nhất là đến giữa hoặc hết năm 2021. Tính đến xu hướng giảm giá của USD và sự gia tăng sức mạnh của một số đồng tiền GBP, JPY, EUR…, vai trò của đồng USD vẫn chưa thể thay thế và nguy cơ mất giá của các đồng tiền được neo giá trị vào đồng USD vẫn thường trực bởi áp lực thâm hụt cán cân vãng lai, rủi ro nợ và sự sụt giảm nguồn cung quan trọng như kiều hối, đầu tư, du lịch, tài trợ quốc tế..../. Trong khi đó, lợi ích của việc giảm giá đồng tiền với xuất khẩu dường như khó hiện thực do ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 dù thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi (theo WTO tháng 9/2020). Mặc dù vậy, rủi ro mất giá đồng tiền này là ở mức thấp và không đáng quan ngại.

Thứ năm, nguy cơ gia tăng nợ xấu, giảm thu nhập và những thách thức mới với hệ thống ngân hàng toàn cầu

Hệ thống ngân hàng toàn cầu nhìn chung có khả năng chống chịu rủi ro tốt hơn so với giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Tuy nhiên, rủi ro của khu vực ngân hàng vẫn đang gia tăng do: (i) Nợ xấu và bong bóng tài sản tăng nhanh ở Trung Quốc bởi nhiều nguyên nhân như ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sự phát triển của hệ thống ngân hàng ngầm (shadow banking) và đòn bẩy tài chính tăng nhanh (theo Bloomberg, nợ xấu của các NHTM lớn của Trung Quốc đã tăng 22% từ đầu năm và lợi nhuận sẽ giảm 20-25% trong năm 2020); (ii) Khả năng sụt giảm lợi nhuận ngân hàng đang hiện hữu, theo dự báo 5 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ có thể sẽ thất thu khoảng 105 tỷ USD – mức cao nhất kể từ năm 2010 do nợ khó đòi; lợi nhuận trước thuế của các NHTM Mỹ đã giảm 40-60% và các NHTM Châu Âu cũng giảm 33% trong quý 2/2020; và (iii) Sự phát triển của tiền kỹ thuật số, ngân hàng số, vừa mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không khéo kiểm soát, nhất là rủi ro an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao, các hoạt động phi pháp …v.v.

Thứ sáu, nguy cơ do thể chế không theo kịp sự phát triển của thị trường tài chính; giải pháp ứng phó dịch bệnh và cơ chế phối hợp kém hiệu quả

Kể từ sau khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009, các nước đã tăng cường hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, điều hành tỷ giá linh hoạt hơn; tăng tính minh bạch và hiệu quả của chính sách tài khóa và tiền tệ, thực hiện tái cơ cấu thị trường tài chính; qua đó đã góp phần tăng khả năng chống chịu của hệ thống tài chính toàn cầu. Bối cảnh năm 2020 đặt ra nhiều thách thức khi mà thể chế chưa theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0 và sự phát triển của kinh tế số và tài chính – tiền tệ số, đồng thời sự xuất hiện của các bất ổn mới chưa từng có trong lịch sử (như sự mất dần kết nối giữa thị trường tài chính và nền kinh tế thực; rủi ro nợ của khu vực DN, hộ gia đình và tổ chức tài chính phi ngân hàng…).

Các giải pháp, gói hỗ trợ và sự nới lỏng các điều kiện tài chính toàn cầu (đặc biệt từ quý 2/2020) được kỳ vọng sẽ giúp hồi phục nền kinh tế và thị trường tài chính do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song cũng có thể dẫn tới hệ lụy tiêu cực hơn nếu không hiệu quả, như rủi ro bong bóng tài sản và lạm phát (do bơm nhiều tiền), rủi ro nợ xấu tăng (do hạ chuẩn cho vay hoặc đảo nợ và sức khỏe tài chính của bên vay yếu đi)…v.v. Thêm vào đó, sự mâu thuẫn giữa các mục tiêu, ưu tiên chính sách và phối hợp kém hiệu quả có thể khiến nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu rơi vào vòng xoáy rủi ro mới trong thời gian tới.

(Còn nữa...)

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

Theo Trí thức trẻ