Phát biểu tại Hội thảo “Tổng kết quá trình thực hiện các Thông tư số 38/2018/TT-BTC, Thông tư số 62/2019/TT-BTC, Thông tư số 47/2020/TT-BTC và Thông tư số 07/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư thay thế các Thông tư này”, sáng 1/11, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho rằng với mục tiêu của thông tư là tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp, phù hợp với thực tiễn thương mại và các cam kết quốc tế trong FTAs thế hệ mới, dự thảo Thông tư số 38 sửa đổi đã hợp nhất nhiều nội dung.
Đó là hợp nhất các nội dung hướng dẫn kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại các Thông tư số 38/2018/TT-BTC, Thông tư số 62/2019/TT-BTC, Thông tư số 47/2020/TT-BTC và Thông tư số 07/2021/TT-BTC để xây dựng Thông tư thay thế nhằm tạo thuận lợi cho quá trình nghiên cứu, thực hiện.
Khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện các thông tư nêu trên, như việc khai và nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ; sử dụng thông báo xác định trước xuất xứ, nộp bổ sung C/O sau khi hàng hoá đã thông quan, nộp C/O đối với trường hợp hàng hoá thay đổi mục đích sử dụng, quy định liên quan đến thời điểm nộp C/O, về các trường hợp phải nộp C/O.
Đáng chú ý, tại thời điểm ban hành Thông tư số 38/2018/TT-BTC thì các FTAs như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)… chưa được ký kết để triển khai nên chưa có hướng dẫn tại Thông tư số 38/2018/TT-BTC.
Trên cơ sở đánh giá rà soát tổng thể quá trình thực hiện đã có nhiều bất cập trong quản lý về xuất xứ hàng hóa như cách thức quản lý kiểm tra chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho các doanh nghiệp được cấp phép theo mã REX (Hiệp định EVFTA), mã EORI (UKVFTA), CE (Hiệp định ATIGA sửa đổi và Hiệp định RCEP)...
Bên cạnh đó, nhiều yêu cầu quản lý theo cách tiếp cận mới như áp dụng bảo lãnh cho hàng hóa nợ, chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ, hình thức nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cần được bổ sung và hướng dẫn cụ thể ở thông tư để cơ quan hải quan có cơ sở pháp lý thực hiện.
Đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cho rằng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa, giúp tăng quyền cũng như nâng cao trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp. Quy định mới đảm bảo tính minh bạch cũng như sự linh hoạt, đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự trung thực và tính chính xác của hàng hóa.
Nghị định 111/2021/NĐ-CP có nhiều điểm mới đáng chú ý: Nghị định đã quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa xuất khẩu; không áp dụng đối với hàng hóa nhập gửi kho ngoại quan để xuất khẩu sang nước thứ ba.
Nghị định quy định những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa lưu thông tại thị trường Việt Nam phải ghi bằng tiếng Việt, trừ hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ trong nước. Những nội dung bắt buộc phải thể hiện bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt trên nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu khi làm thủ tục thông quan.
Tổng cục Hải quan cũng đã có công văn 5951/TCHQ-GSQL ngày 17/12/2021 hướng dẫn một số điểm mới về ghi nhãn hàng hóa theo Nghị định 111/2021/NĐ-CP.
“Tổng cục Hải quan mong muốn nhận được các ý kiến liên quan đến nội dung Thông tư số 38 và Nghị định 111/2021/NĐ-CP để các nội dung Thông tư số 38 sửa đổi đạt được mục tiêu tạo thuận lợi thương mại và quản lý hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu thời gian tới”, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan nói.