ĐỜI SỐNG TIÊU ĐIỂM

Tâm lý "con ngoan, trò giỏi, nhân viên xuất sắc": Cảm thấy "tội lỗi" khi nghỉ ngơi, ngại xin sếp nghỉ phép vì sợ mất điểm

Admin

Điều ít ai biết là tuy nhiều lãnh đạo thích tuyển kiểu nhân viên chăm chỉ này nhưng không có nghĩa họ sẽ được đánh giá cao và dễ được thăng chức.

“Con ngoan, trò giỏi” từ nhỏ đến lớn

Gần đây, trên mạng xã hội Trung Quốc nổi lên một hội nhóm có tên “Nạn nhân của tâm lý con ngoan trò giỏi” với hơn 50.000 thành viên. Họ chia sẻ những câu chuyện của bản thân khi luôn phải dồn nén chính mình để trở thành đứa trẻ ngoan ngoãn trong mắt cha mẹ và thầy cô, sau này khi trưởng thành lại phải cố gắng tạo dựng hình tượng nhân viên xuất sắc trong mắt cấp trên.

Những người trong hội nhóm này cho biết họ làm việc chăm chỉ trong một thời gian dài, thực hiện mọi nhiệm vụ mà lãnh đạo giao, không thể nói “không” dù phải làm ngoài giờ hay thức đêm. Bên cạnh đó, họ còn không có chính kiến riêng và có “thói quen” buộc mình phải làm hài lòng mọi người thay vì làm những việc bản thân thoải mái. Họ cực kỳ tuân theo các nguyên tắc, sợ sai lầm, thậm chí không dám xin nghỉ phép để nghỉ ngơi, giải trí.

Điều này có thể là do từ nhỏ, những người này được giáo dục rập khuôn theo khuôn mẫu “không được phép sai”, mục tiêu phấn đấu là thành tích cao, được bố mẹ và thầy cô khen ngợi. Tuy vậy, theo một thành viên trong hội nhóm này, điều thúc đẩy họ chăm chỉ một cách mù quáng là “nỗi sợ bị phán xét tiêu cực”.

Ảnh minh họa

Nhà tâm lý học Edward L. Deci gọi đây là “động lực ngoại sinh”. Khác với những người được thúc đẩy bởi động lực từ bên trong là những người làm chủ cuộc sống chính mình thì người bị tác động bởi động lực ngoại sinh lại trở thành “nô lệ” của các yếu tố bên ngoài. Ví dụ như nghĩa vụ, nỗi sợ, phần thưởng, hình phạt, thời hạn và sự chấp thuận của người khác. Họ bị căng thẳng bởi suy nghĩ “Tôi nên làm” thay vì “Tôi muốn làm”.

“Tất cả năng lượng của tôi đều dành cho công việc và học tập. Nếu làm những việc khá, tôi sẽ luôn cảm thấy mình đang lãng phí thời gian. Tôi mặc cảm và lo lắng nếu không thể làm việc thật tốt, cứ như một vòng luẩn quẩn vậy. Thật ghen tỵ khi nhìn người khác thư thái nghỉ phép tận hưởng cuộc sống của họ”, một cư dân mạng họ Lâm chia sẻ.

Mặt tối của tâm lý “học sinh ngoan”

Lưu Y Linh, người thành lập nhóm “Nạn nhân của tâm lý con ngoan trò giỏi” là người luôn sợ thất bại từ khi còn nhỏ. Chỉ cần có sự cạnh tranh và xếp hạng, cô sẽ vô thức muốn trở thành học sinh giỏi nhất từ tiểu học đến cả sau đại học. Có lần, Y Linh không viết luận văn trong hai ngày, không đọc bất kỳ cuốn sách nào và cũng không làm việc, cô trở nên lo lắng và cảm thấy cuộc sống của mình vô giá trị.

Khoảng lặng này làm cô suy nghĩ cuộc sống của mình trước này đều như một cuộc đua, làm sao để học cách nghỉ ngơi cũng rất quan trọng. Y Linh quan sát xung quanh và nhận ra không ít người cũng giống cô, vậy nên Y Linh quyết định lập cộng đồng này, 3 tháng đã có 50.000 thành viên.

Ảnh minh họa

Cô gái họ Lâm không phủ nhận những lợi ích của tâm lý “học sinh ngoan”, ví dụ như thành tích, sự chăm chỉ và nỗ lực không ngừng nghỉ nhưng nhược điểm theo thời gian sẽ lộ rõ hơn. Ví dụ như chỉ quen vâng lời người khác, sợ mắc lỗi, suy nghĩ nhiều quá mức, cảm xúc tiêu cực lấn át, thậm chí có thể là thói xu nịnh. Tại sao lại gọi họ là “nạn nhân”? “Bởi chúng ta là người tự làm khổ chính mình”, Lâm Y Linh giải thích.

Tuy nhiều lãnh đạo thích tuyển kiểu nhân viên chăm chỉ này nhưng không có nghĩa họ sẽ được đánh giá cao và dễ được thăng chức. Đó là bởi những người có tâm lý “con ngoan trò giỏi” giống như robot được lập trình, làm việc tốt theo những nguyên tắc cố định nhưng khó có sự tiến bộ và phát triển lâu dài. Họ luôn cố gắng đơn thuần chỉ để tìm kiếm sự ghi nhận và lời khen từ người khác thay vì tự đánh giá được hiệu quả chính mình.

Bên cạnh đó, các “nạn nhân” sẽ luôn bị phụ thuộc về mặt cảm xúc từ sự đánh giá bên ngoài, khó đưa ra những đánh giá về giá trị bản thân. Quan trọng nhất là họ mất quyền tự do lựa chọn và tinh thần đổi mới, chỉ đi theo lối mòn đã được người khác chỉ định.

“Việc quá quen với sự nghe lời, phục tùng khiến bạn khó đưa ra phán quyết độc lập trong tình huống phức tạp. Chưa kể là bạn luôn chú trọng kết quả thay vì quá trình do phải cạnh tranh để giỏi nhất, tốt nhất trong mắt người khác, và rồi kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhiều người tôi biết bị stress mãn tính, bệnh tâm lý và mất ngủ vì làm việc liên tục không ‘dám’ nghỉ ngơi ”, Y Linh nói thêm.

Ảnh minh họa

Khẩu hiệu trước đây của cộng đồng “học sinh ngoan” này là “Bạn có thể trở thành một đứa trẻ hư” nhưng hiện nay đã được đổi thành “Tôi có thể tự trao phần thưởng cho chính mình”. Những người đã thoát khỏi tâm lý này cũng tự gọi mình là “người tự do”.

Khi thành lập hội nhóm này, kỳ vọng lớn nhất của Lâm Y Linh là những thành viên có thể quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu của chính họ, “muốn từ chối thì từ chối, mệt thì nghỉ”. Chúng ta phải học cách lắng nghe nhu cầu của chính mình. Chỉ bằng cách biết những gì bạn muốn, bạn mới có thể thực sự tiến tới cuộc sống lý tưởng của mình.