Danh sách mà Cục Thuế tỉnh Đồng Nai mới “réo tên” được chốt đến hết ngày 30/9/2022 với 97 doanh nghiệp trong đó có 74 doanh nghiệp ngoành quốc doanh và 23 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang nợ thuế chây ỳ tại tỉnh này với với tổng số tiền thuế nợ lên đến 650 tỷ đồng. Một lần nữa Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai (Tân mai Group) lại đứng Top với số tiền nợ lên đến gần 41 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai (Tân mai Group) có tiền thân là Công ty Kỹ Nghệ Giấy Việt Nam (COGIVINA) được thành lập ngày 14/10/1958 và chuyển sang cổ phần vào đầu năm 2006. Đến năm 2008, hợp nhất với Công ty cổ phần Giấy Đồng Nai, chính thức mang tên Công ty cổ phần Tập Đoàn Tân Mai với vốn điều lệ hơn 890,9 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này có địa chỉ tại Đường số 11, Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Phường An Bình, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai do ông Lê Thành làm người đại diện theo pháp luật với ngành nghề kinh doanh chính là Sản xuất bột giấy, giấy và bìa.
Ngoài Tân Mai Group, ông Lê Thành còn đứng tên tại một số pháp nhân như Công ty Cổ phần Codona Thế kỷ 21 (chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Sông Mây); Công ty TNHH Organic Life; Công ty Cổ phần Đầu tư Nông Trường Xanh; Công ty Cổ phần Đầu tư Kết nối xanh (Green Connection Invest) và Công ty Cổ phần Đầu tư Nhà quản lý (Manager Invest). Ông Thành hiện đang tham gia vào ban lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp lớn như Lavifood, Đầu tư Tân Thành Long An (KCN Việt Phát).
Đáng chú ý, Tân Mai Group nằm trong danh sách các doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mà cơ quan thuế công bố từ năm 2015 tới nay. Cụ thể, tháng 12/2015 nợ trên 63,7 tỷ đồng; tháng 12/2016 nợ hơn 51 tỷ đồng; tháng 6/2017 nợ trên 47 tỷ đồng; năm 2018 nợ trên 60 tỷ đồng; năm 2019 nợ khoảng 32 tỷ đồng; cuối năm 2020 nợ khoảng 30,2 tỷ đồng; đến tháng 2/2021số nợ hơn 36,87 tỷ đồng.
Ngoài việc lùm xùm về nợ thuế Tân Mai cũng lưu "dấu ấn" với cơ quan nhà nước khác với các sự kiện như: tháng 01/2014, Dự án nhà máy giấy Tân Mai Lâm Đồng (Cụm Công nghiệp Đạ Oai, Lâm Đồng) bị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, do nhà đầu tư không đủ khả năng tài chính để tiếp tục triển khai dự án.
Hay vào tháng 7/2020, UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định thu hồi diện tích 450.067m2 đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (SKC) đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai do chấm dứt hoạt động dự án Nhà máy bột và giấy Tân Mai Quảng Ngãi tại xã Bình Long, huyện Bình Sơn.
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VDS) có thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán số 48/2021/GCNCP-VSD (ngày 25/11/2021) và cấp mã chứng khoán cho Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai với mã chứng khoán là: GTM.
Thế nhưng, ngày 09/01/2022, VSD thông báo sẽ ngừng cung cấp dịch vụ lưu ký, rút và chuyển quyền sở hữu chứng khoán GTM. Và kể từ ngày 26/01/2022, mã chứng khoán GTM, mã ISIN VN000000GTM6 do VSD cấp sẽ hết hiệu lực lưu hành và VSD không thực hiện cung cấp dịch vụ đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ cho cổ phiếu GTM.
Theo thông tin từ website https://www.tanmaipaper.com/ (trang chủ của Tân Mai Group), hiện Tân Mai Group đang sở hữu và quản lý 28.261ha đất rừng ở Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Đắk Lắk, Kon Tum, Bình Thuận.