DOANH NGHIỆP Đầu tư

Thaiholdings: Lãi sau thuế giảm một nửa, cổ phiếu lao dốc, dang dở “giấc mơ vũ trụ”

Admin

Thời điểm ngày cuối tháng 9.2022, tổng tài sản của THD đạt hơn 8.490 tỷ đồng, giảm 19% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, lượng tiền và tương đương tiền giảm mạnh 93% từ mức hơn 271 tỷ đồng còn hơn 18 tỷ đồng.

Dữ liệu tài chính quý 3.2022 cho thấy, Công ty cổ phần Thaiholdings (Mã chứng khoán: THD) có doanh thu thuần đạt mức 765 tỷ đồng, giảm 74% so với khoản doanh thu hơn 2.943 tỷ đồng đạt được trong quý 3.2021.

Trừ đi giá vốn bán hàng, lợi nhuận gộp của THD đạt hơn 32 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ. Hoạt động tài chính cũng đi lùi khi doanh thu giảm 15%, đạt hơn 34,7 tỷ đồng.

Điểm sáng trong bức tranh kinh doanh trong ba tháng vừa qua của THD là đã chú trọng vào công cuộc tiết giảm chi phí. Trong đó chi phí tài chính giảm mạnh nhất ở mức 90,8%, đạt hơn 21 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm hơn 84%, đạt vỏn vẹn 403 triệu đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 26%, đạt 15,8 tỷ đồng.

Diễn biến lợi nhuận sau thuế của THD (Đơn vị: tỷ đồng).

Kết quả, THD báo lãi sau thuế hơn 39 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2021. Giải trình về kết quả kinh doanh của mình, THD cho biết. do hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong quý 3 năm ngoái tăng mạnh, trong khi đó quý 3 năm nay, doanh nghiệp không phát sinh hoạt động chuyển nhượng dự án như cùng kỳ làm lợi nhuận khác giảm.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của THD lần lượt ghi nhận 3.424 tỷ đồng và 256 tỷ đồng, tương ứng giảm 43% và giảm 46% so với cùng kỳ.

Về tình hình tài chính, thời điểm ngày cuối tháng 9.2022, tổng tài sản của THD đạt hơn 8.490 tỷ đồng, giảm 19% so với thời điểm đầu năm. Trong đó lượng tiền và tương đương tiền giảm mạnh 93% từ mức hơn 271 tỷ đồng còn hơn 18 tỷ đồng.

Ngược lai, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 41,6% lên hơn 2.746 tỷ đồng. Đáng chú ý, các khoản đầu tư tài chính dài hạn tăng 57%, từ mức hơn 839 tỷ đồng lên mức hơn 1.317 tỷ đồng. Trong đó, THD đã đầu tư thêm hơn 999 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Tôn Đản Hà Nội, đầu tư thêm hơn 38 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Bình Minh Group.

Ngoài ra, THD trong 9 tháng năm 2022 đã đầu tư góp vốn vào công ty TNHH Đầu tư Thương mai và Dịch vụ Bãi Thơm - Phú Quốc (tiền thân là Công ty TNHH Thaispace) với tổng số tiền hơn 306 tỷ đồng, nâng tổng số vốn góp lên hơn 386 tỷ đồng. Sau đó, THD đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trên với giá hơn 489 tỷ đồng cho ông Trịnh Văn Thiệm.

Ở chiều ngược lại, THD cũng thoái vốn tại Công ty TNHH Đầu tư Thủy điện Quảng Nam thông qua Công ty con là Công ty Cổ phần Enclave Phú Quốc, đồng thời thoái 16% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thaihomes cho bà Nguyễn Thị Xuân với giá hơn 115 tỷ đồng.

Sau khi hoàn tất, “hệ sinh thái” của Thaiholdings hiện đã được tinh gọn lại gồm 3 công ty con là Thaigroup, Du lịch Kim Liên và Enclave Phú Quốc và 3 công ty liên kết gồm Thailand, Tôn Đản Hà Nội và Bình Minh Group.

Diễn biến cổ phiếu của THD từ cuối năm 2021 đến hiện tại. (Nguồn: Vietstock)

Trên thị trường, nếu tính trong khoảng một năm gần đây, cổ phiếu THD đã sụt giảm mạnh kể từ mức đỉnh 277.000 đồng cuối năm 2021 xuống mức 40.x đồng (ngày 24.11.2022) - tương ứng giảm khoảng 86%.

Liên quan đến cổ phiếu của THD, hồi giữa năm 2022, ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), anh trai Chủ tịch HĐQT Thaiholdings Nguyễn Văn Thuyết đã hoàn tất bán toàn bộ 87,4 triệu cổ phiếu THD (tương đương 25% vốn công ty) theo phương thức thỏa thuận trong ngày 13.6. Sau giao dịch, ông Thụy không còn là cổ đông tại doanh nghiệp mà mình sáng lập.

Dang dở “giấc mơ” bay vào vũ trụ

Ngày 29.12.2021, Hội đồng quản trị công ty cổ phần Thaiholdings thông qua thông qua việc góp vốn thành lập CTCP Thaispace, doanh nghiệp có vốn điều lệ lên tới 26.688 tỷ đồng, trụ sở đặt tại Phú Quốc, Kiên Giang.

Thời điểm đó, phần góp vốn của Thaiholdings là 1.334,4 tỷ đồng, tương ứng 5%. Bên cạnh đó, Bầu Thụy góp tới 75% vốn, tương đương 20.016 tỷ đồng vào Thaispace. Đáng chú ý, con gái Bầu Thụy cũng đứng tên “rót” gần 2.669 tỷ, tương ứng 5% vốn tại Thaispace, đồng thời vào ghế Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Thaispace.

Mục tiêu thành lập Công ty cổ phần Thaispace là thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ tại Phú Quốc, Việt Nam, nếu được các cơ quan quản lý cấp phép. Thaiholdings cũng giao Ban Tổng Giám đốc Công ty hỗ trợ Thaispace xin cơ chế đặc thù trình Thủ tướng Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ đảm bảo mục tiêu sẽ có chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ ngay trong giai đoạn 2026 – 2030. Chiến lược đầu tư này cũng phù hợp với Quyết định 169/QĐ-TTg ngày 4.2.2021 về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

Một số ngành nghề hoạt động chính của Công ty cổ phần Thaispace được thông qua gồm: kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không; xây dựng và kinh doanh trạm vũ trụ không gian, vệ tinh tại Việt Nam và thế giới; kinh doanh dịch vụ viễn thông không dây ở Việt Nam và thế giới như internet vệ tinh, dịch vụ định vị, truyền hình vệ tinh, rada, mạng điện thoại di động và các thiết bị không dây...; kinh doanh hoạt động truyền dẫn kỹ thuật số tại Việt Nam và Thế giới; kinh doanh hoạt động ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data); và kinh doanh vận tải lên vũ trụ tại Việt Nam và Thế giới.

Tuy nhiên, thời gian qua Thaispace đã có hàng loạt sự thay đổi từ cơ cấu lãnh đạo, vốn điều lệ và mô hình doanh nghiệp. Cụ thể, trong tháng 2.2022, bà Nguyễn Ngọc Mỹ Anh, con gái Bầu Thụy rời vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Thaispace.

Ngày 13.5.2022, vốn điều lệ của Thaispace giảm mạnh từ 26.688 tỷ đồng xuống còn 2.275 tỷ đồng. Bên cạnh động thái giảm vốn, Thaispace cũng công bố chuyển loại hình doanh nghiệp từ công ty cổ phần sang công ty trách nhiệm hữu hạn.

Đến ngày 14.6, Công ty TNHH Thaispace một lần nữa đổi tên thành Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Bãi Thơm – Phú Quốc với nguồn vốn điều lệ không đổi.