KINH TẾ Bất động sản TIN TỨC

Thị trường bất động sản còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, rủi ro

Admin

Phát biểu tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023: “Ổn định và phát triển thị trường bất động sản”, sáng 21/4, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, nếu không quyết liệt và chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% sẽ gặp thách thức lớn.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, bất định, kinh tế Việt Nam 2022 có mức tăng trưởng vượt trội ngay sau giai đoạn tăng trưởng suy giảm do đại dịch COVID -19. Lạm phát và kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, những vấn đề tồn tại của nền kinh tế đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Một trong những điểm nghẽn có mối liên hệ chặt chẽ là lĩnh vực tài chính tiền tệ, thị trường bất động sản (BĐS).

Phát biểu khai mạc Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023: “Ổn định và phát triển thị trường BĐS” và công bố ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2022”, GS, TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, thực tiễn trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả tích cực, thị trường BĐS còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và phát triển thiếu lành mạnh.

Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023: “Ổn định và phát triển thị trường bất động sản”. Ảnh: Hà Anh.

Quản lý tài chính và đầu tư phát triển BĐS vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan với tư duy bao cấp về hàng hóa BĐS (hàng hóa quyền sử dụng đất) trên thị trường sơ cấp.

Việc điều hành quản lý và phát triển thị trường BĐS cũng còn nhiều hạn chế bất cập, chưa được đảm bảo để thị trường BĐS hoạt động một cách ổn định, lành mạnh.

Hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS... chưa thống nhất và chồng chéo. Quy định và thủ tục triển khai các dự án còn nhiều điểm nghẽn dẫn đến thị trường thiếu hụt nguồn cung, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý.

Cùng với đó, cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường BĐS chưa đồng bộ, đầy đủ, thiếu tin cậy, thiếu minh bạch... gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước.

“Rủi ro trên thị trường BĐS có thể lan truyền đến rủi ro trên thị trường tài chính tiền tệ khi phần lớn nguồn vốn vào thị trường BĐS là từ dòng vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng, trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp phải nhiều rủi ro bất ổn”, ông Chương nói.

Phản ánh thực trạng rủi ro về chính sách tại thị trường BĐS, ông PGS, TS Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ rõ: Pháp luật đất đai quy định về phương pháp định giá đất chưa rõ ràng, thiếu cơ sở dẫn đến rất khó xác định đâu là giá thị trường, khiến các cơ quan chức năng, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong thực hiện.

Tình trạng phát triển các dự án BĐS ở một số địa phương không theo quy hoạch và kế hoạch, chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường đang diễn ra.

Quy định giao dịch BĐS không bắt buộc qua sàn đã tạo khoảng trống pháp lý - đây là cơ sở cho việc hình thành nên các “dự án ma", các vụ việc lừa đảo khách hàng. Cùng với đó, việc cập nhật thông tin về thị trường BĐS còn nhiều khó khăn và không đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh kết quả của nền kinh tế Việt Nam quý I/2023 đã cho thấy những khó khăn ngày càng hiện hữu. Ảnh: Hà Anh.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh: Kết quả của nền kinh tế Việt Nam quý I/2023 đã cho thấy những khó khăn ngày càng hiện hữu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm, khu vực xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, một trong những điểm nghẽn hiện nay chính là thị trường BĐS. Thị trường BĐS đang đặt ra nhiều vấn đề lớn cần giải quyết.

“Nếu chúng ta không có sự quyết liệt và chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 là 6,5% sẽ gặp thách thức lớn”, ông Hiển nói.