KINH TẾ Tài chính

Tiền gửi tăng chậm có đáng lo?

Kỳ Văn

Mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức thấp và khó khăn do dịch Covid-19 khiến dòng tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng đang chậm lại

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng trong bối cảnh lãi suất thấp, dịch Covid-19 kéo dài, cơ hội làm ăn kinh doanh, khởi nghiệp suy giảm khiến dòng tiền chuyển sang một số kênh đầu tư khác với kỳ vọng mức sinh lời cao hơn.

Tiền "chạy" sang chứng khoán

Điều này thể hiện rõ nhất qua lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng 4 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng thêm khoảng 120.000 tỉ đồng, tăng 2,34% so với cuối năm ngoái, mức tăng thấp nhất trong 6 năm và chỉ bằng một nửa so với trước khi có dịch Covid-19.

Dòng vốn chảy vào ngân hàng chậm lại một phần do lãi suất thấp .Ảnh: TẤN THẠNH

Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy trong 5 tháng đầu năm, huy động vốn có cải thiện hơn nhưng cũng chỉ tăng 2,97% so với cuối năm ngoái, còn tín dụng của nền kinh tế tăng 4,97%.

Anh Minh Khánh (ngụ quận 1, TP HCM) cho biết hồi đầu năm 2021, khi dịch Covid-19 trở lại, công ty yêu cầu một nửa nhân viên làm việc ở nhà, thời gian rảnh rỗi anh bắt đầu tìm hiểu về chứng khoán và rút 50% tiền tiết kiệm tham gia kênh đầu tư này. Đầu tháng 6, khi dịch bệnh vẫn chưa được khống chế, anh Khánh tiếp tục rút thêm 100 triệu đồng từ tài khoản tiết kiệm chuyển vào chứng khoán với kỳ vọng mức sinh lời cao hơn. "Lãi suất tiền gửi ngày càng giảm, tiền tiết kiệm tôi đang gửi kỳ hạn 6 tháng chỉ lãi 4%/năm nên tôi quyết định rút ra để đầu tư chứng khoán với hy vọng có lợi nhuận cao hơn" - anh Khánh nêu lý do.

Theo tìm hiểu của phóng viên, anh Khánh chỉ là một trong số gần 500.000 nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay. Chính việc thị trường chứng khoán bùng nổ, mức sinh lời gấp nhiều lần gửi ngân hàng nên nhiều người đã không ngần ngại dịch chuyển một phần tiền nhàn rỗi từ tiết kiệm sang mua cổ phiếu. Nhiều đơn vị sản xuất - kinh doanh cũng tranh thủ lúc dịch bệnh khó khăn rút một phần tiền từ vốn lưu động chuyển sang đầu tư chứng khoán.

Tại báo cáo chiến lược tháng 6 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt dẫn số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy trong 5 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 480.490 tài khoản đầu tư chứng khoán vượt xa mức kỷ lục của năm 2020 (393.659 tài khoản mở mới trong năm 2020). "Điều này là hợp lý khi lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp, trong khi mức sinh lời hấp dẫn của thị trường chứng khoán thời gian qua là không thể phủ nhận" - các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định.

Lãnh đạo một số NH thương mại thừa nhận có xu hướng dòng tiền dịch chuyển sang chứng khoán trong bối cảnh kênh đầu tư này đang bùng nổ, thu hút dòng tiền và nhà đầu tư kỳ vọng kiếm được lợi nhuận nhiều hơn so với gửi tiết kiệm. Một phần khác, do dịch Covid-19 kéo dài khiến người dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tiền gửi tiết kiệm cũng ít hơn. Đồng thời, thanh khoản vẫn dồi dào nên nhu cầu huy động vốn cũng không cao, trong khi các NH phải tiếp tục cắt giảm chi phí để phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay.

Chưa đáng lo ngại

Vậy, việc dòng tiền chảy vào NH tiếp tục chậm lại và dịch chuyển sang các kênh đầu tư rủi ro hơn như chứng khoán, bất động sản, thậm chí là tiền điện tử như Bitcoin… có đáng lo?

Chuyên gia tài chính - TS Huỳnh Trung Minh phân tích rủi ro từ sự dịch chuyển này là khi nhiều nhà đầu tư F0 chơi chứng khoán theo phong trào nhưng lại không tìm hiểu kỹ, dễ thua lỗ nếu thị trường biến động mạnh. Hệ lụy lớn hơn là gây bất ổn cho nền kinh tế khi dòng tiền đổ quá nhiều vào một lĩnh vực.

Tuy vậy, một lãnh đạo NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, nhiều hoạt động kinh doanh tạm thời dừng lại, thu nhập của người dân sụt giảm, huy động vốn tăng chậm nhưng thực tế nguồn vốn của nhiều NH vẫn dư thừa. Bởi, không phải ai cũng mang tiền đi đầu tư, phần lớn khách hàng có tiền nhàn rỗi vẫn đem gửi tiền NH. Trong khi đó, các NH đều hết sức thận trọng khi xem xét cho vay, vì vậy mà dư nợ tín dụng tăng khá chậm. Thời gian tới, NH có thể tính đến việc giảm thêm lãi suất tiền gửi, qua đó kéo lãi suất cho vay giảm theo nhằm kích thích nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp.

Tương tự, Chủ tịch Hội đồng thành viên NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Phạm Đức Ấn thừa nhận mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế đang rất yếu, đầu ra cũng hết sức khó khăn. Thế nhưng, việc NH có hạ thêm lãi suất hay không NH cần phải cân nhắc vì hiện nay, lãi suất tiền gửi đã thấp lắm rồi, nếu giảm thêm thì người dân có thể chuyển dịch tiền qua các kênh đầu tư khác. Còn nếu tăng lãi suất tiết kiệm nhằm thu hút tiền gửi thì nguồn vốn huy động sẽ tăng lên nhưng do đầu ra bị hạn chế, NH cũng sẽ rơi vào thế khó.

Ông Ấn nhận định với quyết tâm phòng chống dịch và triển khai tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 trên diện rộng, tình hình dịch bệnh từ nay đến cuối năm 2021 sẽ từng bước lắng dịu. Khi đó, nhiều hoạt động kinh tế sẽ hoạt động trở lại, kéo theo nhu cầu vốn tăng mạnh có thể giúp mặt bằng lãi suất đi lên.

TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính Marketing) nhận xét tuy lãi suất tiền gửi hiện tại thiếu hấp dẫn, người dân có chuyển dịch vốn qua thị trường chứng khoán hay nhà đất nhưng không đáng lo ngại vì mọi giao dịch này đều thông qua NH, tức tiền vẫn không ra khỏi hệ thống NH. Chỉ khi nào người dân dồn vốn vào vàng, ngoại tệ… mới ảnh hưởng không tốt kinh tế vĩ mô, tác động nhất định đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ. "Xu hướng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến dịch bệnh. Nếu dịch bệnh được kiểm soát triệt để, các thành phần kinh tế sẽ lao vào sản xuất kinh doanh, thu nhập của người dân sẽ tăng lên. Khi đó, NH có thể tính đến việc tăng lãi suất nhằm thu hút tiền gửi để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế" - ông Thuận nói.

Khổ vì chờ chỉ tiêu tín dụng

Đến thời điểm hiện tại, một số NH thương mại cho biết đã hết hạn mức tín dụng được cấp và đang chờ được nới thêm, nếu không sẽ không thể cho vay.

Lãnh đạo một NH cổ phần ở TP HCM thừa nhận vì hết "room" tín dụng nên NH phải cân nhắc, xét duyệt rất kỹ từng hồ sơ mới quyết định cho vay và giải ngân trong khi các doanh nghiệp tốt vẫn đang rất cần vốn để sản xuất, kinh doanh. Do đó, các NH đề xuất cơ quan quản lý cân nhắc sớm nới "room" tín dụng để tiếp vốn cho nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn này. "Nhu cầu vay vốn vẫn rất lớn, trong khi nhiều NH hết "room" tín dụng nên phải xét duyệt kỹ lưỡng, thậm chí có quyền chọn lựa khách hàng tốt để cho vay. Như vậy, lãi suất cho vay sẽ càng khó giảm" - vị lãnh đạo NH này đặt vấn đề.