Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa thông báo giảm lãi suất tới 1%/năm với các khoản vay VND cho các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu. Chương trình được triển khai từ 1/11 đến hết 31/12.
Tuy nhiên, Vietcombank lưu ý, chính sách giảm lãi suất nói trên không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…
Đến nay, mới chỉ có Vietcombank là ngân hàng đầu tiên công bố giảm lãi suất cho vay.
Động thái giảm lãi suất cho vay của Vietcombank lần này diễn ra trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng thương mại liên tục tăng lãi suất huy động.
Từ cuối tháng 9 đến nay, lãi suất huy động liên tục được đẩy lên cao. Một số ngân hàng có tới hàng chục lần điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm ở mọi kỳ hạn. Thậm chí, có ngân hàng tăng lãi suất 2-3 lần/tuần để hút vốn.
Lãi suất huy động liên tục tăng đẩy lãi suất cho vay lên cao. Với doanh nghiệp, lãi vay từ 6-7%/năm nay đã tăng lên mức 10-11%/năm. Với khách hàng cá nhân vay mua nhà, mua xe, mặt bằng lãi suất cho vay đã lên mức 12-15%/năm, thậm chí có ngân hàng đẩy lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên mức 16%/năm.
Một số doanh nghiệp cho hay, với lãi vay tăng cao như hiện nay thì việc sản xuất kinh doanh sẽ rất khó khăn. Lãi vay ở mức 12-15%/năm thì mức sinh lời của vốn vay phải đạt trên 30%. Bởi ngoài trả chi phí lãi vay, doanh nghiệp còn phải tính toán các chi phí khác. Chưa kể, chi phí nguyên vật liệu thời điểm cuối năm tăng, thêm chi phí vốn tăng lên sẽ gây áp lực nhiều đến giá cả hàng hóa.
Trong khi đó, PGS-TS Phạm Thế Anh, giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) cho hay, việc tăng lãi suất cũng sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế bởi các hộ gia đình có thể sẽ tiết kiệm nhiều hơn, giảm bớt chi tiêu, ảnh hưởng đến tổng cung.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM mới đây đã có văn bản gửi tổng giám đốc các tổ chức tín dụng trên địa bàn yêu cầu tiếp tục cho vay và xem xét giảm lãi suất đối với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường vào dịp cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán Quý Mão và năm 2023.
NHNN cũng vừa có công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng vốn cho vay sản xuất kinh doanh.
Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
NHNN nêu rõ các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Ngoài ra, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.