ĐỜI SỐNG Văn hóa - Giải trí MEDIA

Trần Thế Vĩnh tìm kiếm chính mình qua họa-nhạc

Admin

Triển lãm cá nhân Nhạc khúc của Họa sĩ Trần Thế Vĩnh sẽ khai mạc lúc 18h ngày 20/10/2023, trưng bày 32 tranh trừu tượng biểu hiện tại Thi Art Space (Y1 Hồng Lĩnh, phường 15, quận 10, TP.HCM).

Họa sĩ Trần Thế Vĩnh 

Nhìn lại 10 năm qua, ví dụ từ bộ tranh Con vật-người (2013), rồi đến Bắt đầu từ đâu? (2016), Khỏa thân (2018), Vọng (2020), Thế gian điên đảo (2022/2023)… Trần Thế Vĩnh đã liên tục bước qua bước lại giữa tranh chân dung có thiên hướng tả thực, tranh biểu hiện, tranh trừu tượng… Như một cuộc tìm kiếm, đến bộ Nhạc khúc (2023) thì hòa trộn thành biểu hiện trừu tượng (abstract expressionism), nơi hiện thực tưởng chừng như rõ ràng, thì đã bị xóa nhòa ngay sau đó.

Trần Thế Vĩnh manh nha vẽ trừu tượng ngay từ khi còn học ở Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế. Sau khi tốt nghiệp hai năm, ngày 1/9/2012, Trần Thế Vĩnh đã bày triển lãm cá nhân đầu tiên tại phòng tranh Tự Do, TP.HCM, gồm 21 tranh trừu tượng. Nhưng có thể nói, giai đoạn này vẫn còn mày mò và hơi “thuần” trừu trượng, chỉ đến biểu hiện trừu tượng thì Trần Thế Vĩnh mới bung được ý niệm và kỹ thuật của mình.

Nhạc khúc 25

Trần Thế Vĩnh quan niệm: “Với tôi, phong cách chính là nội lực tự thân có được khi có trải nghiệm từ quá trình sống, suy tư, và làm việc, sáng tạo. Khi có được một sự chín chắn của tư duy, sự vững chắc về kỹ thuật, sự chín muồi về cảm nhận, sự ổn định về tư tưởng thì phong cách sẽ rõ ràng và thực sự nhất.

Phong cách không phải là luôn đóng khung mình trong một kiểu tư duy cố hữu hay bám víu vào một hình thức, hay đề tài nhất định, mà phong cách trong sáng tạo luôn là sự thay đổi. Sáng tạo dựa trên nội lực sẵn có và phát triển theo khí chất của người nghệ sĩ kết tập được theo dòng thời gian.

Trường phái là một dạng sáng tạo ra một tôn chỉ, một cách thức hay cách nhìn của người nghệ sĩ trong việc xây dựng tác phẩm cho mình, trường phái chính là sự sáng tạo mới lạ và duy nhất, không trùng lặp. Nhiều họa sĩ sáng tạo theo một trường phái từ đó sẽ tạo ra trào lưu và dĩ nhiên công đầu và sự duy nhất đầu tiên thuộc về người tiên phong tạo ra trường phái đó. Đến thời đương đại hôm nay thì mọi thứ đã bão hòa, tất cả đã giao thoa chung trong một thế giới phẳng, dĩ nhiên họa sĩ có thể vẽ theo một trường phái nào đó, hoặc là không, họ cũng có thể tổng hợp nhiều thứ để làm tác phẩm.

Một góc triển lãm "Nhạc khúc"

Tôi yêu thích và quý mến nhiều họa sĩ bậc thầy của thế giới, nhưng tôi nghĩ tôi không ảnh hưởng của ai cả vì tôi không có ý niệm về sự ảnh hưởng của một cá nhân nào. Tôi vẽ hoàn toàn tự nhiên theo cách nghĩ của mình, cho nên nếu có ảnh hưởng, thì đó cũng là một sự phát triển tiếp nối của vô thức tất yếu”.

Xem Nhạc khúc, nhớ câu nói của Thomas Carlyle (1795-1881): “If you look deep enough you will see music; the heart of nature being everywhere music”. (Nếu bạn nhìn đủ sâu, bạn sẽ thấy âm nhạc; trái tim thiên nhiên trở thành âm nhạc ở mọi nơi). Các bức tranh như diễn tả những trạng thái - tình huống nhạc mà Trần Thế Vĩnh cảm và phiêu, có khi là jazz, có khi là blues, có khi là một câu ca cổ, một ca từ mới, hoặc một điệu buồn của nhạc vàng…

Các bức tranh, thay vì bày tỏ hoặc kể chuyện, chỉ còn là các trạng thái, các hình dung. Nếu so với cổ nhạc đờn ca tài tử, thì bộ tranh này như đang chuyển từ 3 bài Nam (chủ đạo là trầm buồn, ai oán - tượng trưng cho mùa Thu) sang 4 bài oán (hiền hòa, non nước thanh bình - tượng trưng cho mùa Ðông). Trần Thế Vĩnh khi bước đến Nhạc khúc, tạm gọi là đã đi hết vòng tròn đầu tiên của chính mình, để chuẩn bị bước tiếp. Ở các vòng tròn tiếp, chắc có lẽ Trần Thế Vĩnh sẽ vừa tĩnh tại hơn, vừa buông lỏng hơn, vừa phiêu bồng hơn.

Nhạc khúc 18

Trần Thế Vĩnh thích ca hát, nếu không thi đậu đại học mỹ thuật, thì Vĩnh đã trở thành nhạc công. Trong bộ tranh Vọng (2020), vẽ 51 chân dung văn nghệ sĩ, Trần Thế Vĩnh vẽ nhiều nhất là các nhạc sĩ, ví dụ Phạm Duy, Văn Cao, Cung Tiến, Từ Công Phụng, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Trầm Tử Thiêng, Lê Uyên Phương, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Ánh 9, Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Y Vân, Phạm Đình Chương, Xuân Tiên, Trúc Phương…

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi viết: “Trần Thế Vĩnh sinh năm 1986, người làng Phúc Lộc, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Từ khi 3-4 tuổi đã đắm say hội họa, luôn cầm phấn sáp nguệch ngoạc khắp nơi. Cha Vĩnh là thợ vẽ trang trí, nên anh thừa hưởng truyền thống nghệ thuật của gia đình, say mê sắc màu, học hỏi theo cha, hầu như ngày nào cũng tập vẽ.

Lớn lên, theo tiếng gọi mỹ thuật nồng nàn, Vĩnh chọn hội họa tại Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế, thay vì theo khiếu ngôn ngữ, từng được giải tiếng Anh tại Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị. Tuổi trẻ và sức sáng tạo luôn tạo điều kiện cho Trần Thế Vĩnh dành thời gian quan sát và cảm nhận cuộc sống. Điều đó được thể hiện khá rõ ràng trong những tác phẩm của anh tại cuộc triển lãm cá nhân đầu tay năm 2012 tại phòng tranh Tự Do (Sài Gòn); và tiếp theo đó, tại À Gallery (Sài Gòn) năm 2016. Đời sống và thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng phong phú, nếu không nói là vô tận. Trần Thế Vĩnh cho biết các giác quan của anh như những cây thu sóng liên tục tiếp nhận tín hiệu ngoại giới, từ hình ảnh đến âm thanh, một cách có ý thức hoặc vô thức, để những bức họa của anh đến với khách thưởng ngoạn tự nhiên như món quà cuộc sống trao tặng.

Hỏi nghĩ gì về việc vẽ? Trần Thế Vĩnh trả lời: “Với tôi, vẽ tranh trước tiên là để thỏa mãn đam mê của chính mình, chỉ được vẽ là thích. Sau đó lớn dần lên theo trải nghiệm và học thuật, những suy tư trăn trở tìm kiếm chính mình trong hội họa, đó là hành trình tìm kiếm bản nguyên tự thân và hội họa chính là phương tiện để tôi làm điều đó. Và tôi nghĩ, tôi đến với hội họa như là sứ mệnh và đó là câu trả lời cho câu hỏi vì sao tôi vẽ.

Thường thì trong nghệ thuật người ta hay nói đến xấu-đẹp, hay-dở, cao-thấp, hơn -thua... nhưng với tôi nghệ thuật không như vậy, vì rốt ráo thì những điều ấy cũng không nằm ngoài nhị nguyên luận. Đối với tôi, nghệ thuật chỉ là sự duy nhất, là nhất nguyên luận, vì thế tôi vẫn đang đi theo con đường đó để tìm kiếm chính mình, chỉ khi tìm được chính mình, lúc đó chính là duy nhất.

Từ trừu tượng (2013) cho đến trừu tượng biểu hiện (2023)

Với tôi, nghệ thuật là liên đới giữa cá nhân nghệ sĩ và sự vận động của cuộc sống. Sự sáng tạo dựa trên niềm khát khao sống, cảm nhận và trải nghiệm, hạnh phúc cũng như đau khổ đều là những chất liệu để hình thành nên sự sáng tạo. Tôi yêu cuộc sống này và cố gắng hiểu sâu hơn về nó qua từng ngày, từng nhịp đập của thời gian để tìm kiếm cho mình những giá tri cuộc sống. Hoặc là những giá trị đó sẽ đến với tôi một cách tự nhiên, khi tôi chan hòa với nó và bao dung với tất cả. Nghệ thuật của tôi có thể nói là con đường để tìm kiếm bản ngã và từ đó tìm thấy chính mình”.

Thảo Nguyên (t/h)