Đây có lẽ là triển lãm cá nhân vô tiền khoáng hậu tại Việt Nam. Khi mà, vào lúc 18h ngày 11/3/2023, cũng tại May Artspace, Bùi Chát đã bày những tranh này với chủ đề “Tranh cùng khổ chín lăm mét ba treo thử nhờ góp ý”. Nhiều nhà báo, văn nghệ sĩ, công chúng đã tham dự và góp ý trực tiếp, gián tiếp với cuộc trưng bày này.
Ngay giờ khai cuộc, đại diện cơ quan chức năng TP.HCM đã đến May Artspace “góp ý” bằng cách lập biên bản ghi nhận sự việc, với lý do trưng bày không xin phép. Họ yêu cầu Bùi Chát khắc phục hậu quả bằng cách tạm dừng trưng bày và tiến hành thủ tục đăng ký triển lãm theo quy định.
Cơ quan chức năng TP.HCM cũng hướng dẫn các bước đăng ký triển lãm, Bùi Chát đã thực hiện theo trình tự. Đến ngày 15/3/202, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã cấp giấy phép. Nói việc này là vô tiền khoáng hậu, vì các bên đã hành xử văn minh, thiện chí, mà cái lợi cuối cùng là công chúng, sẽ được thưởng thức trọn vẹn các tác phẩm, nếu họ thấy thích và muốn xem.
Bùi Chát, họa sĩ tự dạy, theo đuổi hội họa tình huống (solverism) với quan điểm: “Hội họa tình huống không bắt đầu và kết thúc bằng các ý tưởng, mà chỉ bắt đầu và kết thúc bằng các tình huống và cách ứng biến/ứng xử tình huống. Đối tượng của hội hoạ tình huống không gì khác ngoài các tình huống hội họa. Các nghệ sĩ không mô tả, thể hiện, phản ánh, hoặc hướng đến đối tượng; mà chỉ có thể xử lý/ứng biến/ứng xử với đối tượng”
Ở triển lãm lần này, Bùi Chát muốn giới thiệu 32 bức tranh cùng khổ 95cm x 130cm. với tư duy việc vẽ theo khổ tranh (kích thước), chứ không tư duy theo ý tưởng, chủ đề, ngôn ngữ có trước.
Bùi Chát chia sẻ: “Nghệ sĩ thực hành hội họa tình huống không cảm thấy lo âu hoặc hoang mang khi chạy theo các tình huống hội họa. Mặc dù không thể biết mình đang đi đâu và sẽ đến đâu, các nghệ sĩ cảm thấy vui vẻ và khoái cảm vì điều đó, một cảm giác phiêu lưu thuần tuý”.
Sau Improvisation (7/2022), Những tình huống mới (12/2022) đây là triển lãm cá nhân lần thứ 3 của Bùi Chát. Anh cho biết mình còn vài bộ tranh vẽ trong năm 2020 và 2021, chưa từng công bố, đủ để làm 2-3 triển lãm cá nhân nữa và dự định sẽ trưng bày trong năm 2023.
Trong triển lãm Tranh cùng khổ lần này Bùi Chát nhấn mạnh: Hội họa Tình huống không bao giờ bận tâm việc vẽ cái gì hoặc vẽ như thế nào, Hội họa Tình huống chỉ giải quyết vấn đề: thế nào là vẽ?!
Về hội họa củ Bùi Chát, nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng nhận xét:
“Không giống nhiều nhà thơ, nhà văn và nhạc sĩ băng ngang vào hội họa, thường vẽ theo lối tượng trưng hay biểu hiện, Bùi Chát nghiêng hẳn theo hướng trừu tượng - đòi hỏi sự tinh tường và tinh tế trong dụng ngôn hội họa - và hầu hết tranh tôi đã xem đều thực sự là những tác phẩm đẹp với phong cách Lyrical abstraction rất riêng...”
Xem Tranh cùng khổ hôm treo thử, họa sĩ Hà Hùng đánh giá:
“Bùi Chát không biết vào nghề từ lúc nào, mà vẽ tới khúc này thì mình hoàn toàn tin tưởng bạn sẽ là họa sỹ nổi tiếng trong nay mai.”
MỘT SỐ NHẬN XÉT KHÁC:
Bùi Chát không vẽ. Đó là góc nhìn của Chát về lịch sử nghệ thuật và được phỏng tả bằng màu, bằng cái tứ của một nhà thơ. Rất thú vị! Đầy nội lực!
Họa sĩ Lê Quốc Thành
Trừu tượng của Bùi Chát, bằng thứ “ngôn ngữ tự trị” thuần khiết của hình và màu, thực sự là một thứ hiện thực tâm cảnh. Mỗi bức tranh đều bộc lộ một trạng thái tinh thần, biểu hiện cho một sự thật nào đó trong góc khuất tâm hồn…
Rất khó dùng chữ nghĩa để diễn tả những cái “hiện thực,” “trạng thái,” và “sự thật” này. Nhưng chúng tồn tại trong tranh, như một thứ năng lượng, gây nên những xáo động trong tâm tư người đối diện…
Trước tranh Bùi Chát, mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau. Và ở mỗi người, từng lúc, cũng có thể có cảm nhận khác. Nhưng điều quan trọng, theo tôi, nó có nguyên cớ từ chính tác phẩm.
Nguyên Hưng – Nhà phê bình mỹ thuật
Hội họa của Bùi Chát quả thực đặt người xem trước một sự xóa bỏ ý tưởng. Gần như không thể nhìn thấy những ý tưởng cố định có thể được gợi ý từ các bức tranh. Và người ta cũng không thấy quá trình chuẩn bị cho mỗi tác phẩm. Màu dường như được quẹt lên vải theo một cách thức như thế, tự phát, tại thời điểm vẽ. Điều này có thể khiến cho những người đam mê các ý tưởng sâu sắc cảm thấy hụt hẫng khi đứng trước tranh. Bố cục cũng bị xóa bỏ. Những người yêu thích bố cục cũng có thể sẽ tuột mút vì sự nhập nhằng của đường nét và các khối màu, không theo một cấu trúc tạo nghĩa nào. Điểm nhấn chính của tác giả là trải nghiệm tự do cả trong công việc sáng tạo lẫn trong hoạt động thưởng thức tác phẩm.
Nguyễn Thị Từ Huy – Tiến sĩ văn học, tiến sĩ triết học chính trị
Nói một cách khác, Bùi Chát bằng con đường riêng độc đáo của mình, đã vượt ra khỏi điều mà các nhà phê bình tranh nước ngoài như Nora Taylor gọi là "sự chật chội của các xưởng hoạ Việt Nam", mà giữ chỗ, dù thứ hạng chắc vẫn còn khiêm tốn, trong bản đồ tranh Đông Nam Á.
Lê Thanh Hải – Tiến sĩ, Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan
Bước chân vô thế giới màu sắc của Họa sĩ Bùi Chát, thấy được kích hoạt hẳn với cảm giác ngồn ngộn những tầng lớp. Và những tảng màu mạnh. Không dễ thấm hết một ngày một buổi, một phần. Nó là đa diện, đa chiều, có có, không không. Xong với người này, mở ở người kia. Nó có cách len lỏi vào những phần tâm thức dễ bị người ta giấu kín một cách vô thức.
… Họa sĩ chơi với vô thức và sự trống không của chính mình. Không dễ làm rỗng cái ngã chỉ để cảm nhận các tình huống, vừa nắm bắt vừa tái hiện. Nhưng một khi đã lách được vào dòng chảy vượt ra ngoài sự kềm tỏa của ý thức, bản ngã, thì đó không chỉ là trải nghiệm hội họa mà còn có thể được xem như trải nghiệm tâm linh với riêng người nghệ sĩ trong từng khoảnh khắc của sự tồn tại. Nó không nhất thiết phải chuyên chở ý nghĩa nào cả. Ở đây, thông qua màu sắc, bố cục và các tình huống hội họa, người nghệ sĩ đã có chuyến du ngoạn có một không hai, với từng tác phẩm. Vì hiện tại sẽ không dừng lại, cũng như các tình huống sẽ không lặp lại.
Hải Yến - nhà báo
Với hội họa Bùi Chát đã bắt đầu một con đường mới mà chàng đã nghiền ngẫm về nó đủ lâu trước khi cất bước đi đầu tiên.
Nguyễn Thị Hậu – Tiến sĩ Khảo cổ học
Với Bùi Chát, dường như vẽ là dứt khoát, toàn tâm, toàn trí cho việc tạo ra tác phẩm. Và vẽ chỉ là bước đi phải đến của việc anh đã ngắm nghía, nghiền ngẫm, hình dung hoá đủ lâu thế giới tâm cảnh mà mình muốn hiển lộ trên toan, bằng ngôn ngữ thuần tuý hội hoạ.
Lê Văn Đồng – nhà thơ