KINH TẾ Tài chính

TTC Land, Đất Xanh Miền Nam...bị "bêu tên" vì trễ hẹn trả nợ trái phiếu

Admin

Theo danh sách của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến ngày 21/2, có tổng cộng 54 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

54 doanh nghiệp bị bêu tên

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa ra thông báo danh sách các tổ chức phát hành công bố thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu từ ngày 16/9/2022 - 31/1 có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Trong danh sách này có tổng cộng 54 doanh nghiệp, trong đó, số lượng doanh nghiệp bất động sản - xây dựng là 34 doanh nghiệp, chiếm gần 63%.

Đặc biệt rất nhiều doanh nghiệp trong số này kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản như Hải Phát, Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Nam Lan, Đầu tư LGD, Danh Khôi, Gotec Land, Bất động sản Hà An, Apec Land Huế, Đất xanh miền Nam, Nam Land, Sunny World, Gotec Land, Quốc tế Sơn Hà.

Danh sách 54 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu. (Nguồn: HNX)

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành năng lượng cũng chiếm con số tương đối trong danh sách bao gồm: CTCP Năng lượng Tái tạo Đại Dương, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, CTCP BCG Energy (công ty con của Bamboo Capital),…

Về ngành giáo dục, CTCP Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS, cũng nằm trong danh sách này.

Về ngành nông nghiệp có “vua gạo” CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, HoSE: AGM), Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai.

Tháng 2, danh sách chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu tiếp tục ghi danh thêm hàng loại doanh nghiệp khác như CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Becamex TDC), Công ty TNHH Bất động sản Gia Phú, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nice Star, CTCP Fuji Nutri Food (FNF), CTCP Lavida Invest, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina2, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Seaside Homes,...

Tình trạng sẽ vẫn còn tiếp diễn

Trong báo cáo mới đây của Chứng khoán VNDirect, đơn vị này cho biết quý I/2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn ước tính giảm 40,3% so với quý IV/2022, đạt 30.655 tỷ đồng (tăng 246,7% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý II và quý III/2023 với giá trị lần lượt là 93.139 tỷ đồng (tăng 203,8% so với quý trước và tăng 169% so với cùng kỳ) và 89.488 tỷ đồng (tăng 49,9% so với cùng kỳ), tổng cộng là 182.627 tỷ đồng.

Sau giai đoạn thách thức này, giá trị đáo hạn trong quý IV/2023 sẽ hạ nhiệt, chỉ còn tăng 33,4% so với quý trước, về còn 59.571 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ).

Trong cả năm 2023, ước tính giá trị đáo hạn của trái phiếu doanh nghiệp là 272.853 tỷ đồng, tăng 76,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu xét theo nhóm ngành, năm 2023, trái phiếu đáo hạn nhóm bất động sản chiếm 37,6%, nhóm tài chính – ngân hàng chiếm 37% và còn lại 25,5% thuộc về các nhóm khác.

Cụ thể, nhóm bất động sản có tỷ trọng đáo hạn cao nhất, ước tính khoảng 102.570 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ; nhóm tài chính – ngân hàng với giá trị đáo hạn khoảng 100.824 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ; và còn lại các nhóm khác khoảng 69.459 tỷ đồng, tăng 122,4% so với cùng kỳ năm trước.

Các đơn vị đáo hạn trái phiếu lớn đáng chú ý như CTCP Đầu tư Xây dựng Tường Khải giá trị 2.990 tỷ đồng; CTCP Saigon Glory 7.000 tỷ đồng; Công ty TNHH Phát triển BĐS An Khang 4.960 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nhận định, tình trạng chậm trả nợ gốc và lãi trái phiếu của doanh nghiệp sẽ tiếp diễn, bởi khối lượng trái phiếu đáo hạn trong năm nay là rất lớn. Dù nhiều doanh nghiệp nỗ lực bán tài sản để thanh toán nợ cho trái chủ, song với tình hình thị trường bất động sản hiện nay, việc bán tài sản cũng không dễ.

Một số doanh nghiệp đàm phán với các trái chủ để gia hạn, nhưng phương án này gặp khó khăn bởi trái chủ là số đông, đòi hỏi phải có sự đồng thuận. Ngoài ra, không có cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc đồng thuận của số đông áp dụng cho tất cả.

Phương án thứ ba mà các doanh nghiệp thực hiện là đề nghị trái chủ chuyển đổi từ trái phiếu sang bất động sản.

“Kỳ vọng lớn nhất để giải cứu vẫn đến từ tín dụng ngân hàng”, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright nêu quan điểm.