KINH TẾ Tài chính TIN TỨC

Việt Nam đầu tư ra nước ngoài: Con số và điểm nhấn

Admin

Trong thế giới hiện đại, bên cạnh việc tiếp nhận vốn đầu tư từ bên ngoài (FDI) thì đầu tư ra nước ngoài (OFDI) thể hiện trình độ phát triển của mỗi quốc gia.

Trong quá khứ, đã tồn tại quan điểm cho rằng các nước kém phát triển là nơi tiếp nhận vốn FDI còn các nước phát triển là nguồn cung cấp vốn FDI. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thế giới đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về đầu tư ra nước ngoài của các nước đang phát triển với mục đích mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý hiện đại. Nhiều nước đang phát triển như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Nam Phi… đã rất thành công trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Nhiều năm qua, cùng với việc đẩy mạnh thu hút FDI, Việt Nam cũng đã cho phép các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, khai thác tài sản chiến lược, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và công nghệ tiên tiến của nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và doanh nghiệp. Doanh nghiệp chủ động đầu tư ra nước ngoài cũng là cách Việt Nam hội nhập sâu rộng, hiệu quả vào nền kinh tế thế giới.

Quy mô OFDI của Việt Nam theo giai đoạn

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế từ năm 1999 đến hết năm 2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký đầu tư ra nước ngoài 21,7 tỷ USD với 1.604 dự án còn hiệu lực. Trong đó, có 139 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước với tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài gần 11,6 tỷ USD, chiếm 53,3% tổng vốn OFDI của Việt Nam.

Giai đoạn 1999 - 2004, hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài bắt đầu khởi động. Nghị định số 22/1999/NĐ-CP được ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp triển khai dự án OFDI. Có 42 dự án OFDI được cấp giấy phép trong giai đoạn này đang còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký (kể cả điều chỉnh tăng vốn) đạt 1,34 tỷ USD, chiếm gần 6,2% tổng vốn OFDI của Việt Nam (lũy kế đến hết năm 2022).

Giai đoạn 2005 - 2010 là giai đoạn bùng nổ đầu tư ra nước ngoài, sau khi Luật Đầu tư 2005 được thông qua và Nghị định số 78/2006/NĐ-CP quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam được ban hành. Trong giai đoạn này có 341 dự án đang còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 10,1 tỷ USD, chiếm 46,5% tổng vốn OFDI của Việt Nam.

Giai đoạn 2010-2016, OFDI tiếp tục duy trì ở mức cao, với 512 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký tính tới hết năm 2022 đạt hơn 7,5 tỷ USD, chiếm 34,7% tổng vốn OFDI của Việt Nam.

Giai đoạn từ 2017-2022, đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam có xu hướng suy giảm, mặc dù số dự án OFDI tăng cao so với giai đoạn trước, số vốn đăng ký chỉ đạt 2,73 tỷ USD, chiếm 12,6 % tổng vốn OFDI của Việt Nam.

Top 10 quốc gia nhận vốn đầu tư của Việt Nam

Xét theo địa bàn đầu tư, đến hết năm 2022, đã có 79 quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận OFDI của Việt Nam. Trong đó, 5 quốc gia dẫn đầu là Lào, Campuchia, Venezuela, Nga và Myanmar đã thu hút tới 61% tổng vốn OFDI của Việt Nam. Lào là nước dẫn đầu về thu hút OFDI của Việt Nam, với 238 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 5,43 tỷ USD; tiếp theo là Campuchia, với 206 dự án còn hiệu lực có tổng vốn đăng ký gần 2,95 tỷ USD; Venezuela – 2 dự án có tổng vốn đăng ký 1,82 tỷ USD; Liên bang Nga – 16 dự án có tổng vốn đăng ký 1,63 tỷ USD và Myanmar – 109 dự án có tổng vốn đăng ký 1,47 tỷ USD.

Cơ cấu vốn đăng ký và cơ cấu dự án OFDI theo ngành

Xét về cơ cấu dự án OFDI, ngành bán buôn bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 28,4% số dự án OFDI của Việt Nam, tiếp theo là ngành công nghiệp chế biến chế tạo (10,8% số dự án), ngành thông tin và truyền thông (10,7% số dự án) và các ngành: nông-lâm nghiệp và thủy sản, hoạt động chuyên môn khoa học kỹ thuật, khai khoáng, kinh doanh bất động sản.

Quy mô vốn đầu tư bình quân mỗi dự án theo lĩnh vực

Xét về quy mô dự án, vốn bình quân mỗi dự án OFDI của Việt Nam đầu tư sang Myanmar đạt gần 13,5 triệu USD (chỉ tính riêng phần vốn góp của bên Việt Nam). Các dự án đầu tư lớn tập trung vào lĩnh vực thông tin và truyền thông, khai khoáng, kinh doanh bất động sản và hoạt động tài chính ngân hàng. Các lĩnh vực có quy mô dự án đầu tư nhỏ gồm có: hoạt động chuyên môn khoa học kỹ thuật, vận tải kho bãi, giáo dục đào tạo, xây dựng.