Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 9 tháng qua đạt hơn 18,7 tỷ USD.
Tuy mức vốn đăng ký này giảm so với cùng kỳ năm 2021, nhưng vốn tăng thêm từ những dự án đang hoạt động và vốn góp, mua cổ phần của các nhà dầu tư nước ngoài lại tiếp tục tăng.
Một điểm sáng nữa là số vốn được giải ngân trong 9 tháng qua đạt trên 15 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ, đây là con số cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Trong số vốn này, có đến 65% vào ngành công nghiệp điện tử, công nghệ cao. Đặc biệt, từ cuối năm 2021, cuộc khủng hoảng về chip điện tử trên toàn thế giới xảy ra đã làm gia tăng nguồn vốn FDI vào Việt Nam để sản xuất chip và các linh kiện chế tạo chip.
Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng cao đã tạo ra sức tăng trưởng cho nền kinh tế và nâng cao năng lực sản xuất. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Gắn kết FDI với doanh nghiệp trong nước
Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng cao đã tạo ra sức tăng trưởng cho nền kinh tế và nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các chuỗi sản xuất, phân phối toàn cầu. Quan trọng hơn, dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao còn đúng với mục tiêu của Việt Nam được nêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.
25 năm có mặt tại Việt Nam, đến nay Tập đoàn Zamil Steel đã có nhà máy ở cả 2 miền Nam - Bắc, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng trăm nghìn tấn thép tiền chế. Kinh doanh thuận lợi nên doanh nghiệp vừa quyết định đầu tư sâu hơn vào sản xuất tại Việt Nam .
"Chúng tôi sẽ đầu tư vào Việt Nam nhiều máy móc hiện đại hơn để đáp ứng các yêu cầu của dự án. Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan đã và đang hỗ trợ chúng tôi rất tích cực trong hành trình này. Chúng tôi sẽ phát triển Việt Nam thành cơ sở sản xuất chính, từ đó xuất khẩu ra thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương", ông Nawaf Al Zamil, Chủ tịch Tập đoàn Zamil Steel, cho biết.
Một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư gia tăng giải ngân vốn FDI thời gian qua là môi trường đầu tư Việt Nam rất an toàn và ổn định trong biến động chung của toàn cầu.
"Việt Nam không nên nhìn vào con số thu hút đầu tư mới, mà nên nhìn vào con số giải ngân đang ở mức cao và có lẽ năm nay sẽ đạt mức kỉ lục. Tôi tin rằng những doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang lạc quan hơn rất nhiều so với trước khi có dịch COVID-19. Việt Nam đã rất linh hoạt và chủ động trong việc vừa nỗ lực đẩy lùi COVID-19, vừa hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp nên sự cam kết của các nhà đầu tư thể hiện không chỉ bằng lời nói mà đã bằng những đồng vốn thực tế đưa vào Việt Nam nhiều hơn", ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm), đánh giá.
Dòng tiền FDI thực tế đưa vào sản xuất kinh doanh đã tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi sau dịch, đồng thời cũng là cơ hội để doanh nghiệp trong nước gắn kết chặt chẽ hơn với chuỗi sản xuất lớn toàn cầu.
Việt Nam thu hút FDI xanh và bền vững
Các báo cáo cập nhật kinh tế toàn cầu gần đây đều đánh giá cao chất lượng của dòng vốn FDI vào Việt Nam đã có sự thay đổi tích cực về chất lượng, bởi các dự án này phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững của Việt Nam.
Nhu cầu đầu tư nhà xưởng sử dụng năng lượng bền vững ngày càng tăng đã giúp Công ty Phát triển năng lượng Trina Solar liên tục tăng công suất cao hơn gấp rưỡi so với bình thường, nhằm đảm bảo sản xuất hơn 3 vạn tấm pin năng lượng mặt trời mỗi tháng.
"Kế hoạch của chúng tôi là mở rộng xưởng 3 bên cạnh xưởng pin và đối với những công ty vender thì phía chúng tôi rất mong muốn có những công ty có thể đáp ứng đủ chất lượng sản phẩm, giá thành và có thể phân phối được số lượng chúng tôi yêu cầu", ông Diêu Chúc Huy, Giám đốc Quản lý chất lượng, Công ty Phát triển năng lượng Trina Solar, cho hay.
Với chính sách khuyến khích tăng trưởng bền vững, Việt Nam đang đứng trước cơ hội đi trước nhiều quốc gia khác trong khu vực để đón nhận các dòng vốn chất lượng cao. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ cuối năm 2021, đã có sự dịch chuyển về chất lượng của các dự án, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam, như nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego, nhà máy sử dụng 100% năng lượng tái tạo của tập đoàn Pandora.
"Đối với nguồn điện gió và điện mặt trời, con số này thể hiện sự gia tăng đáng kể từ khoảng 10% tổng công suất phát hiện nay lên đến 30% vào năm 2030. Chúng tôi mong muốn được tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam", ông Sushil Purohit, Chủ tịch Mảng năng lượng, Tập đoàn Wartsila, cho hay.
"Chúng tôi nhận thấy có một làn sóng từ châu Âu sang Việt Nam lớn hơn rất nhiều, từ nay cho đến cuối năm sẽ có một làn sóng các doanh nghiệp và các nhà đầu tư tiềm năng sang tìm hiểu Việt Nam, đặc biệt là vào lĩnh vực xanh, công nghệ xanh", ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, thông tin.
Theo các nhà đầu tư nước ngoài, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, nên dòng vốn FDI mới theo hướng "xanh", phục vụ phát triển bền vững hướng mạnh vào Việt Nam đi kèm với sự đầu tư về chất lượng nhân lực, khoa học công nghệ và hệ sinh thái ngành.
"Bất chấp sự sụt giảm toàn cầu về vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư vào Việt Nam vẫn được duy trì rất tốt, cao hàng đầu ở Đông Nam Á và cả ở châu Á nói chung. Điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn của Việt Nam. Tôi tin rằng, Việt Nam tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài", bà Yun Liu, Chuyên gia Kinh tế phụ trách các thị trường ASEAN, Ngân hàng HSBC, nhận định.
Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang thực hiện một chương trình xúc tiến đầu tư, dự kiến sẽ đưa khoảng 300 doanh nghiệp châu Âu trong các lĩnh vực kinh tế xanh đến Việt Nam để tìm hiểu đầu tư. Với chính sách khuyến khích tăng trưởng bền vững, Việt Nam đang đứng trước cơ hội đi trước nhiều quốc gia khác trong khu vực để đón nhận các dòng vốn chất lượng cao.