Bắc Ninh: Hỗ trợ kinh phí các cơ sở sản xuất trong làng nghề chấm dứt hoạt động để bảo vệ môi trường

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa tổ chức phiên họp tháng 1/2025. Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Dự phiên họp có đồng chí Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thành viên UBND tỉnh và các Sở, ban, ngành, địa phương.

Toàn cảnh phiên họp.Toàn cảnh phiên họp.

Phiên họp tập trung thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cơ sở, hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất tại phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh), xã Văn Môn (huyện Yên Phong) và xã Phú Lâm (huyện Tiên Du), tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030.

Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn phát biểu chỉ đạo phiên họp.Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn phát biểu chỉ đạo phiên họp.

Theo đó, đối tượng áp dụng là các cơ quan Nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến các đối tượng hưởng hỗ trợ theo quy định; các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang hoạt động trước ngày Nghị quyết có hiệu lực và thuộc diện di dời theo quyết định của UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là cơ sở di dời); các cơ sở đang sử dụng đất ở, đất công nghiệp hoặc thuê lại đất, nhà xưởng để hoạt động (trừ trường hợp lấn chiếm); bao gồm cả cơ sở đã di dời theo Đề án bảo vệ môi trường đã thực hiện di dời trước thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành.

Về nội dung hỗ trợ, các cơ sở sản xuất giấy tại khu dân cư và các Cụm công nghiệp tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh và xã Phú Lâm, huyện Tiên Du; các cơ sở tái chế kim loại tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong tự nguyện di dời vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc chuyển đổi nghề nghiệp sẽ được hỗ trợ chi phí di dời và lãi suất vay vốn ngân hàng.

Khẳng định đây là 3 làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng phải xử lý triệt để, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh việc ban hành Nghị quyết hỗ trợ thể hiện sự quan tâm, đồng hành và động viên kịp thời của tỉnh đối với các các cơ sở trong làng nghề chấm dứt hoạt động để bảo vệ môi trường, đồng thời thể hiện sự cam kết của lãnh đạo tỉnh trước cử tri và nhân dân, nhằm tạo sự đột phá trong việc xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND huyện Yên Phong Nguyễn Văn Hoàn phát biểu tại hội nghị.Chủ tịch UBND huyện Yên Phong Nguyễn Văn Hoàn phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tiếp thu, chỉnh sửa về tên Nghị quyết, phạm vi, đối tượng áp dụng; điều chỉnh mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/cơ sở đối với các cơ sở chấm dứt hoạt động trong khu dân cư tại xã Văn Môn; tối đa không quá 300 triệu đồng/cơ sở đối với các cơ sở chấm dứt hoạt động trong Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn và các cơ sở chấm dứt hoạt động trong khu dân cư và Cụm công nghiệp Phú Lâm, Phong Khê; các cơ sở sản xuất đang tồn tại vi phạm về nguồn gốc sử dụng đất hoặc lấn chiếm đất, không chấp hành các quy định xử phạt hành chính thì không được hỗ trợ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tư pháp hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình HĐND tỉnh xem xét thông qua, bảo đảm khi ban hành có tính pháp lý, chặt chẽ, khả thi, đúng quy định của Luật Ngân sách và tạo sự đồng thuận của người dân ở các làng nghề.

Phiên họp cũng thống nhất thông qua nội dung dự thảo Quy định về trình tự, thủ tục thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Nội dung dự thảo quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không đấu nối với hệ thống điện quốc gia; có đấu nối với hệ thống điện quốc gia có công suất dưới 100 kW; có đấu nối với hệ thống điện quốc gia có công suất từ 100 kW đến dưới 1.000 kW; trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất lắp đặt từ 1.000kW trở lên…

Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh Quy định khi triển khai cần bảo đảm nguyên tắc phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế và công tác quản lý Nhà nước về đầu tư, xây dựng, phòng cháy và chữa cháy, môi trường, điện lực trên địa bàn tỉnh. Đồng thời bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các đối tượng; tiếp nhận, phản hồi ý kiến của các cơ quan, đơn vị trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, không làm phát sinh thủ tục hành chính.

Làng nghề tái chế kim loại thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên PhongLàng nghề tái chế kim loại thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong chìm trong khói bụi, ô nhiễm môi trường trước khi các cơ sở sản xuất dừng hoạt động

Chủ tịch UBND tỉnh cũng thống nhất với nội dung tờ trình công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, toàn tỉnh có 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu gồm: xã Phật Tích (huyện Tiên Du) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu lĩnh vực Văn hóa; xã Đình Tổ (thị xã Thuận Thành) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu lĩnh vực Cảnh quan môi trường; 18 xã đạt chuẩn NTM nâng cao gồm: Đại Lai, Xuân Lai, Cao Đức, Bình Dương (huyện Gia Bình); xã Cảnh Hưng (huyện Tiên Du); Yên Trung, Thụy Hòa, Đông Phong, Long Châu (huyện Yên Phong); Mão Điền, Hoài Thượng, Đại Đồng Thành, Nghĩa Đạo, Ngũ Thái, Nguyệt Đức (thị xã Thuận Thành); Mộ Đạo, Yên Giả, Châu Phong (huyện Yên Phong).

Phiên họp cũng xem xét, cho ý kiến vào các nội dung: Quy định về mức cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay đối với các đối tượng vay vốn do HĐND tỉnh quy định mở rộng; Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 (lần 8); điều chuyển chỉ tiêu biên chế công chức năm 2025; báo cáo thẩm định đồ án quy hoạch tổng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng trung tâm du lịch, thương mại và dịch vụ tổng hợp tại phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh; nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Lương Tài, Gia Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050…

Bá Đoàn (t/h)