Bán lẻ truyền thống đang ở thời điểm 'sinh tử'

Kỳ Văn
Sự thay đổi dài hạn trong thói quen người tiêu dùng, áp lực cạnh tranh từ các cửa hàng tiện lợi, tác động của dịch Covid-19... dường như đang buộc các cửa hàng bán lẻ truyền thống ở Việt Nam phải đổi mới kênh phân phối nếu không muốn... “tự diệt”.

Trong tháng 3 này, quan sát trên con đường Đồng Khởi (một trong những tuyến phố có giá cho thuê mặt bằng cao bậc nhất ở quận 1, Tp.HCM) sẽ thấy đã hơn một năm kể từ khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của các tiểu thương bán lẻ truyền thống ở đây vẫn còn khá ế ẩm, thiếu vắng người mua “chủ lực” là các du khách quốc tế.

Áp lực từ cửa hàng tiện lợi

Do buôn bán kém hiệu quả nên những nhà phố mặt tiền ở đây với chuỗi cửa hàng thời trang, kinh doanh xa xỉ phẩm đã lần lượt đóng cửa, trả mặt bằng, tìm mối cho thuê lại vì rất khó hoạt động tại đây khi dịch bệnh chưa hoàn toàn chấp dứt.

Ba-n-le-4934-1615423343.jpg

Các kênhbán lẻ truyền thống có tiềm năng đổi mới kênh phân phối để cạnh tranh tốt hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng khó khăn của các cửa hàng bán lẻ truyền thống ở đường Đồng Khởi không chỉ do dịch Covid-19. Trên thực tế, họ còn phải “vật lộn” với những thay đổi trong thói quen mua sắm mới của người tiêu dùng (kể cả các du khách quốc tế) ở kênh bán lẻ hiện đại.

Không chỉ với tuyến phố này, hoạt động bán lẻ truyền thống ở các con đường “đắt đỏ” khác của Tp.HCM cũng rơi vào cảnh tương tự khi mà áp lực chi phí mặt bằng, cộng với lượng khách mua sụt giảm khiến cho nhiều chủ cửa hàng phải đóng cửa.

Ngoài tác động của dịch Covid-19, giới phân tích cho rằng kênh bán lẻ truyền thống trong năm nay tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh từ sự bùng nổ của kênh bán lẻ hiện đại và hệ thống cửa hàng tiện lợi của doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong và ngoài nước.

Điển hình như khối ngoại có chuỗi cửa hàng tiện lợi như Circle K, 7-Eleven, Ministop, Family Mart, B’s Mart...Còn khối nội thì có Vinmart++, Bách Hóa Xanh, MT Mart, Hapro, Co.op Smile, Satrafoods… Nhất là với cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam, theo dự kiến trong năm nay tỷ lệ tăng trưởng sẽ nằm trong top đầu châu Á, đạt 37,4%.

Theo nhận định của công ty chứng khoán VCBS, nếu như giai đoạn trước đây, mô hình cửa hàng bách hóa truyền thống (GT) gần như chiếm lĩnh thị trường với tốc độ tăng trưởng hai chữ số thì kể từ năm 2017, mô hình bán lẻ hiện đại dưới hình thức các cửa hàng tiện lợi và siêu thị đã tăng trưởng mạnh trong khi đó kênh GT giảm tốc với tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm duy trì ở mức 5%/năm.

Và trước sức ép cạnh tranh và tốc độ bùng nổ mạnh của kênh bán lẻ hiện đại thì kênh bán lẻ truyền thống đang bị thu hẹp về quy mô lẫn doanh thu.

Trong báo cáo phân tích mới đây của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me cũng có lưu ý về sự gia tăng nhanh chóng về số lượng siêu thị mini nhằm mục đích thay đổi hành vi mua hàng tạp hóa của người tiêu dùng thông qua việc mở rộng cửa hàng nhanh chóng.

Không thể ngồi chờ ngày tàn

Điển hình như Bách Hoá Xanh đã tăng số lượng cửa hàng lên gấp 4 lần chỉ trong 24 tháng. Tuy vậy, theo Q&Me, người Việt Nam vẫn quen với việc mua hàng tạp hóa tại chợ địa phương vì Việt Nam vẫn còn hơn 8.500 chợ truyền thống.

Theo đó, phân phối sản phẩm tiêu dùng ở Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào kênh bán lẻ truyền thống. Các cửa hàng truyền thống vẫn là kênh bán hàng phổ biến cho nhiều người tiêu dùng đối với các nhu yếu phẩm, sản phẩm tiêu dùng nhanh...

Cho rằng thị trường bán lẻ truyền thống Việt Nam vẫn là “mảnh đất” mang lại nguồn doanh thu chủ lực khổng lồ hàng năm, tuy nhiên, giới phân tích nhấn mạnh nếu kênh kinh doanh này không tìm ra lối đi mới thì có thể dẫn đến nguy cơ “tự diệt”.

Theo đó, để tìm ra lối đi mới thì đòi hỏi kênh phân phối ở các cửa hàng truyền thống phải sớm được đổi mới. Như nhận định của Q&Me thì việc đổi mới này là có tiềm năng.

Đặc biệt là chuyển đổi số thời gian gần đây cũng đã xuất hiện tại các cửa hàng truyền thống (tiệm tạp hóa) thông qua việc đặt hàng.

“Tiệm tạp hóa đóng vai trò chính trong việc bán hàng tiêu dùng, nhân viên kinh doanh và nhà phân phối sẽ đến cửa hàng để kiểm tra tồn kho và đặt hàng hoặc chủ tiệm sẽ gọi điện thoại, tuy nhiên điều này có thể thay đổi trong tương lai”, Q&Me nhận định.

Đơn cử như tập đoàn VinGroup cho ra đời ứng dụng VinShop để đơn giản hóa quy trình này, bằng cách cung cấp cho các tiệm tạp hoá phương thức đặt hàng đơn giản tiện lợi, các chương trình khuyến mãi và dịch vụ giao hàng cho chủ cửa hàng bán lẻ truyền thống.

Còn công ty Telio Việt Nam thời gian vừa qua là nhà cung cấp dịch vụ nhắm đến thị trường B2B2C - mô hình kinh doanh có sự hợp tác giữa hai DN (B2B) để tạo ra và cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến tay người tiêu dùng cuối (B2C).

Dịch vụ này được nhiều chủ tiệm tạp hóa ở Tp.HCM sử dụng do các chương trình khuyến mãi và dịch vụ giao hàng. Tuy nhiên, nhiều chủ tiệm tạp hóa vẫn quen với phương thức đặt hàng cũ.

Với B2B2C (đòi hỏi sự quyết liệt trong việc tích hợp các quy trình kinh doanh, liên thông dữ liệu người dùng) thì các chủ cửa hàng bán lẻ truyền thống sẽ có cơ hội hiểu hơn về khách hàng – những người trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Và thông qua hiểu biết sâu sắc về nguồn “cầu” từ B2B2C, các nhà bán lẻ truyền thống sẽ có các biện pháp cải thiện nguồn “cung” nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu dùng. Từ đó, việc cạnh tranh của họ với bán lẻ hiện đại sẽ tốt lên.