Cân đối gần 500 nghìn tỷ đồng nâng cấp đường cao tốc, liệu có khả thi?

Kinh tế và Đời sống
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, trường hợp cân đối đủ nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp ngay các tuyến cao tốc phân kỳ đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả khai thác và năng lực thông hành...
Kịch bản mới

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Tờ trình số 3790/BGTVT-CĐCTVN gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ đạt quy mô hoàn chỉnh.

Trước đó, tại Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 21/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã được đầu tư phân kỳ đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế, nhu cầu vận tải.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu tập trung đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe; đồng thời, rà soát bổ sung đầy đủ, đồng bộ các công trình hạ tầng trên tuyến (như hệ thống giao thông thông minh, trạm dừng nghỉ...); báo cáo Thủ tướng trong tháng 3/2024.

Mặc dù không hoàn thành được theo đúng tiến độ chỉ đạo của Thủ tướng, nhưng Bộ GTVT đã thể hiện sự cố gắng lớn, bởi đây là công việc khá phức tạp, liên quan đến nhiều địa phương, chủ đầu tư/nhà đầu tư các tuyến cao tốc đã và đang triển khai trên khắp cả nước.

Tính đến tháng 4/2024, cả nước có 748 km cao tốc đang khai thác được phân kỳ đầu tư với quy mô 2 - 4 làn xe; 1.666 km cao tốc đang xây dựng được phân kỳ đầu tư với quy mô 2 - 4 làn xe; 404 km cao tốc đang chuẩn bị đầu tư thực hiện phân kỳ đầu tư với quy mô 2 - 4 làn xe. Trong đó, nhiều đoạn tuyến cao tốc 4 làn xe, nhưng làn dừng khẩn cấp bố trí không liên tục, nên hạn chế năng lực thông hành và an toàn giao thông.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, trường hợp cân đối đủ nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp ngay các tuyến cao tốc phân kỳ đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả khai thác và năng lực thông hành. Trong đó, cần tới 76.520 tỷ đồng ngân sách nhà nước để nâng cấp cao tốc phân kỳ 2 làn xe; 410.572 tỷ đồng ngân sách nhà nước để nâng cấp cao tốc phân kỳ 4 làn xe hạn chế và khoảng 7.500 tỷ đồng ngân sách nhà nước để nâng cấp cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (đang khai thác 4 làn xe hoàn chỉnh) lên quy mô 6 làn xe.

Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vốn nhà nước còn khó khăn, việc cân đối ngay 494.592 tỷ đồng ngân sách nhà nước để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc phân kỳ trong giai đoạn hiện nay là khó khả thi, ảnh hưởng tới mục tiêu hoàn thành 5.000 km theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Lần lượt “gỡ khó”

Để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, tại Tờ trình số 3790/BGTVT-CĐCTVN, Bộ GTVT đề xuất một số nguyên tắc, tiêu chí xác định thứ tự ưu tiên đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc phân kỳ.

Cụ thể, đối với cao tốc đã phân kỳ 2 làn xe, nguyên tắc chung là khi nâng cấp phải đạt quy mô tối thiểu 4 làn xe hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; đối với cao tốc đã phân kỳ 4 làn xe, khi nâng cấp phải đạt quy mô theo quy mô quy hoạch được phê duyệt.

Về đối tượng được lựa chọn đầu tư, thứ tự ưu tiên được Bộ GTVT đề xuất gồm: các đoạn tuyến trên trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đặc biệt là một số đoạn nhu cầu vận tải có xu hướng tăng nhanh; các tuyến đường cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ 2 làn xe nhu cầu vận tải có xu hướng tăng nhanh; một số đoạn tuyến cần đầu tư nâng cấp để khai thác đồng bộ với các đoạn liền kề đã mở rộng; các tuyến đường cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ (2 làn xe hoặc hoặc 4 làn xe hạn chế) có nhu cầu vận tải chưa quá lớn.

Về thủ tục đầu tư, thứ tự ưu tiên lần lượt là các dự án đã xác định khả năng cân đối vốn (một phần hoặc toàn bộ), bao gồm các dự án PPP; các tuyến cao tốc đã thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh; các dự án có thủ tục đầu tư thuận lợi, không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch giải ngân, hoàn thành công trình theo tiến độ yêu cầu.

Căn cứ các tiêu chí nói trên, Bộ GTVT chia các tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư theo 4 nhóm, trong đó nhóm ưu tiên số 1 gồm 4 đoạn cao tốc đang có quy mô 2 làn xe, 1 đoạn tuyến có quy mô 4 làn xe:

Nhóm 1: Đầu tư nâng cấp 5 tuyến cao tốc có nhu cầu cấp bách: gồm: La Sơn - Hòa Liên, Cam Lộ - La Sơn, Cao Bồ - Mai Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận (đều thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông) và Hoà Lạc - Hoà Bình. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 55.318 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước khoảng 15.034 tỷ đồng (ngân sách địa phương đã cân đối 3.028 tỷ đồng; ngân sách trung ương đã cân đối 5.006 tỷ đồng, còn thiếu 7.000 tỷ đồng); vốn nhà đầu tư huy động khoảng 40.284 tỷ đồng.

Nhóm 2: đầu tư nâng cấp 3 tuyến cao tốc nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải và khai thác đồng bộ với các đoạn cao tốc liền kề đã khai thác, đang đầu tư quy mô 4 làn xe gồm: Yên Bái - Lào Cai; Thái Nguyên - Chợ Mới; cao tốc Hải Phòng - Thái Bình. Tổng nhu cầu vốn nhà nước khoảng 18.683 tỷ đồng.

Nhóm 3: Nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ 2 làn xe còn lại đạt quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh gồm: Tuyên Quang - Hà Giang; Hoà Bình - Mộc Châu giai đoạn I; Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn I; tuyến nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cộc Nam; đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hoà. Sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 50.837 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương.

Nhóm 4: Nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ 4 làn xe hạn chế còn lại. Theo tính toán sơ bộ, phương án nâng cấp theo quy mô quy hoạch, nhu cầu vốn nhà nước cần bổ sung khoảng 410.572 tỷ đồng