Cảnh báo nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch khi mang thai và sau sinh

Theo BS.Đoàn Dư Mạnh, thường 80% phụ nữ sau sinh tĩnh mạch sẽ phục hồi nhưng số còn lại có thể không hồi phục hoặc có biến chứng huyết khối.

Chiều 12/12, thông tin với Người Đưa Tin, Ths.BS Đoàn Dư Mạnh - Thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch và đột quỵ, Bệnh viện đa khoa Phương Đông cho biết, bệnh viện vừa điều trị ca huyết khối động mạch phổi ở thai phụ sau sinh, nguyên nhân do suy giãn tĩnh mạch thai kỳ. Một bệnh tưởng chừng vô hại nhưng biến chứng nguy hiểm.

BS.Mạnh cho biết, bệnh nhân nữ 32 tuổi sinh con lần đầu, sinh mổ, sau 3 ngày thấy đau ngực, khó thở, được chụp CT phát hiện huyết khối bán phần (chiếm một nửa lòng mạch) động mạch phổi trái.

Trước đó, bệnh nhân từng đau tức chân trái và có dấu hiệu suy giãn tĩnh mạch chân. Khám kỹ hơn, các bác sĩ phát hiện huyết khối hình thành ở tĩnh mạch chi dưới. 

Có thể do tiền sử suy tĩnh mạch trước đó, sau mổ lấy thai bệnh nhân nằm một chỗ lâu gây ứ trệ hình thành huyết khối trôi về tim và lên động mạch phổi. Bệnh nhân được điều trị tiêm chống đông sau 5 ngày ổn định được chuyển uống chống đông.

Cảnh báo nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch khi mang thai và sau sinh- Ảnh 1.

Nữ bệnh nhân sau sinh mổ, có dấu hiệu suy giãn tĩnh mạch chân (Ảnh minh họa).

BS.Mạnh cho biết, theo nghiên cứu của Hội bác sĩ lồng ngực Hoa Kỳ (ACOG) và viện lâm sàng chuyên khoa Lồng ngực Hoa Kỳ (ACCP), với các trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) thầm lặng không có triệu chứng từ trước tỉ lệ biến chứng nhồi máu động mạch phổi (PE) khoảng 30%, trong khi các trường hợp có triệu chứng tỉ lệ lên tới 40-50%.

Phụ nữ có khả năng mắc huyết khối tĩnh mạch sâu trong thời kỳ mang thai cao gấp 5 lần so với đối tượng khác. Sinh lý của cơ chế tăng đông để bảo vệ thai phụ khỏi xuất huyết trong 6 tuần sau sinh cũng lại là yếu tố làm tăng nguy cơ của huyết khối tĩnh mạch sâu cũng như nhồi máu động mạch phổi.

Ngoài ra, quá trình bệnh kéo dài liên quan đến hội chứng hậu huyết khối (PTS). Phần lớn phụ nữ bị huyết khối tĩnh mạch sâu trong thời kỳ mang thai sẽ phát triển các di chứng từ phù, thay đổi da đến huyết khối tái phát và loét.

Ở những đối tượng có một số bệnh nền kèm theo như bệnh tăng đông di truyền hoặc mắc phải, tiền sử huyết khối, hội chứng kháng phospholipid, lupus, bệnh tim như suy tim, rung nhĩ và bệnh hồng cầu hình liềm… nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu cũng tăng cao.

Nếu có các bệnh kể trên cần có kế hoạch điều trị cũng như quản lý huyết khối dự phòng một cách chủ động.

Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ khác như tuổi từ 35 trở lên chưa sinh con lần nào, mang thai nhiều lần, béo phì, tiểu đường và lối sống ít vận động là những yếu tố làm tăng nguy cơ gấp 1,5–2 lần.

Trong thời kỳ hậu sản, nhiễm trùng, tiền sản giật làm tăng nguy cơ huyết khối gấp 4 lần và sinh mổ làm tăng nguy cơ gấp 2 lần.

Cảnh báo nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch khi mang thai và sau sinh- Ảnh 2.

BS.Đoàn Dư Mạnh cho biết, thường 80% phụ nữ sau sinh tĩnh mạch sẽ phục hồi nhưng số còn lại có thể không hồi phục.

"Phụ nữ có nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch cao hơn trong thời kỳ mang thai và thời kỳ hậu sản. Đặc biệt là những người có bệnh nền suy giãn tĩnh mạch thai kỳ", BS. Mạnh nói với Người Đưa Tin.

Cũng theo BS.Mạnh, thường 80% phụ nữ sau sinh tĩnh mạch sẽ phục hồi nhưng số còn lại có thể không hồi phục hoặc có biến chứng huyết khối.

Để tránh gặp phải tình huống nguy hiểm tương tự, BS.Mạnh khuyến cáo ngoài vấn đề kiểm tra thai nhi, các vấn đề trước sinh, các bà mẹ cũng nên có ý thức tầm soát suy giãn tĩnh mạch cả trước và sau sinh để có kế hoạch đề phòng nguy cơ của bệnh sau sinh, bên cạnh các bệnh phổ biến như tăng huyết áp thai kỳ hay tiểu đường thai kỳ.

"Đặc biệt chú ý, nếu sau sinh 6 tuần có dấu hiệu sưng phù đau nhiều ở chân, khó thở, đau ngực cần vào viện ngay để được phát hiện điều trị biến chứng huyết khối kịp thời", BS.Mạnh lưu ý thêm.

PV (t/h)