Doanh nghiệp đề xuất tự động công nhận chữ ký điện tử nước ngoài: Nên hay không?
Kỳ Văn
08:14 15/07/2022
Góp ý cho dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trình Chính phủ, các doanh nghiệp (DN) có ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài đề xuất có cơ chế tự động công nhận chữ ký điện tử nước ngoài để gỡ khó cho DN.
Doanh nghiệp kêu "vướng"
Đến hết tháng 6/2022, Bộ Bộ TT&TT đã công bố 3 bản dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Trong đó, bản dự thảo mới nhất (bản dự thảo lần thứ 3) được công bố ngày 24/6/2022. Và Bộ TT&TT đã trình Chính phủ hồ sơ dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Mặc dù có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, trước bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn bộc lộ một số vấn đề tồn tại, hạn chế cần thiết sửa đổi. Bộ TT&TT vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến góp ý cho dự án luật này.
Tại hội thảo góp ý Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức sáng 14/7 tại Hà Nội, bà Trần Thị Lan Anh - Trưởng bộ phận pháp lý Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam cho biết, hiện tại lo lắng và vướng mắc của công ty là chưa áp dụng được phương thức sử dụng chữ ký điện tử có giao kết với các đối tác nước ngoài. Trong khi đó, các hợp đồng với đối tác nước ngoài chiếm giá trị rất cao.
Thực ra, để áp dụng được chữ ký số, về cơ sở pháp lý, trong Luật Giao dịch điện tử cũng như các nghị định hướng dẫn đã khá rõ. Nhưng khi làm việc cụ thể với các cơ quan quản lý Nhà nước như cơ quan thuế hoặc hải quan thì lại vướng mắc. Với Luật Giao dịch điện tử hiện hành và những nghị định hướng dẫn thì DN gặp khó khăn. Bởi vì để có hiệu lực pháp lý và được các cơ quan hữu quan công nhận, thì chữ ký điện tử nước ngoài phải được chứng nhận tại Việt Nam. Cụ thể là DN phải nộp hồ sơ lên Bộ TT&TT.
Doanh nghiệp cho rằng vướng mắc khi chưa áp dụng được phương thức sử dụng chữ ký điện tử có giao kết với các đối tác nước ngoài.
"Hiện việc giao kết hợp đồng giữa công ty chúng tôi với đối tác nước ngoài vẫn đang sử dụng là chữ ký bằng mực sống. Tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đã khá ổn định nhưng phía Châu Âu vẫn đang phức tạp và họ muốn áp dụng chữ ký điện tử", bà Lan Anh nói.
Mercedes-Benz Việt Nam hy vọng trong Luật Giao dịch điện tử sắp tới sẽ có nội dung quy định cụ thể về việc tự công nhận chữ ký nước ngoài. Với một hợp đồng với đối tác nước ngoài, hiện tại việc ký kết giữa 2 bên không yêu cầu một tổ chức nào chứng thực. Bên phía Việt Nam ký và phía đối tác ký, đóng dấu hay không đóng dấu nhưng theo quy định của nước ngoài vẫn phù hợp và vẫn có giá trị pháp lý.
"Vậy nên chăng mình có cơ chế tự động công nhận chữ ký điện tử nước ngoài nếu nó đáp ứng được các điều kiện và đủ độ tin cậy. Nếu yêu cầu chứng thực hợp đồng đối với đối tác nước ngoài thì rất khó có thể áp dụng. Đây là vấn đề mà các DN có ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài khá quan tâm", bà Lan Anh kiến nghị.
Cũng đề cập đến vướng mắc này, đại diện Công ty Honda Việt Nam phân tích: Thực tế các giao dịch với nước ngoài và đặc biệt liên quan đến hợp đồng giữa hai công ty của nước ngoài và công ty của Việt Nam thì toàn bộ rủi ro cũng như quyền lợi phát sinh của hợp đồng, hai công ty đó phải chịu cũng như hưởng lợi ích.
"Tại sao không chấp nhận cho hai công ty tự xác định tính hợp pháp của chứng thư số hoặc chữ ký số. Hoặc nếu như có vi phạm thì các vấn đề liên quan như tranh chấp hợp đồng thì vẫn là vấn đề của DN. Với cơ quan thuế hay hải quan, chỉ cần hàng hóa đáp ứng các yêu cầu về thủ tục thông quan hay chất lượng hàng hóa, mã hải quan... để thực hiện công tác thông quan", đại diện Honda Việt Nam nêu.
Nếu như Bộ TT&TT đưa nội dung này vào luật thì DN sẽ tự tin giao dịch với đối tác nước ngoài bằng chữ ký số điện tử. Ngược lại, sẽ gây nhiều khó khăn cho DN trong giao dịch với đối tác nước ngoài.
Nên cân nhắc thận trọng
Phản hồi ý kiến của hai đại diện doanh nghiệp trên, đại diện Vụ Pháp luật dân sự (Bộ Tư pháp) cho rằng, nên cân nhắc thận trọng việc tự động công nhận chữ ký nước ngoài. Không phải chữ ký nước ngoài nào cũng đảm bảo tính xác thực, tính toàn vẹn của hệ thống dữ liệu. Do đó, phải đạt điều kiện nhất định nào đó mới được công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử cũng như dữ liệu gắn liền với nó.
Vướng mắc của 2 DN phản ánh liên quan đến quan hệ hành chính, không phải là quan hệ dân sự. Hai DN ký với nhau, về nguyên tắc là quan hệ dân sự và các DN tự chịu trách nhiệm về việc chấp nhận sử dụng chữ ký điện tử. Sau này nếu có phát sinh tranh chấp thì đưa ra tòa, hai bên có trách nhiệm chứng minh. Đây hoàn toàn là trách nhiệm dân sự và Nhà nước không can thiệp.
Tuy nhiên, vấn đề là "tắc" ở cơ quan thuế hoặc hải quan, đây không phải là quan hệ dân sự mà là quan hệ hành chính. Bản thân hai cơ quan này có trách nhiệm với các cơ quan Nhà nước và lợi ích ở đây là lợi ích chung chứ không phải là lợi ích tư nhân của hai DN tham gia vào quan hệ đó.
Trong đó, vướng mắc liên quan đến việc thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử nước ngoài. Do đó, chúng ta cần có những quy định mang tính chất cụ thể và rõ ràng hơn để hướng dẫn cho các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam trong việc thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử nước ngoài phải đáp ứng những tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể gì. Việc này Bộ TT&TT có thể giải quyết được. Còn ý kiến đề xuất áp dụng nguyên tắc tự động thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử là không thích hợp.