Hà Nội: Bênh cúm, sởi, sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tháng 1/2025, bênh cúm, sởi, sốt xuất huyết… có diễn biến phức tạp. Theo đó, cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị để điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lây lan rộng.

Cụ thể, thông tin trước báo chí ngày 11/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tháng 1/2025, toàn thành phố ghi nhận 820 trường hợp mắc cúm, tăng 51 trường hợp (6%) so với cùng kỳ năm 2024.

Cộng dồn năm 2024 đến nay, tổng số ca mắc cúm là 7.133 trường hợp, không ghi nhận trường hợp tử vong. Bệnh nhân cúm ghi nhận quanh năm, trong đó có xu hướng gia tăng từ tháng 12 đến tháng 5 hàng năm.

CDC Hà Nội cũng cho biết, tính từ ngày 31/1 đến ngày 7/2, toàn thành phố ghi nhận thêm 114 trường hợp mắc sởi, tăng 60 trường hợp so với tuần trước.

Cộng dồn năm 2025 đến nay, Hà Nội ghi nhận 327 trường hợp mắc sởi. Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi, trong đó có 36 trường hợp dưới 6 tháng (chiếm 11,0%); 44 trường hợp 6-8 tháng (13,5%); 35 trường hợp 9 - 11 tháng (10,7%), 64 trường hợp 1 - 5 tuổi (19,6%), 71 trường hợp 6 - 10 tuổi (21,7%), 77 trường hợp > 10 tuổi (23,5%).

Theo CDC Hà Nội nhận định, trong tuần số ca mắc sởi tăng so với tuần trước, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo, số mắc sởi sẽ tiếp tục gia tăng nhanh trong những tuần tiếp theo do nhu cầu đi lại, giao lưu tiếp xúc trong dịp nghỉ Tết và lễ hội đầu xuân.

Tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận 13 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 4 trường hợp so với tuần trước. Cộng dồn năm 2025 ghi nhận 137 trường hợp mắc, giảm so với cùng kỳ năm 2024.

Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Thu TrangTiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Thu Trang

Trong tuần, theo CDC Hà Nội có 4 ca mắc ho gà. Cộng dồn năm 2025 ghi nhận 6 trường hợp, tăng 2 ca so với cùng kỳ.

Bệnh nhân tay chân miệng ghi nhận 10 trường hợp (tăng 1 ca so với tuần trước).

Trước tình hình nhiều bệnh có diễn biến phức tạp, CDC Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị để điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lây lan rộng.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc sởi, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định. Đồng thời, ngành Y tế thường xuyên phối hợp với ngành Giáo dục trong công tác giám sát, phòng chống, xử lý các ca bệnh, ổ dịch bệnh sởi, cúm, tay chân miệng, thủy đậu... trong trường học.

Ngoài ra, công tác giám sát tại các lễ hội xuân trên địa bàn thành phố; phối hợp triển khai công tác tiêm chủng vắc xin trong trường học; tuyên truyền phụ huynh đưa con em đi tiêm chủng vắc xin... cũng được tăng cường.

Thuốc chứa hoạt chất điều trị bệnh cúm vẫn bảo đảm về nguồn cung

Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian gần đây, tình hình bệnh cúm có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ở phía Bắc, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm, đặc biệt là thuốc kháng vi rút có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng không ít người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu (thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir) - thuốc kháng vi rút cúm A về dự trữ do tâm lý sợ giá sẽ tăng, khan hiếm.

Tuy nhiên, Cục Quản lý dược khẳng định, các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir hiện vẫn bảo đảm về nguồn cung. Cụ thể, đối với thuốc Tamiflu, theo thông tin từ công ty nhập khẩu, hiện tại số lượng thuốc tồn kho là hơn 10.000 hộp. Sắp tới, công ty sẽ nhập thêm khoảng 50.000 hộp. Trong nước cũng sản xuất và cung ứng thuốc chứa Oseltamivir, hiện đang có trên 300.000 viên…

Cũng theo Cục Quản lý Dược cho biết, qua thông tin từ công ty nhập khẩu, hiện tại số lượng thuốc tồn kho là hơn 10.000 hộp, công ty vừa xuất bán cho công ty phân phối hơn 30.000 hộp. Sắp tới, công ty sẽ nhập thêm khoảng 50.000 hộp. Trong nước cũng sản xuất và cung ứng thuốc chứa Oseltamivir, hiện đang có trên 300.000 viên. Đáng chú ý, giá bán buôn vẫn giữ nguyên.

Trước đó, để bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị cúm, Cục Quản lý dược đã có văn bản, đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế và các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc tiếp tục triển khai các nội dung về đảm bảo nguồn cung thuốc cho các bệnh có thể xảy ra trong mùa đông - xuân.

Tuấn Ngọc (t/h)