Masan lãi gần 1.400 tỷ đồng trong năm 2023 từ kinh doanh mì gói, siêu thị, thịt heo, trà sữa

Admin
Tập đoàn Masan ghi nhận gần 1.400 tỷ đồng lợi nhuận, trong khi đó "Em út" Phúc Long ghi nhận doanh thu hơn 1.500 tỷ đồng, giảm gần 3% do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu bên ngoài.
Chuỗi đồ uống Phúc Long của Masan.
Chuỗi đồ uống Phúc Long của Masan.

Tập đoàn Masan (MSN) cho biết các thương hiệu Masan Consumer Holdings (MCH), WinComerce (WCM), Masan Meatlife (MML) và Phúc Long ghi nhận lợi nhuận hoạt động kinh doanh (EBIT) khoảng 4.877 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2022. Đây được xem là mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi của doanh nghiệp này từ khi tái cấu trúc.

Ban lãnh đạo cho biết, kết quả trên đến từ lợi nhuận kỷ lục của Masan Consumer Holdings và khả năng sinh lời tốt của WinCommerce dù tiêu dùng suy yếu.

Với MCH, mảng này có quý IV/2023 đạt kỷ lục lợi nhuận với mức tăng lãi sau thuế 30,5%. Việc luân chuyển sản phẩm có biên lợi nhuận cao và chiến lược giá đã đóng góp lớn cho kết quả này. Lũy kế cả năm, MCH ghi nhận hơn 29.000 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 7.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA), lần lượt tăng 3% và 13%.

Còn ở chuỗi siêu thị Winmart và cửa hàng Winmart+, WCM ghi nhận doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng, tăng hơn 2% so với năm 2022 nhờ tác động của việc mở cửa hàng mới, chuyển đổi và nâng cấp mô hình cho hơn 1.600 điểm bán sẵn có. Chuỗi bán lẻ này mang lại 694 tỷ đồng EBITDA, lùi gần 14% so với năm trước đó. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp đã cải thiện và nhóm sản phẩm bách hóa có lợi nhuận sau thuế dương trong quý IV/2023 - mốc quan trọng cho lộ trình hòa vốn cả năm.

Với mảng thịt, Masan Meatlife báo doanh thu tăng 46% lên gần 7.000 tỷ đồng trong năm 2023. Từ lỗ, mảng này có lãi EBITDA 266 tỷ đồng. Ban lãnh đạo nói, chiến lược giá cả cạnh tranh, giúp thu hẹp khoảng cách giá giữa các sản phẩm Meatdeli với thịt tại chợ truyền thống đã mang về kết quả tốt. Tuy nhiên, mảng gà trang trại đang bị ảnh hưởng bởi giá và doanh số đều thấp hơn cùng kỳ.

"Em út" Phúc Long ghi nhận doanh thu hơn 1.500 tỷ đồng, giảm gần 3% do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu bên ngoài. Chuỗi trà và trà sữa này nâng khả năng sinh lời bằng cách tối ưu hóa số lượng ki-ốt. Năm vừa qua, EBITDA đạt 255 tỷ đồng, tăng 31%. Ban lãnh đạo tiếp tục thận trọng và chỉ mở mới 28 cửa hàng, nâng tổng số điểm bán ngoài WCM lên 156 cửa hàng.

Tổng lại, Masan có hơn 78.250 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng nhẹ gần 3% so với năm 2022. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế cốt lõi trước phân bổ cho cổ đông thiểu số giảm đến gần một nửa, về còn 1.950 tỷ đồng do phần đóng góp sụt giảm của mảng khai khoáng Masan High-Tech Materials và Techcombank.