Sở Công thương Nghệ An đang tiếp tục tham mưu xây dựng “Đề án phát triển tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm logistics khu vực Bắc Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị.
Theo thông tin từ Sở Công thương Nghệ An, một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tốt trong quý 1/2025 là dệt may, với mức tăng 36% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, Nhà máy May Vinatex tại thị xã Hoàng Mai, được xây dựng trên diện tích hơn 32.000 m² với 24 chuyền may, đã tạo việc làm cho khoảng 900 lao động. Các sản phẩm chủ lực của nhà máy bao gồm quần áo nam, nữ, xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.
Trong 3 tháng đầu năm 2025, tình hình sản xuất kinh doanh của toàn Tập đoàn Vinatex tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các đơn vị trong tập đoàn đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết tháng 6/2025 và đang tiếp tục ký kết hợp đồng cho quý III.
Trong lĩnh vực nông sản, Công ty cổ phần Vilaconic tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu của Nghệ An. Năm 2024, Vilaconic xuất khẩu khoảng 62.000 tấn gạo với kim ngạch đạt 40 triệu USD, trong đó có 38.000 tấn gạo xuất khẩu sang Philippines trị giá 22,8 triệu USD.
Trong quý 1/2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nghệ An đạt 840,92 triệu USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu cũng ghi nhận mức tăng 56%, phản ánh nhu cầu mở rộng sản xuất và đầu tư của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sự tăng trưởng này có sự đóng góp quan trọng từ nhiều nhóm ngành hàng chủ lực. Trong đó, thiết bị và linh kiện điện tử có mức tăng trưởng mạnh mẽ lên tới 110%, cho thấy sự chuyển dịch theo hướng công nghệ cao. Ngoài ra, các ngành hàng khác cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng như: Giày dép tăng 128%, viên nén gỗ tăng 176%, dây điện và cáp điện tăng 25%.
Sản phẩm của doanh nghiệp Nghệ An hiện được xuất khẩu tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, với các thị trường chính gồm Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ.
Theo dự báo, năm 2025 sẽ có nhiều thuận lợi, nhờ sự phục hồi của kinh tế toàn cầu và dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Nghệ An ngày càng tăng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những thách thức như bất ổn địa chính trị, xu hướng bảo hộ thương mại và những yêu cầu khắt khe hơn từ các thị trường quốc tế.
Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, Nghệ An đang triển khai nhiều giải pháp chiến lược: Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP; Tăng cường kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế như Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu, Foodexpo, Thaifex; Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm nhằm tạo nguồn hàng lớn cho xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô và linh kiện điện tử; Ứng dụng công nghệ AI để tìm kiếm thị trường, khuyến khích doanh nghiệp phát triển kênh thương mại điện tử thông qua các nền tảng như Amazon, Alibaba…
Với những nỗ lực trên, Nghệ An kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh cũng như cả nước.
Xuân Lê (t/h)