Quảng Trị: Tiêu hủy lượng lớn hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường

Mới đây, Hội đồng tiêu huỷ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Trị phối hợp với các đơn vị thực hiện các bước tiêu hủy trên 29.000 sản phẩm hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện lưu thông trên thị trường bị tịch thu với tổng trị trị giá trên 6,5 tỷ đồng.

Theo Cục QLTT tỉnh Quảng Trị, quá trình tiêu hủy số tang vật trên được thực hiện vào ngày 31/12/2024 tại Bãi rác của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị thành phố Đông Hà bằng các phương pháp hủy đốt và hủy cán theo đúng trình tự đề ra trong phương án, đúng trình tự thủ tục, đảm bảo an minh trật tự và vệ sinh môi trường.

Việc tiêu hủy lần này có sự tham gia, chứng kiến của đại diện các cơ quan chuyên môn như: Sở Tài chính tỉnh Quảng Trị, Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường - Công an tỉnh Quảng Trị cùng; các Phóng viên đại diện cho Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và Báo Quảng Trị dự và đưa tin tiêu hủy.

Lực lượng chức năng giám sát quá trình tiêu hủy sản phẩm không đủ điều kiện lưu thông ngoài thị trườngLực lượng chức năng giám sát quá trình tiêu hủy sản phẩm không đủ điều kiện lưu thông ngoài thị trường

Được biết, trước đó, ngày 09/8/2024, Cục QLTT tỉnh Quảng Trị cũng đã tổ chức tiêu hủy tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu đợt 1 năm 2024 với 2.846 đơn vị tài sản, tổng trị giá gần 420 triệu đồng.

Tính chung cả năm 2024, Cục QLTT tỉnh Quảng Trị đã tổ chức tiêu hủy tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu với tổng trị giá trên 6.9 tỷ đồng.

Đại diện Cục QLTT Quảng Trị cho hay, thông qua việc tiêu hủy tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu góp phần tuyên truyền, cảnh báo cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng nâng cao nhận thức về tác hại của việc kinh doanh cũng như tiêu dùng các loại hàng hóa nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ không đảm bảo điều kiện lưu thông trên thị trường...; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính và quyền lợi người tiêu dùng.

Thành Nam (t/h)