Thông tư này quy định về vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh (viết tắt là thị trường điện) bao gồm các quy định chính sau đây: Đăng ký tham gia thị trường điện; lập kế hoạch vận hành thị trường điện; cơ chế chào giá; cơ chế lập lịch huy động; đo đếm điện năng trong thị trường điện; xác định giá thị trường và tính toán thanh toán; công bố thông tin; giám sát vận hành thị trường điện; và trách nhiệm của các đơn vị tham gia thị trường điện.
Trách nhiệm tham gia thị trường điện của đơn vị phát điện
Tại Điều 4 Thông tư quy định cụ thể về trách nhiệm tham gia thị trường điện của đơn vị phát điện.
Theo đó, nhà máy điện có giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện, có công suất đặt lớn hơn 30 MW đấu nối vào hệ thống điện quốc gia; các nhà máy thủy điện có công suất từ 10 MW trở lên khi hết hạn hợp đồng mua bán điện theo chi phí tránh được (bao gồm cả bậc thang); các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo không phải thủy điện hết hạn hợp đồng theo các cơ chế giá khuyến khích, ưu đãi của nhà nước có công suất từ 10 MW trở lên; nhà máy điện BOT hết hợp đồng và chuyển giao về Việt Nam; các nhà máy điện năng lượng tái tạo theo quy định tại Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 3 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn qua lưới điện quốc gia bắt buộc tham gia thị trường điện. Các đơn vị phát điện sở hữu các nhà máy điện trên có trách nhiệm hoàn thành thủ tục đăng ký và trực tiếp tham gia thị trường điện, trừ các nhà máy điện thuộc trường hợp gián tiếp tham gia thị trường điện quy định tại khoản 3 Điều này.
Nhà máy điện có công suất đặt đến 30 MW đấu nối lưới điện cấp điện áp từ 110 kV trở lên (trừ các trường hợp quy định tại điểm a, điểm c, điểm đ, điểm e khoản 3 Điều này), nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo không phải thủy điện có công suất đặt từ 10 MW trở lên, nhà máy điện thuộc khu công nghiệp chỉ bán một phần sản lượng điện lên hệ thống điện quốc gia được quyền lựa chọn trực tiếp tham gia thị trường điện.
Các nhà máy điện gián tiếp tham gia thị trường điện
Khoản 3 Điều 4 Thông tư quy định các nhà máy điện gián tiếp tham gia thị trường điện bao gồm:
a) Nhà máy điện BOT còn hiệu lực hợp đồng;
b) Nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo không phải thủy điện.
c) Nhà máy nhiệt điện có các ràng buộc phải sử dụng tối đa nguồn nhiên liệu khí để đảm bảo lợi ích quốc gia và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép gián tiếp tham gia thị trường điện.
d) Nhà máy điện thuộc khu công nghiệp chỉ bán một phần hoặc không bán sản lượng điện lên hệ thống điện quốc gia.
đ) Các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu.
e) Các nguồn điện nhập khẩu.
g) Nhà máy cung cấp dịch vụ phụ trợ phải phát và khởi động nhanh theo danh sách công bố hàng năm.
h) Các nhà máy vận hành theo cơ chế chi phí tránh được còn hiệu lực hợp đồng.
Thông tư cũng nêu rõ: Đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường điện có trách nhiệm đầu tư, hoàn thiện hệ thống trang thiết bị để đấu nối vào hệ thống thông tin thị trường điện (bao gồm: Hệ thống chào giá, hệ thống quản lý lệnh điều độ, hệ thống hỗ trợ thanh toán thị trường điện, hệ thống mạng kết nối thông tin nội bộ thị trường điện), hệ thống SCADA/EMS, hệ thống đo đếm điện năng và chữ ký số đáp ứng yêu cầu vận hành của thị trường điện và các hệ thống khác theo quy định.
Trách nhiệm tham gia thị trường điện đối với đơn vị mua buôn điện
Đơn vị mua buôn điện có trách nhiệm đăng ký tham gia thị trường điện trong trường hợp mua điện tại các vị trí đo đếm thuộc phạm vi thị trường bán buôn điện quy định tại Điều 69 Thông tư này.
Đơn vị mua buôn điện có trách nhiệm đầu tư, hoàn thiện hệ thống trang thiết bị để đấu nối vào hệ thống thông tin thị trường điện, hệ thống đo đếm điện năng, hệ thống thu thập số liệu đo đếm từ xa tại các vị trí đo đếm ranh giới trong phạm vi quản lý và chữ ký số đáp ứng yêu cầu vận hành của thị trường điện và các hệ thống khác theo quy định.
Các trường hợp chấm dứt tham gia thị trường điện
Theo Thông tư quy định, nhà máy điện chấm dứt tham gia thị trường điện trong các trường hợp sau:
Theo đề nghị của đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện trong trường hợp nhà máy điện ngừng vận hành hoàn toàn hoặc nhà máy điện không duy trì và không có khả năng khôi phục lại công suất đặt theo thông tin đăng ký tham gia thị trường điện trong thời hạn 01 năm;
Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện của nhà máy điện bị thu hồi hoặc hết hiệu lực.
Đơn vị mua buôn điện không tiếp tục mua điện tại các điểm giao nhận thuộc phạm vi thị trường điện hoặc Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ điện bị thu hồi hoặc hết hiệu lực.
Trường hợp giấy phép hoạt động điện lực bị thu hồi, thời điểm ngừng tham gia thị trường điện của đơn vị phát điện hoặc đơn vị mua buôn điện được tính từ thời điểm giấy phép hoạt động điện lực bị thu hồi theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Trong các trường hợp còn lại, trong thời hạn ít nhất 30 ngày trước thời điểm muốn chấm dứt tham gia thị trường điện, thành viên tham gia thị trường điện có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị chấm dứt tham gia thị trường điện cho Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện.
Trong thời hạn 10 ngày tính từ ngày nhận được văn bản thông báo đề nghị chấm dứt tham gia thị trường điện của thành viên tham gia thị trường điện, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm xem xét, quyết định và thông báo cho Cục Điều tiết điện lực để giám sát thực hiện.
Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ, thông báo trên trang thông tin điện tử thị trường điện về việc chấm dứt tham gia thị trường điện của đơn vị thành viên tham gia thị trường điện.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 25/11/2024.
Theo chinhphu.vn (t/h)