Thay thế đồ nhựa dùng một lần: Gợi mở chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp

Kỳ Văn
Với việc doanh nghiệp có vai trò lớn trong phát triển mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, Nhà nước cần có thêm chính sách ưu đãi cụ thể hơn để thúc đẩy doanh nghiệp (DN) có các sản phẩm, giải pháp thay thế đồ nhựa dùng một lần.
Giải pháp từ doanh nghiệp
Đồng hành cùng các chính sách và định hướng của Nhà nước trong việc phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thời gian qua các DN cũng đã nhận thức rõ vấn đề phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải nhựa là yêu cầu cốt lõi của phát triển bền vững. Điều này không chỉ giúp DN nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường do giảm tiêu thụ tài nguyên, giảm chi phí xử lý rác thải mà còn tạo ra vị thế cao hơn, hình ảnh đẹp hơn cho DN.
null
Ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty cổ phần Tân Phú Việt Nam chia sẻ chiến lược giảm rác thải nhựa.
Tại talkshow “Các giải pháp thay thế đồ nhựa dùng một lần, thúc đẩy tiêu dùng xanh” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 23/6, ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty cổ phần Tân Phú Việt Nam chia sẻ: Công ty có 3 chiến lược chính, gồm đa dạng hóa sản phẩm, nguyên vật liệu để khách hàng có nhiều sự lựa chọn;Tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giúp vòng đời của sản phẩm dài hơn, từ đó giúp giảm rác thải nhựa; Những sản phẩm bắt buộc phải sử dụng nhựa dùng 1 lần. Ví dụ như túi rác hay chai nước sử dụng 1 lần được làm theo hướng ngày càng mỏng hơn nhằm giảm rác thải nhựa, đồng thời vẫn bảo đảm tính cơ lý hóa của sản phẩm.
Bà Nguyễn Bằng Lăng - Phụ trách bộ phận Phát triển bền vững của AEON Việt Nam nhìn nhận, nhà bán lẻ là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng nên đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy hành vi của người tiêu dùng.
AEON luôn nhận thức, sản phẩm bền vững chưa đủ mà chính hành động mua sắm của người tiêu dùng mới có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Theo đó, trong chiến lược phát triển bền vững tại AEON Việt Nam, khi tiếp xúc với khách hàng, công ty cố gắng đưa ra những chương trình hỗ trợ khách hàng, giúp khách hàng đưa ra những quyết định thân thiện với môi trường một cách dễ dàng nhất.
Gần đây, AEON ra mắt dịch vụ cho thuê túi môi trường. Đa số khách hàng không mang theo túi thân thiện môi trường khi đi siêu thị. Đến quầy thanh toán, rất khó để khách hàng bỏ ra hàng chục ngàn ra mua túi thân thiện môi trường. Thấu hiểu điều đó, AEON đã đưa ra dịch vụ: khách hàng chỉ cần đặt cọc 5 nghìn đồng để có thể thuê túi môi trường. Trong lần mua sau, khách hàng trả lại sẽ được nhận tiền đặt cọc.
"Như vậy hành động tiêu dùng bền vững được hỗ trợ một cách dễ dàng hơn, khách hàng dễ dàng đưa ra quyết định, không cần phải đắn đo nữa. Đây là chiến lược chính mà AEAON hướng tới khi nói đến việc phát triểu tiêu dùng bền vững", bà Lăng chia sẻ.
Trong khi đó, để giảm thiểu rác thải, thúc đẩy tiêu dùng xanh, bà Hoàng Thị Minh Ngọc - Giám đốc Tăng trưởng và Chiến lược của Chợ Tốt cho biết, giải pháp của họ là tái chế, trao đi những đồ ít dùng cho người khác, từ đó giảm thiểu được lượng tài nguyên, nhiên liệu và năng lượng phải dùng để sản xuất mới. Theo đó chung tay với các đơn vị cùng đồng hành xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc cũng như Việt Nam đã đề ra.
Doanh nghiệp cần chính sách ưu đãi cụ thể hơn
Đánh giá sự tham gia của DN trong việc đồng hành cùng Chính phủ để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: Nhận thức của các DN về trách nhiệm với cộng đồng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của nền kinh tế đã rất cao sau nhiều năm Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành đã có nhiều hoạt động nâng cao nhận thức của DN về vấn đề này.
Rõ ràng cần sự vào cuộc của các DN thì mới thành công trong việc thực hiện chiến lược do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn trước cũng như giai đoạn tới về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Hiện, Bộ Công Thương đang thực hiện việc điều tra, đánh giá nhận thức của cộng đồng, đánh giá hành vi tiêu dùng qua các giai đoạn khác nhau, kể cả giai đoạn dịch bệnh về giảm rác thải nói chung và túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước đánh giá cao các giải pháp của DN.
Sự đóng góp của các hệ thống bán lẻ là hết sức quan trọng. Họ đã kết nối với các DN để có được những sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường, dễ phân hủy. Họ cũng tìm ra được những dòng sản phẩm có bao bì từ khâu sản xuất thân thiện môi trường hoặc các DN tham gia vào các liên minh bảo vệ trường, họ có những chế độ để thu mua lại những bao bì của họ.
Họ cũng có những giải pháp mang tính chiến lược để làm thế nào trong thời gian tới giảm thiểu được rác thải nhựa. Nếu như trên thị trường cung cấp các dịch vụ, sản phẩm thân thiện với môi trường, đương nhiên người tiêu dùng sẽ có lựa chọn như vậy. Vấn đề là làm thế nào để thúc đẩy các nhà bán lẻ, nhà phân phối thực hiện tốt điều đó?
Ông Vũ Minh Lý - Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Năm 2019, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu rất quan trọng. Trong đó, năm 2025, đồ nhựa dùng một lần không còn trên cả nước. Chúng ta đang đếm ngược thời gian đến năm 2025 nhựa dùng 1 lần và ni lông khó phân hủy sẽ không còn ở Việt Nam.
Để có có những giải pháp hay sản phẩm thay thế đồ nhựa một lần cần sự nỗ lực chung tay rất lớn của 3 trụ cột, gồm: DN, các cơ quan Chính phủ từ Trung ương đến địa phương và người tiêu dùng.
Theo số liệu khảo sát của Kanta vào tháng 10/2020, trả lời cho câu hỏi: "Ai có thể tạo ra sự khác biệt lớn nhất?" đến việc hạn chế ô nhiễm môi trường thì người tiêu dùng chiếm đến 25%, trong khi đó nhà sản xuất chiếm 42%, Chính phủ 29% và nhà bán lẻ 4%.
"Với tỷ lệ 42% đối với DN, cần phải có thêm các chính sách ưu đãi cụ thể hơn nữa để thúc đẩy DN có các sản phẩm, giải pháp thay thế đồ nhựa một lần. Từ đó góp phần thực hiện được mục tiêu do Chính phủ đề ra", ông Lý kiến nghị.