Triển vọng quan hệ Việt Nam - Châu Âu năm 2025

Các nước Châu Âu đánh giá cao tiềm năng và coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong chiến lược tại Châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam coi các nước Châu Âu là những đối tác quan trọng, là thị trường lớn, nguồn đầu tư trực tiếp tiềm năng và là nhà tài trợ giàu thiện chí.

Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp. Không nằm ngoài những diễn biến đó, khu vực Châu Âu phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nổi bật là các điểm nóng xung đột chưa tìm được giải pháp triệt để; tình hình chính trị của nhiều nước trong khu vực thiếu ổn định, kinh tế tăng trưởng chậm, thiếu bền vững và không đồng đều.

Ảnh chinhphu.vn.Triển vọng quan hệ Việt Nam - Châu Âu năm 2025. Ảnh chinhphu.vn.

Tuy nhiên, Châu Âu vẫn giữ vai trò quan trọng là một chủ thể toàn cầu, là đối tác thương mại và là nhà đầu tư lớn của nhiều nước, khu vực. Với khả năng mở rộng sự tham gia toàn cầu, tận dụng sức mạnh kinh tế và quy phạm của mình, Châu Âu luôn có vai trò dẫn dắt trong định hình các tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế.

Các nước Châu Âu đánh giá cao tiềm năng và coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương của mình. Về phần mình, Việt Nam coi các nước Châu Âu là những đối tác quan trọng, là thị trường lớn, nguồn đầu tư trực tiếp tiềm năng và là nhà tài trợ giàu thiện chí. Bên cạnh đó, các mối liên kết lịch sử, văn hóa giữa Việt Nam và các nước Châu Âu cũng là yếu tố tạo điều kiện phát triển quan hệ hai bên.

Vậy, triển vọng quan hệ Việt Nam - Châu Âu năm 2025 như thế nào? Năm 2025, đất nước sẵn sàng khí thế bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ngành đối ngoại-ngoại giao Việt Nam tiếp tục đổi mới tư duy và hành động, đóng vai trò kiến tạo, động lực, mở ra các cơ hội mới cho đất nước vươn mình, phục vụ đắc lực các lợi ích an ninh và phát triển, nâng cao vị thế đất nước, góp phần xây dựng một trật tự quốc tế công bằng, hòa bình, ổn định. Các hoạt động đối ngoại-ngoại giao sẽ tiếp tục diễn ra sôi động, trong đó có các hoạt động đối ngoại với các nước, các đối tác Châu Âu.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh chinhphu.vn.Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh chinhphu.vn.

Đây là năm Việt Nam kỷ niệm năm tròn, năm lẻ năm thiết lập quan hệ với nhiều nước khu vực Châu Âu, nổi bật là 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Nga và các nước Trung Đông Âu, bao gồm Ba Lan, Bulgari, Hungari, Rumani, Czech, Slovakia, Albani; 50 năm quan hệ ngoại giao với Đức, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Síp; 35 năm quan hệ ngoại giao với EU.

Với nền tảng quan hệ hữu nghị, truyền thống đang không ngừng được củng cố, cùng dư địa hợp tác rộng mở, sẵn sàng được khai phá, trong năm 2025, Việt Nam xác định 4 trọng tâm hợp tác với các nước, các đối tác khu vực Châu Âu nhằm tạo đột phá trong quan hệ song phương, góp phần nâng cao hơn nữa vị thế đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc:

Một là, tiếp tục duy trì môi trường chiến lược hòa bình, hữu nghị, hợp tác thuận lợi cho phát triển thông qua tăng cường hợp tác với các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống ở Châu Âu, trong đó đặt trọng tâm vào đẩy mạnh, nâng tầm các khuôn khổ quan hệ, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, tạo động lực thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác. Ngay đầu năm 2025, nhân chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính (1/2025), Việt Nam đã thiết lập khuôn khổ Đối tác Chiến lược với Séc và nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện với Thụy Sĩ.

Hai là, đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao phục vụ phát triển trên tinh thần phục vụ doanh nghiệp, người dân và địa phương một cách hiệu quả, sâu sắc, thực chất hơn, với tư duy nhạy bén, sáng tạo hơn để bứt phá, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Với tinh thần đó, cần thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mà Châu Âu có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, đào tạo nhân lực bán dẫn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, hợp tác lao động, du lịch... theo hướng chuyên sâu, chuyên đề, chuyên đối tác. 

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do với EU, Anh và Liên minh Kinh tế Á-Âu, tiếp tục vận động các nước EU còn lại sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định EVIPA, vận động Ủy ban Châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam, tích cực triển khai Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), phối hợp với các nước và đối tác trong các sáng kiến hợp tác, như Sáng kiến cửa ngõ toàn cầu, Chiến lược hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU...

Ảnh internet.Triển vọng quan hệ Việt Nam - Châu Âu năm 2025. Ảnh internet.

Ba là, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các nước, các đối tác Châu Âu mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của Việt Nam, như công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo.

Bốn là, phát huy tối đa tiềm năng, sức mạnh của cộng đồng hơn 1 triệu người Việt Nam ở Châu Âu trong tổng thể 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, huy động sức mạnh của kiều bào tiếp tục đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật trong nước, tạo điều kiện để tầng lớp trí thức, doanh nhân Việt Nam ở Châu Âu dễ dàng về nước sinh sống, giảng dạy, đầu tư, kinh doanh, nhờ đó tăng cường gắn kết với quê hương; đồng thời, khuyến khích bà con hội nhập, đóng vai trò "cầu nối" trong quan hệ hữu nghị, là "sứ giả" của nhân dân Việt Nam.

Trong toàn cảnh bức tranh đa sắc của nền đối ngoại-ngoại giao Việt Nam, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và các nước, các đối tác Châu Âu là mảng màu tươi sáng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai bên vẽ lên và tô điểm qua nhiều thế hệ, ngày càng được định hình bền vững, bất chấp những thử thách của thời gian và hoàn cảnh lịch sử.

Cùng với các quốc gia Châu Âu, Việt Nam mãi mãi trân trọng những thành tựu di sản trong quá khứ, tự tin nắm bắt mọi cơ hội của hiện tại để mở ra những trang mới trong hành trình hợp tác cùng phát triển với các nước Châu Âu, góp phần hiện thực hóa khát vọng vươn mình của đất nước trong kỷ nguyên mới, đóng góp vào hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới.

Lê Thị Thu Hằng (t/h)