Việt Nam cần 900.000 tỷ đồng để đầu tư cho mạng lưới đường bộ

Kỳ Văn
Quy hoạch dự kiến ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 những dự án quan trọng quốc gia như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Quy hoạch sẽ tập trung kêu gọi mọi nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông, phấn đấu đạt 3,5-4,5% GDP mỗi năm.

Sau khi được đầu tư, đường bộ sẽ đảm nhận gần 63% thị phần vận chuyển hàng hóa và hơn 90% thị phần vận chuyển hàng khách.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt, Việt Nam cần 900.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng thêm 41 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 9.014km, 172 tuyến đường quốc lộ với chiều dài khoảng 29.795 km và khoảng 3.034 km đường bộ ven biển đi qua 28 tỉnh, thành phố vào 2050.

Việt Nam cần 900.000 tỷ đồng để đầu tư cho mạng lưới đường bộ - Ảnh 1.

Quy hoạch dự kiến ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 các dự án quan trọng quốc gia như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, từ Lạng Sơn đến Cà Mau; tuyến đường cao tốc kết nối liên vùng khu vực phía Bắc, kết nối miền Trung với Tây Nguyên, khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Quy hoạch cũng ưu tiên đầu tư các tuyến cao tốc vành đai, tuyến kết nối với thành phố Hà Nội và TP HCM cũng như những tuyến quốc lộ chính yếu có tính chất kết nối quốc tế, kết nối liên vùng.

Mạng lưới đường bộ cao tốc được quy hoạch

Tên dự án/Khu vực

Vị trí/Số tuyến

Chiều dài

(km)

Quy mô

(làn xe)

1 Tuyến cao tốc Bắc - Nam, phía Đông Từ cửa khẩu Hữu Nghị, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đến thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. 2.063 4-10
2 Tuyến cao tốc Bắc-Nam, phía Tây Từ thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang đến thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. 1.205 4-6
3 Phía Bắc 14 2.305 4-6
4 Miền Trung và Tây Nguyên 10 1.431 4-6
5 Phía Nam 10 1.290 4-10
6 Vành đai đô thị Hà Nội 3 429 6
7 Vành đai đô thị TP HCM 2 291 8

Để có nguồn vốn 900.000 tỷ đồng đầu tư cho mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ trong giai đoạn tới, quy hoạch dự kiến huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và những nguồn vốn hợp pháp khác.

Quy hoạch sẽ trung kêu gọi mọi nguồn lực để đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông, phấn đấu đạt 3,5-4,5% GDP mỗi năm. Ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với vai trò là vốn mồi, đầu tư dự án không thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách, dự án ở vùng khó khăn. Việc thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế cũng được tính đến.

Để có thêm nguồn lực, quy hoạch cũng tính đến việc ưu tiên doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ được đầu tư, khai thác các dịch vụ liên quan đến phạm vi dự án và được vay vốn từ nguồn vốn tín dụng dài hạn, lãi suất ưu đãi.

Về cơ chế chính sách, quy hoạch cũng đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí phù hợp với cơ chế thị trường để tăng tính thương mại của dự án kết cấu hạ tầng đường bộ.

Sau khi được đầu tư, đến 2050, đường bộ sẽ đảm nhận gần 63% thị phần vận chuyển hàng hóa và hơn 90% thị phần vận chuyển hàng khách.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ là một trong 5 quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải (đường bộ; đường thủy nội địa; cảng hàng không, sân bay; cảng biển; đường sắt) được phê duyệt đầu tiên. Đây cũng là lần đầu tiên các quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải được thực hiện đồng thời, có phân công rõ vai trò dựa trên lợi thế từng phương thức trên từng hành lang vận tải chính, đảm bảo tính hệ thống, kết nối đồng bộ giữa các chuyên ngành.

Quy hoạch được xây dựng dựa trên nguyên tắc quán triệt văn kiện các kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là Đại hội lần thứ XII, XIII; tuân thủ Luật Quy hoạch; kế thừa quan điểm còn giá trị của quy hoạch trước đây, phù hợp đặc thù và lợi thế của lĩnh vực, khắc phục các vướng mắc, hạn chế trong 10 năm vừa qua, nhất là về tính đồng bộ, liên kết.

Để đảm bảo tính linh hoạt, tính mở và sự chủ động trong đầu tư, quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 cho phép có thể điều chỉnh tiến độ đầu tư các tuyến đường nếu địa phương nhận thấy nhu cầu cần thiết đầu tư sớm hơn và có thể thu xếp nguồn lực để triển khai thực hiện; hoặc khi địa phương có nhu cầu mở rộng quốc lộ đi qua địa bàn đã được quy hoạch đô thị thì sẽ phối hợp nguồn vốn theo hướng trung ương đầu tư phần quy mô theo quy hoạch, địa phương đầu tư phần mở rộng.

Đến 2050, hệ thống đường bộ đảm bảo kết nối giữa hệ thống đường bộ quốc gia với hệ thống đường địa phương, giữa các vùng động lực và vùng khó khăn; kết nối đến các đầu mối vận tải và quốc tế, đặc biệt là kết nối hiệu quả với các đầu mối giao thông, hạ tầng của các phương thức khác (nhà ga đường sắt, cảng biển, cảng sông, sân bay).