Công ty TNHH BHFlex Vina, Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, tạo việc làm ổn định cho hơn 4.000 lao động. (Ảnh: Báo Vĩnh Phúc)
Năm 2024, dù đối mặt với xu hướng suy giảm kinh tế trong nước và biến động toàn cầu, tỉnh vẫn cấp Giấy phép đầu tư cho 37 dự án FDI mới, 43 dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đăng ký hơn 636 triệu USD, vượt gần 60% kế hoạch năm.
Một số dự án tiêu biểu gồm: Công ty TNHH BHFlex Vina tăng vốn 75 triệu USD; Công ty TNHH Korea Circuit và Công ty TNHH Interflex Vina tăng 91 triệu USD; trung tâm dữ liệu HN03 của FPT với hơn 1.121 tỷ đồng. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.300 dự án đầu tư.
Tổng vốn đầu tư của 476 dự án FDI đạt hơn 8,43 tỷ USD, trong khi 829 dự án DDI ghi nhận hơn 142,4 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, tỉnh sớm hoàn thành mục tiêu thu hút 3,2 tỷ USD vốn FDI cho nhiệm kỳ 2021-2025, vượt xa kế hoạch 2-2,5 tỷ USD theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.320 dự án đầu tư.
Dù kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày, đến ngày 15/1, tỉnh vẫn thu hút 3 dự án DDI (1 dự án mới, 2 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký hơn 160 tỷ đồng.
Khu vực FDI ghi nhận 7 dự án cấp phép, gồm 1 dự án mới và 6 dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đăng ký 25,52 triệu USD. Dự kiến đến cuối năm 2025, tỉnh sẽ có hơn 500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 8,9 tỷ USD.
Các dự án thu hút đều thuộc lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và sử dụng lao động chất lượng cao, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Tại phiên họp UBND tỉnh tháng 1/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông nhấn mạnh vai trò của FDI trong tạo việc làm, thúc đẩy xuất khẩu và đóng góp ngân sách. Tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư, ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, đồng thời hạn chế các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung quy hoạch, mở rộng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước, viễn thông và các khu đô thị, dịch vụ hỗ trợ. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt hai con số vào năm 2025.
Hà Trần (t/h)