Lâu đài Hirosaki
Lâu đài Hirosaki không chỉ có kiến trúc nổi bật mà còn là điểm ngắm hoa anh đào thu hút nhiều du khách ghé thăm. (Nguồn: Japan Times) |
Nằm ở thành phố Hirosaki, tỉnh Aomori, Lâu đài Hirosaki được hoàn thành việc xây dựng vào năm 1611 – khi Nhật Bản đang bước vào thời kỳ hoà bình kéo dài dưới thời Mạc phủ Tokugawa. Chính vì vậy, nơi đây chưa bao giờ phải hứng chịu sự bao vây hay xâm phạm.
Tuy nhiên, toà tháp canh Tenshu – toà nhà cao nhất trong lâu đài ban đầu gồm 5 tầng đã bị sét đánh vào năm 1627. Sau đó, lâu đài Hirosaki để nguyên trong tình trạng không có toà tháp canh trong suốt gần 200 năm, cho đến năm 1810 được xây dựng lại với cấu trúc 3 tầng như hiện nay. Toà tháp này là 1 trong 12 toà tháp hiện nay còn tồn tại ở Nhật, là di sản văn hoá quan trọng của quốc gia.
Lâu đài Hirosaki không chỉ có kiến trúc nổi bật mà với hơn 2.600 cây anh đào, nơi là còn là điểm ngắm hoa vào mỗi mùa hoa nở. Vào mùa Xuân, những cây anh đào rực rỡ sắc hoa, phản chiếu xuống hào nước bao quanh Lâu đài tạo nên một cảnh sắc tuyệt đẹp, được ví như là “Thảm hoa anh đào”.
Lâu đài Shuri-jo
Lâu đài Shuri-jo đã bị phá hủy trong trận hỏa hoạn năm 2019 và các nỗ lực khôi phục hiện đang được tiến hành. (Nguồn: Alamy) |
Lâu đài Shuri-jo là một pháo đài đồ sộ nằm trên đỉnh đồi, nhìn ra thủ phủ Naha của Okinawa. Shuri-jo được xây dựng lần đầu tiên vào khoảng thế kỷ XIV là trung tâm quyền lực của Vương quốc Ryukyu cho đến khi Nhật Bản sáp nhập quần đảo Okinawa vào năm 1879. Trước khi bị bỏ quên dưới sự cai trị của đế quốc, lâu đài Shuri-jo từng là trung tâm ngoại giao, quản trị và tâm linh trong nhiều thế kỷ. Tòa lâu đài được công nhận là quốc bảo của Nhật Bản từ năm 1933.
Khác với các công trình ở Nhật Bản, kiến trúc lâu đài Shuri-jo chịu sự ảnh hưởng lớn từ các toà lâu đài Trung Quốc. Cổng và toà nhà đều được sơn đỏ theo kỹ thuật sơn mài, mái ngói ban đầu là ngói Cao Ly, sau này là ngói Ryukyu (ngói làm bằng gạch Ryukyu đỏ) và hình ảnh liên quan đến rồng được sử dụng để trang trí rất nhiều.
Lâu đài Shuri-jo còn được mệnh danh là lâu đài “đen đủi” nhất Nhật Bản khi bị bị thiêu rụi tới 5 lần. Lần đầu là vào năm 1453; lần thứ 2 vào năm 1660 và cần đến 11 năm để xây dựng lại. Năm 1709, lâu đài Shuri-jo bị cháy lần thứ 3, nhưng lúc này do tài chính eo hẹp nên đến năm 1712 toà lâu đài mới được phục dựng lại. Và lần thứ 4, Shuri-jo bị đã bị chiến hạm Mississippi của Mỹ bắn hạ và thiêu rụi vào ngày năm 1945.
Gần đây nhất là vào tháng 10/2019, hệ thống an ninh trong lâu đài bốc cháy và ngọn lửa sau đó nhanh chóng lan ra các công trình gỗ và thiêu rụi hoàn toàn Chính Điện, gây tổn hại nặng nề cho Bắc Điện và Nam Điện của toà lâu đài 600 năm tuổi. Quá trình tái thiết hiện đang được tiến hành nhằm phục hồi nguyên vẹn các tòa nhà chính một lần nữa đang được tiến hành.
Lâu đài Edo
Các dấu tích còn lại của công trình kiến trúc ban đầu có thể tìm thấy ở khắp Tokyo, và Cung điện Hoàng gia hiện nay là nơi tốt nhất để cảm nhận về thời kỳ hoàng kim của Nhật Bản. (Nguồn: Istockphoto) |
Lâu đài Edo là một trong những công trình có kiến trúc lâu đời nhất so với các lâu đài khác tại Nhật Bản. Cung điện kiên cố lần đầu tiên được xây dựng vào khoảng năm 794-1185 thời Heian. Sau đó, năm 1457, Samurai Ota Dokan đã thiết kế một pháo đài thay thế cung điện, trước khi Daimyo – lãnh chúa phong kiến có ảnh hưởng Tokugawa Leyasu nắm quyền kiểm soát vào cuối thế kỷ XVI.
Edo là nơi ở của các đời Shogun Mạc phủ Tokugawa. Sau khi thành Edo bị cháy và Tokugawa Yoshinobu từ bỏ ngôi vị Shogun, Thiên hoàng Minh Trị dời đến lâu đài Edo và xây lại hoàng cung mới trên nền đất cũ của lâu đài Edo và trở thành nơi ở của Hoàng gia Nhật cho đến ngày nay. Lâu đài Edo được bao quanh bởi con hào dài 15km với hơn 30 cổng và một cây cầu.
Các dấu tích còn lại của công trình kiến trúc ban đầu có thể tìm thấy ở khắp Tokyo, và Cung điện Hoàng gia hiện nay là nơi tốt nhất để cảm nhận về thời kỳ hoàng kim của Nhật Bản. Hiện nay, khu vực vườn phía Đông cung điện Hoàng gia mở cửa cho công chúng tham quan.
Lâu đài Matsumoto
Lâu đài Matsumoto phần lớn không bị phá huỷ và là một trong những di tích lâu đời nhất còn tồn tại của Nhật Bản. (Nguồn: Japan Experience) |
Được xây dựng vào thế kỷ XVI theo lệnh của Toyotomi Hideyoshi - người thống nhất vĩ đại của Nhật Bản, lâu đài Matusmoto được bao quanh bởi bức tường đen kiên cố và có vị trí nằm cạnh dãy núi Alps.
Lâu đài Matsumoto phần lớn không bị phá huỷ và là một trọng những di tích lâu đời nhất còn tồn tại của Nhật Bản. Lâu đài được xây dựng theo cấu trúc ẩn tầng, nhìn bên ngoài chỉ có 5 tầng, nhưng bên trong gồm 6 tầng với các cầu thang dốc đứng.
Về cấu trúc, lâu đài Matsumoto gồm 2 tòa tháp liền kề, được xây dựng trong hai thời đại rất khác nhau ở Nhật Bản. Tòa tháp đầu tiên được xây dựng trong thời Chiến quốc, với nhiều cửa sổ để binh lính kê súng, nhằm chống lại những kẻ xâm lược.
Còn tháp Tsukimi Yagura, được xây dựng vào thời Edo - thời kỳ hoà bình với hệ thống lan can bên ngoài màu đỏ tươi với mục đích chủ yếu là để ngắm trăng.
Lâu đài Nagoya
Lâu đài Nagoya nổi tiếng với tượng cá giống hổ vàng lộng lẫy nhô ra từ đỉnh cao nhất và những mái dốc màu xanh bạc hà. (Nguồn: Freepik) |
Lâu đài Nagoya nằm ở Aichi, Nagoya, từng được mệnh danh là “chìa khóa nắm giữ Owari-Nagoya”. Theo chỉ thị của Shogun (Mạc Chúa), lâu đài Nagoya được xây dựng như một trung tâm hành chính vào đầu thời kỳ Edo, sau gần 150 năm chiến tranh. Vào Thế chiến II, lâu đài bị phá huỷ trong các cuộc ném bom.
Lâu đài Nagoya nổi tiếng với tượng shachihoko (cá giống hổ) vàng lộng lẫy nhô ra từ đỉnh cao nhất và những mái dốc màu xanh bạc hà.
Hiện nay, du khách không thể vào khu bảo tồn chính do nơi đây không đáp ứng các tiêu chuẩn chống động đất hiện đại và việc cải tạo đang được thực hiện với mong muốn có thể đưa vào sử dụng vào năm 2028.
Lâu đài Osaka
Lâu đài Osaka gồm 5 tầng, được xây dựng lại trên nền toà tháp ban đầu với mái ngói màu xanh bạc hà và các chi tiết trang trí bằng vàng. (Nguồn: Pixta) |
Đây là một trong những địa danh nổi tiếng nhất của Nhật Bản. Nơi đây từng đóng vai trò quan trọng đỉnh cao của thời đại Sengoku. Sau khi thống nhất Nhật Bản vào năm 1590, Samurai Toyotomi Hideyoshi với mong muốn vượt qua lãnh chúa cũ Oda Nobunaga đã tìm cách mở rộng pháo đài căn cứ.
Tuy nhiên, những nỗ lực của ông để tạo nên một hệ thống phòng thủ kiên cố đã không thành khi lâu đài này đã rơi vào tay gia tộc Tokugawa không lâu sau đó, năm 1615.
Lâu đài Osaka gồm 5 tầng, được xây dựng lại trên nền toà tháp ban đầu với mái ngói màu xanh bạc hà và các chi tiết trang trí bằng vàng, có nét tương đồng với lâu đài Nagoya và bên trong là bảo tàng mô tả chi tiết về lịch sử chính trị của khu vực và các samurai khác.
Lâu đài Nijo
Lâu đài Nijo-jo nhìn từ trên không. (Nguồn: Saki Fujimaki) |
Nằm ở trung tâm thành phố Kyoto, lâu đài Nijo-jo nằm trong khuôn viên rộng lớn 500m từ Đông sang Tây và 400m từ Bắc xuống Nam. Lâu đài này được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1603 bởi Tokugawa Ieyasu, Tướng quân đầu tiên của Chính phủ Edo.
Sau cuộc Duy Tân Minh Trị, Lâu đài này trở thành Cung điện Hoàng gia trước khi mở cửa cho công chúng tham quan như một di tích lịch sử và hiện là điểm đến nổi tiếng tại Cố đô Kyoto.
Quần thể lâu đài có diện tích hơn 200.000m2 bao gồm: Lâu đài Honmaru, Lâu đài Ninomaru và vô số dinh thự, vườn hoa cây cảnh lộng lẫy.
Lâu đài mang nhiều đặc điểm của kiến trúc phong kiến Nhật Bản như hào rộng, cổng vào hoành tráng, các phần đồng tâm được ngăn cách bởi những bức tường đá gia cố và ván sàn "chim sơn ca" với tiếng động lớn để phát hiện những kẻ xâm nhập.
Lâu đài Inuyama
Lâu đài Inuyama nằm trên đỉnh đồi giúp lâu đài Inuyama có tầm nhìn bao quát ra vùng đồng bằng xung quanh và sông Kiso (Nguồn: Asia stock photo) |
Lâu đài Inuyama được cho là công trình có phong cách kiến trúc nguyên bản lâu đời nhất Nhật Bản, có niên đại từ năm 1580 và là một trong 5 lâu đài được xếp hạng Bảo vật quốc gia.
Đây cũng là pháo đài đầu tiên thuộc quyền sở hữu của bạo chúa khát máu, người đầu tiên cố gắng thống nhất Nhật Bản.
Với vị trí nằm trên đỉnh đồi giúp lâu đài Inuyama có tầm nhìn bao quát ra vùng đồng bằng xung quanh và sông Kiso. Ngày nay, du khách có thể phóng tầm nhìn ra thị trấn, khu rừng xung quanh.
Lâu đài Hikone
Lâu đài Hikone là một trong 5 lâu đài duy nhất ở Nhật Bản vẫn còn giữ được tòa tháp canh nguyên bản và được công nhận là Bảo vật quốc gia. (Nguồn: Adobe Stock) |
Lâu đài Hikone là một trong 5 lâu đài duy nhất ở Nhật Bản vẫn còn giữ được tòa tháp canh nguyên bản và được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Tòa lâu đài nổi tiếng Hikone vươn lên sừng sững tại thành phố Hikone của tỉnh Shiga được khởi công xây dựng vào năm 1604 và mất 20 năm để hoàn thành.
Lâu đài có tầm nhìn ra hồ Biwa - hồ lớn nhất Nhật Bản và lâu đài này gần như không thay đổi từ khi được xây dựng lần đầu tiên. Ngoài ra, ở chân đồi còn có Bảo tàng Lâu đài Hikone trưng bày các hiện vật và tài liệu lịch sử cách đây khoảng 400 năm.
Lâu đài Bicchu Matsuyama
Lâu đài Bitchu Matsuyama nằm ở độ cao 430m so với mực nước biển-vị trí cao nhất so với các lâu đài khác ở Nhật Bản. (Nguồn: Nippon) |
Lâu đài Bichu Matsuyama có từ thế kỷ XIII, nằm ở thành phố Takahashi, tỉnh Okayama đến nay vẫn còn giữ được nguyên bản. Lâu đài nằm ở độ cao 430m so với mực nước biển-vị trí cao nhất so với các lâu đài khác ở Nhật Bản và được mệnh danh là lâu đài trên núi.
Lâu đài gồm gồm một tòa tháp chính và một cấu trúc nhỏ liền kề. Để lên được lâu đài, cần có sức khoẻ và khi bước chân vào lâu đài sẽ có thể ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên, khung cảnh ấn tượng của thành phố Takahashi với góc nhìn 360 độ.
Lâu đài Himeji
Trải qua 700 năm lịch sử đầy biến động, từ các vụ đánh bom, động đất, nhưng Lâu đài Himeji hầu như vẫn còn giữ được nguyên vẹn. (Nguồn: Earth Trekkers) |
Được mệnh danh là Diệc Trắng - một loài chim tượng trưng cho sự cao quý, thanh khiết của người quân tử trong văn hóa Nhật Bản, Lâu đài Himeji là toà thành cổ được xây dựng vào năm 1346, toạ lạc tại trung tâm thành phố Himeji, thuộc tỉnh Hyogo, Nhật Bản.
Trải qua 700 năm lịch sử đầy biến động, từ các vụ đánh bom, động đất, nhưng Lâu đài Himeji hầu như vẫn còn giữ được nguyên vẹn. Lâu đài Himeji là Di sản Thế giới đầu tiên của Nhật Bản được UNESCO công nhận.
Lâu đài Himeji gắn liền với sự tồn tại của giếng Okiku – được cho là nơi cưu ngụ của hồn ma một cô gái bị đánh chết oan không thể siêu thoát là Okiku. Giếng Okiku cũng trở nên nổi tiếng nhờ câu chuyện dân gian Dinh thự của những chiếc dĩa vùng Bancho, sau đó truyền cảm hứng cho bộ phim kinh dị Ringu (1998) và bộ phim chuyển thể từ Hollywood The Ring (2002).
Lâu đài Matsue
Lâu đài Matsue ban đầu được xây dựng nhằm giúp tướng quân mới là Tokugawa Leyasu củng cố quyền lực. (Nguồn: Japan Cheapo) |
Được xây dựng vào đầu những năm 1600, nằm ở gần hồ Shinji, nơi đây là một trong những di tích duy nhất còn lại của phía Tây Nhật Bản. Ban đầu, lâu đài được xây dựng nhằm giúp tướng quân mới là Tokugawa Leyasu củng cố quyền lực.
Tòa lâu đài 5 tầng làm bằng gỗ được đặt trên một phần móng kiên cố ghép bằng đá tảng, có cấu trúc như một tháp canh, đỉnh tháp là nơi đặt các khẩu pháo, súng bắn đá, cung tên…
Lâu đài Matsue bao gồm một tháp pháo gắn ở phía trước, với cấu trúc nhìn toàn cảnh, sử dụng tấm ván đen dày và tường đá. Tầng trên cùng nay trở thành vọng cảnh đài, là nơi du khách có thể ngắm nhìn cảnh quan thành phố Matsue. Lâu đài Matsue là một cấu trúc phức hợp với 4 phần, 5 tầng và một tầng hầm, chiều cao 30m.
Lâu đài Kumamoto
Lâu đài Kumamoto là niềm tự hào của thành phố Kumamoto. (Nguồn: Adobe Stock) |
Là một trong 3 lâu đài hàng đầu của Nhật Bản, cùng với Himeji và Matsumoto, lâu đài Kumamoto là niềm tự hào của thành phố Kumamoto. Khởi đầu là một pháo đài vào thế kỷ XV, công trình kiến trúc tuyệt đẹp này là nơi ở của một số nhân vật lịch sử nổi tiếng và chứng kiến nhiều trận chiến trong lịch sử. Lâu đài do Kiyomasa Kato, vị chỉ huy vĩ đại thời kỳ Sengoku, xây dựng nên.
Khác với các lâu đài của Nhật Bản, lịch sử thời chiến của Kumamoto kéo dài tới thời kỳ Edo và đến thời kỳ Minh Trị - Duy Tân, khi các samurai địa phương nổi dậy chống lại chính phủ mới, dẫn đến cuộc bao vây kéo dài hai tháng vào năm 1877.
Những bức tường phía bên ngoài của lâu đài được xây dựng từ đá lửa cứng và tường đen tương phản hoàn toàn với sắc hồng của 800 cây hoa anh đào tô điểm cho khu vườn vào mỗi mùa xuân.