14 hiệp hội ngành hàng chủ lực đồng loạt kêu cứu

Kỳ Văn
Theo các hiệp hội ngành hàng, hầu hết doanh nghiệp hội viên đều sử dụng nhiều lao động nên chi phí rất lớn. Nay doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng (3 tại chỗ) hoặc dừng sản xuất, nhưng các chi phí liên quan vẫn giữ nguyên, lương ngừng việc của người lao động vẫn phải trả, khiến khó khăn chồng chất, khó trụ vững dài ngày.

14 hiệp hội ngành hàng chủ lực Việt Nam, gồm: Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, Dệt may Việt Nam, Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Sữa Việt Nam… vừa có văn bản gửi Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, kiến nghị các chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19.

Các hiệp hội đánh giá cao việc Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kịp thời ban hành Quyết định 3089 hỗ trợ bữa ăn cho công đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” của doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn tỉnh, thành. Đây là sự hỗ trợ cần thiết và kịp thời đối với doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh cực kỳ khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.

Khó khăn chồng chất, nếu không được hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp ngành hàng khó trụ vững dài ngày.

Do ảnh hưởng của đại dịch doanh nghiệp gặp khó khăn chồng chất, nếu không được hỗ trợ kịp thời khó có thể trụ vững được dài ngày.

Tuy nhiên, theo khảo sát tình hình thực tế hiện nay trong các ngành hàng xuất khẩu thì chỉ một số ít (15-20%) các doanh nghiệp thực hiện được mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, còn lại đa số đều buộc phải tạm ngừng sản xuất. Doanh nghiệp chấp nhận doanh thu không có, nhưng vẫn phải chi trả các khoản định phí lớn như thuê kho bãi - nhà xưởng, phí tồn kho, lãi suất ngân hàng, chi trả lương chờ việc cho người lao động...

Theo tính toán sơ bộ của một công ty thủy sản quy mô trung bình, mức thua lỗ trung bình là 10 tỷ đồng/tháng, khi phải ngưng sản xuất. Trong khi đó, với ngành dệt may, một doanh nghiệp cỡ trung bình 4.000 lao động ngưng sản xuất, chỉ riêng khoản chi trả công nhân trong 14 ngày đầu đã là 10 tỷ đồng (bình quân 2,5 triệu đồng/người).

Các hiệp hội ngành hàng cho hay, hầu hết các doanh nghiệp hội viên đều sử dụng nhiều lao động, nên có điểm chung là chi phí cho người lao động (chi phí tiền công, tiền bảo hiểm xã hội và kinh phí Công đoàn) là chi phí lớn nhất.

“Nay các doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng (“3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”), hoặc dừng sản xuất, sản lượng giảm tới 70%, nhưng các chi phí liên quan người lao động vẫn giữ nguyên và doanh nghiệp vẫn phải trả lương ngừng việc, khiến khó khăn chồng chất, khó trụ vững dài ngày”, các hiệp hội chia sẻ.

Với thực trạng các doanh nghiệp ngừng sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch kéo dài và phức tạp, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của hàng triệu lao động, những người yếu thế và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, các hiệp hội đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam mở rộng thêm các nội dung hỗ trợ cho người lao động.

Cụ thể, sửa đổi phần “Đối tượng” được hỗ trợ tiền ăn của Quyết định 3089 của Tổng LĐLĐ Việt Nam thành: Tại các doanh nghiệp đã và đang thực hiện “3 tại chỗ”, "1 cung đường 2 điểm đến" và doanh nghiệp ngừng sản xuất.

Bên cạnh đó, đề nghị doanh nghiệp ở các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, không phân biệt phạm vi áp dụng là toàn tỉnh hay toàn huyện, hoặc khu vực nhỏ hơn; doanh nghiệp có trụ sở ở địa điểm không áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, nhưng địa điểm kinh doanh, chi nhánh, nhà xưởng ở các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, vẫn thuộc đối tượng được hỗ trợ.

giúp bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm lực lượng lao động phục hồi sản xuất ngay sau khi đại dịch được kiểm soát

Sự hỗ trợ kịp thời của ngành chức năng sẽ giúp bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm lực lượng lao động phục hồi sản xuất ngay sau khi đại dịch được kiểm soát.

Đồng thời, ở các khu vực, địa phương mà Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, UBND các tỉnh, thành yêu cầu doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” để duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm công tác phòng chống dịch của địa phương, thì vẫn thuộc đối tượng áp dụng của Quyết định 3089.

Đại diện các hiệp hội ngành hàng cũng đề nghị được miễn đóng kinh phí Công đoàn (2% quỹ lương) từ tháng 8 đến 31/12/2021, đối với các doanh nghiệp và người lao động nằm trong các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Dừng thu kinh phí Công đoàn và đoàn phí Công đoàn cho doanh nghiệp và người lao động trước mắt đến 30/6/2022, với các điều kiện như quy định tại Nghị quyết 68 của Chính phủ về dừng nộp quỹ hưu trí và tử tuất.

Ngoài ra, đề nghị cho phép doanh nghiệp phối hợp với Công đoàn cơ sở được sử dụng quỹ Công đoàn đang kết dư tại doanh nghiệp trả chi phí test nhanh, chi phí xét nghiệm cho người lao động và hỗ trợ người lao động đang gặp khó khăn.

“Mong nhận được sự quan tâm xem xét của Tổng LĐLĐ Việt Nam về các kiến nghị nêu trên, để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực hỗ trợ người lao động, giúp bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm lực lượng lao động phục hồi sản xuất ngay sau khi đại dịch được kiểm soát”, đại diện 14 hiệp hội ngành hàng mong mỏi.