6 giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khó, tìm đà phục hồi kinh tế

Kỳ Văn
Trao đổi với phóng viên DNVN, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết 85.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có thể chưa phản ánh hết con số thực do nhiều doanh nghiệp chưa báo cáo. Việc cần làm ngay bây giờ là tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, cắt giảm chi phí và cải cách thủ tục hành chính.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Xin bà cho biết tình hình kinh tế, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu tháng 8 và 8 tháng đầu năm nay? Mức giảm của tổng vốn đầu tư nước ngoài có thực sự rất bất lợi cho nền kinh tế không?

Bà Nguyễn Thị Hương: Chúng tôi đánh giá, tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng năm 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam.

Sản xuất công nghiệp tháng 8 chịu ảnh hưởng nặng nề, với chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng 5,6% so với cùng kỳ.

Qua theo dõi, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp đạt đỉnh tăng trưởng trong tháng 4 (tăng 23,7% so với cùng kỳ) nhưng giảm nhanh trong 4 tháng liên tiếp. Cụ thể: Tháng 5 tăng 11,9%; tháng 6 tăng 4,9%; tháng 7 giảm 0,3% và tháng 8 giảm 7,4%. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (ngành đang là động lực tăng trưởng, đóng góp lớn nhất của toàn bộ nền kinh tế) có tốc độ tăng trưởng từ tháng 4 đến tháng 8 lần lượt là 26,4%; 14,5%; 6,0%; 0,7% và -9,2%.

Sự sụt giảm xuống tới -9,2% là do tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 thời gian qua và dự kiến thời gian tới sẽ ảnh hưởng nặng nề đến khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp và kinh tế ở hầu hết các địa phương cũng như mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 của cả nước.

Về tình hình xuất khẩu và đầu tư, chúng tôi đánh giá kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước, mặc dù tính chung 8 tháng kim ngạch xuất khẩu đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính từ đầu năm đến ngày 20/8/2021 đạt 19,12 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ. Đây là mức giảm không đáng kể trong bối cảnh bất lợi.

Bà có thể phân tích sâu về những khó khăn của doanh nghiệp tháng 8 và 8 tháng đầu năm nay? Con số 85.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong thời gian này đã phản ánh đúng thực tế chưa, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hương: Sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng các đợt giãn cách liên tiếp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam.

Doanh nghiệp đang đối diện rất nhiều khó khăn. Đó là thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, khó khăn trong lưu thông hàng hóa làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng nguyên vật liệu, hàng hóa trong khi chi phí vận chuyển, lưu kho tăng cao.

Cùng với đó, thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Nhiều đơn vị thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh do hạn chế về tiềm lực tài chính và khả năng thanh khoản của doanh nghiệp còn yếu dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Doanh nghiệp đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao do phải áp dụng thêm các biện pháp phòng, chống dịch. Doanh nghiệp sản xuất trong tình trạng không có đủ lực lượng lao động, hoặc phải chịu chi phí sản xuất cao để thực hiện các công đoạn cung ứng nguyên vật liệu, sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Một số đơn vị không có đủ nguyên vật liệu để sản xuất nên không thể giao hàng đúng hạn, phải giãn hoặc hủy hợp đồng đã ký.

Thị trường trong 8 tháng đầu năm 2021 chứng kiến sự rút lui khỏi thị trường của 85.500 doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ. Song, số liệu này có thể chưa phản ánh thực sự số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bởi do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp không thể làm thủ tục liên quan đến việc rút lui khỏi thị trường.

Tương quan với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tính chung 8 tháng, cả nước có 81.600 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 1.133,4 nghìn tỷ đồng; giảm 8% về số doanh nghiệp, giảm 7,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Nếu tính cả 1.539,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 30,1 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng năm 2021 là gần 2.672,8 nghìn tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, còn có 32.400 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước; nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động trong 8 tháng là 114.000 doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hiện nay, Tổng cục Thống kê có những đề xuất gì để khắc phục khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng?

Bà Nguyễn Thị Hương: Ở phạm vi rộng, thời gian dài hạn thì nhiệm vụ ưu tiên nhất hiện nay là sớm kiểm soát được dịch bệnh trong thời gian còn lại của Quý III; nhất là tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương đang áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg, để từng bước mở cửa nền kinh tế, tập trung nguồn lực khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là yêu cầu cấp thiết để tránh tác động dài hạn đến động lực tăng trưởng của nền kinh tế, làm suy giảm, cạn kiệt sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân.

Để khắc phục khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại, cần tập trung vào 6 giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch nhằm kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9.

Thứ hai, chăm lo sức khỏe, đời sống của người dân, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Trong đó, bảo đảm lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu, dịch vụ y tế, an sinh xã hội cho người dân, có giải pháp hỗ trợ phù hợp với các nhóm đối tượng cụ thể.

Thứ ba, tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp chống chịu, vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm, “không để ai bị bỏ lại phía sau”…

Thứ tư, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường; bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm vừa kiềm chế lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng.

Thứ năm, siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; rà soát, hoàn thiện các quy trình thủ tục, bảo đảm đơn giản, thuận tiện cho triển khai dự án đầu tư công và thực hiện giải ngân; mở rộng hợp tác công tư. Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ hoàn thiện các thủ tục về đầu tư công. Chú trọng công tác đối thoại chính sách, xúc tiến đầu tư tại chỗ, nắm bắt tình hình, có biện pháp kịp thời, phù hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng, thực hiện kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19 tại các địa phương.

Thứ sáu, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường; cắt giảm chi phí về logistic, vận tải; cải cách thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu; tháo gỡ khó khăn về đầu vào, cung cấp thông tin, đẩy mạnh xúc tiến thương mại trực tuyến để thúc đẩy xuất khẩu.

Trân trọng cảm ơn bà!